Số phận của START-3 có thể được định đoạt trong năm 2020?

Lâm Anh |

Năm 2020 được coi là năm có ý nghĩa sống còn đối với Hiệp ước cắt giảm và hạn chế vũ khí tấn công chiến lược (START-3), vốn sẽ hết hạn vào đầu năm 2021. Trong khi Nga có nhiều động thái thiện chí nhằm gia hạn hiệp ước này thì Mỹ-bên tham gia hiệp ước lại lần lữa chưa đưa ra quan điểm chính thức về vấn đề này.

Gần đây, trong bài trả lời phỏng vấn báo Krasnaya Zvezda (Sao Đỏ) của Các lực lượng vũ trang Nga, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nga Alexander Fomin nhấn mạnh, START-3 là thỏa thuận quốc tế duy nhất hạn chế cuộc chạy đua vũ khí tấn công chiến lược và là một yếu tố quan trọng trong việc duy trì sự ổn định chiến lược. 

Theo ông, việc thiếu lập trường chính thức của Washington về vấn đề này tạo thêm sự bất ổn trong lĩnh vực kiểm soát vũ khí hạt nhân. Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nga cũng nhắc lại rằng, hồi tháng 11 vừa qua, Nga đã cho các thanh sát viên Mỹ "thực mục sở thị" hệ thống tên lửa siêu thanh Avangard. 

Việc làm này là lời khẳng định rằng Moscow đang tuân thủ nghiêm túc các nghĩa vụ theo START-3 để bảo đảm tính khả thi và hiệu quả của việc thực hiện hiệp ước này. 

Trước đó, trong một cuộc họp báo, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho rằng Nga và Mỹ có thể cùng nhau mở rộng START-3 để trấn an cộng đồng quốc tế và ngăn chặn khoảng trống trong sự ổn định chiến lược toàn cầu. 

Nhà ngoại giao hàng đầu của Nga khẳng định, Moscow và Washington cần chịu trách nhiệm đặc biệt về vấn đề này với tư cách là hai cường quốc hạt nhân lớn nhất thế giới.

Những phát biểu trên cho thấy giới chức Nga đang thực sự lo ngại về viễn cảnh phía trước khi tương lai của START-3 vẫn chưa rõ ràng. START-3 được cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama và cựu Tổng thống Nga Dmitry Medvedev ký kết vào tháng 4-2010. 

Đây là hiệp ước kiểm soát vũ khí hạt nhân quy mô lớn mới nhất giữa Nga và Mỹ, nhằm giới hạn số lượng đầu đạn hạt nhân chiến lược mà hai cường quốc hạt nhân lớn nhất thế giới này có thể triển khai. 

Thỏa thuận này có hiệu lực trong vòng 10 năm, kể từ ngày 5-2-2011 và có khả năng được gia hạn không quá 5 năm nếu hai bên tham gia hiệp ước nhất trí. 

Hiệp ước quy định mỗi bên cắt giảm kho vũ khí tấn công chiến lược của mình để sau 7 năm kể từ ngày hiệp ước có hiệu lực và trong tương lai, tổng số lượng vũ khí không vượt quá 700 tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM), tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM) và máy bay ném bom hạng nặng, cũng như 1.550 đầu đạn và 800 bệ phóng tên lửa đã triển khai và chưa triển khai. 

Thêm vào đó, hiệp ước cũng bắt buộc Nga và Mỹ trao đổi thông tin về số lượng đầu đạn và phương tiện phóng hai lần mỗi năm. Chính bởi vậy mà lâu nay, Nga vẫn luôn coi START-3 là "hòn đá tảng đối với an ninh thế giới".

Chỉ còn hơn một năm nữa là START-3 sẽ hết hạn. Dù đã nhiều lần đưa ra lời đề nghị gia hạn hiệp ước, song cho đến thời điểm này, Nga vẫn chưa nhận được bất cứ phản hồi nào từ phía Mỹ. 

Ngay cả như vậy, tại cuộc họp quân sự hồi đầu tháng 12 này, Tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định rằng nước Nga sẵn sàng gia hạn START-3 không cần bất cứ điều kiện tiên quyết nào. Sở dĩ Nga thể hiện thiện chí trên vì xứ bạch dương không muốn khởi xướng một cuộc chạy đua vũ trang. 

Moscow thậm chí nhiều lần cảnh báo Washington rằng việc từ chối gia hạn START-3 sẽ gây thêm nhiều hiểm họa và bất ổn cho an ninh thế giới. "Nếu START-3 không tồn tại thì sẽ không còn công cụ nào trên thế giới có thể kiềm chế cuộc chạy đua vũ trang", nhà lãnh đạo Nga nêu rõ về tầm quan trọng của hiệp ước này trong một cuộc trả lời phỏng vấn với tờ Financial Times.

Sau khi Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) chính thức sụp đổ vào tháng 8 vừa qua, thế giới đang dõi theo số phận của START-3. Trái ngược với sự nôn nóng của Nga, hiện Mỹ vẫn đang bỏ ngỏ khả năng gia hạn hiệp ước này. 

Theo quan điểm của giới chức Mỹ, hiệp ước này là một thiếu sót lớn khi không bao phủ tất cả các loại vũ khí hạt nhân chiến thuật tầm ngắn của Nga. Động thái chần chừ của Mỹ khiến Nga lo ngại Washington có thể sẵn sàng từ bỏ START-3 như đã làm với INF. 

 Vì vậy, năm 2020 sẽ là năm đóng vai trò nòng cốt đối với các cuộc đàm phán kiểm soát vũ khí giữa hai bên để quyết định tương lai của START-3.

Là hai cường quốc hạt nhân, Nga và Mỹ đều chịu trách nhiệm chính trong việc duy trì sự ổn định toàn cầu. Bất kỳ bước đi thiếu cân nhắc nào cũng có thể gây ra những hậu quả khó lường đối với hòa bình thế giới. 

Nếu vắng bóng một hiệp ước như START-3 thì điều này sẽ đồng nghĩa với việc nguy cơ bùng phát các cuộc chạy đua vũ trang và xung đột sẽ càng trở nên hiện hữu bởi sự chia rẽ và cạnh tranh giữa các cường quốc. 

Do đó, dù bận rộn với chiến dịch tranh cử năm 2020 nhưng Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ không thể lơ là các cuộc đàm phán về vấn đề kiểm soát vũ khí với Nga trong bối cảnh thời hạn hiệu lực của START-3 không còn dài.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại