Pantsir gây thất vọng lớn
Cuối năm 2019, một quan chức Nga tiết lộ hơn 30 hệ thống phòng không Pantsir-S1 (SA-22) đã được đưa tới Syria, đồng thời ngụ ý rằng với số lượng lớn như vậy, các tổ hợp Pantsir-S1 này có thể bảo vệ toàn bộ không phận Syria trước các cuộc tấn công đường không của máy bay chiến đấu, UAV, tên lửa hành trình và đạn đạo.
Theo Strategy Page, ở đây có một vấn đề, đó là mới chỉ có Nga và Syria tuyên bố hệ thống này hiệu quả. Israel và Mỹ thì bày tỏ thái độ ngược lại khi đề cập tới việc xác nhận các tuyên bố từ Nga và Syria.
Ngoài ra, kể từ năm 2011, các hệ thống phòng không của Nga, nhưng do quân đội Syria vận hành, mới chỉ bắn hạ một máy bay duy nhất, đó là chiếc phi cơ trinh sát đời cũ RF-4E của Thổ Nhĩ Kỳ, vào năm 2012. Và khi đó, Syria đã sử dụng khí tài Liên Xô, có từ thời Chiến tranh Lạnh.
Khi can thiệp vào Syria năm 2015, Nga đã mang tới nhiều hệ thống phòng không hiện đại hơn cho nước này, trong đó có Pantsir. Có điều, hệ thống Pantsir được tung hô tới tận mây xanh, hóa ra lại là một thất bại.
Cho tới nay, không có bằng chứng đáng tin cậy nào về thành tích tiêu diệt của Pantsir được công bố, trong khi đó, các cuộc không kích của Israel vẫn liên tục tiêu diệt được mục tiêu của chúng, ngay cả khi có sự hiện diện của Pantsir.
Tổ hợp pháo - tên lửa phòng không Pantsir-S1 của phòng không Syria. Ảnh minh họa: AMN.
Có một vụ việc đã xảy ra vào năm ngoái khi Nga bị “bắt quả tang” đang tìm cách lấp liếm những tin tức xấu về hiệu quả tác chiến của Pantsir-S1 ở Syria. Các bình luận này đến từ một nguồn tin của Nga.
Việc này bắt nguồn từ cuối năm 2019 khi các phần tử khủng bố Hồi giáo sử dụng các loại UAV cỡ nhỏ và chứa thuốc nổ để tiến hành một số cuộc tấn công nhằm vào căn cứ không quân Hmeymim (do Nga kiểm soát) ở Syria.
Phía Nga thông báo những cuộc tấn công này đã thất bại do các hệ thống phòng không của họ đã bắn hạ hơn 50 UAV cỡ nhỏ trước khi chúng tiếp cận được căn cứ Hmeymim.
Tuy nhiên, các báo cáo không chính thức, được công bố qua internet, lại cho thấy hai hệ thống phòng không tầm ngắn tại căn cứ Hmeymim có hiệu quả tác chiến rất khác nhau.
Hệ thống đời cũ Tor-M2U đã bắn hạ thành công nhiều UAV, trong khi hệ thống Pantsir-S1, mặc dù hiện đại hơn, nhưng đều trượt mục tiêu. Lực lượng kiểm duyệt internet của Nga đã nhanh chóng gỡ bỏ các bình luận tiêu cực nhưng tin tức đã được truyền ra và lan rộng.
Trong khoảng thời gian này, Nga cũng quảng bá rất nhiều về các phiên bản Pantsir được cải tiến mạnh, với phần lớn nâng cấp nằm ở hệ thống radar và kiểm soát hỏa lực. Toàn bộ các hệ thống mới được đưa vào biên chế quân đội Nga cuối năm 2018 và đầu năm 2019 với các định danh Pantsir S1M, S2, S2E và SM.
Song, không phải tổ hợp Pantsir nào cũng được nâng cấp và hiệu quả toàn diện của những nâng cấp này có vẻ không mấy ấn tượng.
Israel tiêu diệt 1 tổ hợp pháo - tên lửa phòng không Pantsir-S1 của Syria.
Hiện đại hơn không phải lúc nào cũng tốt hơn
Vụ việc cuối năm 2018 không phải là lần đầu tiên Pantsir-S1 được mô tả là một sự thất bại trong tác chiến. Những vụ tấn công nhằm vào căn cứ không quân Hmeimim rất đáng chú ý bởi chúng diễn ra tại một căn cứ không quân do Nga kiểm soát ở vùng chiến đấu.
Căn cứ Hmeymim được Nga xây dựng vào năm 2015 gần thành phố cảng Latakia, cách Tartus 85km về phía bắc và cách biên giới Thổ Nhĩ Kỳ 50km. Nga đã mang tới các hệ thống phòng không Pantsir-S1, Tor-M2U và S-400 để bảo vệ căn cứ này trước nguy cơ bị tấn công.
Điều bi hài nằm ở chỗ, Tor-M là hệ thống phòng không đời cũ, được phát triển trong những năm 1970, trong khi phải 20 năm sau, hệ thống phòng không Pantsir-S1 mới được phát triển.
Sự khác biệt lớn giữa hai hệ thống này đó là Tor-M thành công hơn và đắt đỏ hơn Pantsir-S1. Yếu tố chi phí là một lý do để Nga phát triển Pantsir-S1 nhưng ban đầu, chỉ có khách hàng nước ngoài mới đủ khả năng mua chúng, bởi ngân sách mua sắm quân sựu của Nga đã bị cắt giảm mạnh trong những năm 1990.
Hệ thống phòng không Tor, dù cũ hơn, nhưng lại được đánh giá cao hơn Pantsir. Ảnh: Wiki
Năm 2010, tức là 3 năm sau khi khách hàng nước ngoài đầu tiên (Syria) nhận được hệ thống Pantsir-S1, Không quân Nga mới bắt đầu được trang bị một số tổ hợp. Điều này là nhờ kinh tế Nga đang trên đà phục hồi, cho phép Moscow tăng cường chi tiêu quốc phòng.
Trong thời gian đầu, Không quân Nga đã tiếp nhận phiên bản S1E với nâng cấp ở radar (tầm hoạt động 36km) và tên lửa (độ tin cậy cao hơn). Điều gây tò mò là Không quân Nga đã triển khai 10 tổ hợp Pantsir-S1 đầu tiên mà họ nhận được tới bảo vệ các căn cứ tên lửa phòng không S-300 xung quanh Moscow.
Hiện Nga vẫn chưa giải thích tại sao họ lại cảm thấy cần triển khai hệ thống phòng không di động tầm thấp tới bảo vệ hệ thống phòng không tầm cao và có kích cỡ lớn hơn. Nhưng có thể đó là nhằm tăng cường khả năng bảo vệ trước mối đe dọa từ tên lửa hành trình.
10 tổ hợp Pantsir dành cho Moscow vốn dự kiến được chuyển giao vào năm 2008 nhưng đã có những trục trặc kỹ thuật phát sinh. Công tác phát triển các hệ thống Pantsir-S1 được Nga bắt đầu từ những năm 1990 nhưng diễn ra rời rạc trong gần 1 thập kỷ vì thiếu kinh phí.
Trong khi đó, một số quốc gia Ả Rập đã bị thuyết phục để đặt hàng tới 150 tổ hợp Pantsir-S1 nhưng phần lớn trong số đó vẫn chưa tham gia tác chiến. Nga không muốn những khách hàng này nghi ngờ mức độ tin cậy của Pantsir. Xét cho cùng tất cả các hệ thống đó đã hoạt động hiệu quả trong những bài thử nghiệm bắn.
Vấn đề chính với Pantsir-S1 là nó không phát huy hiệu quả trong thực chiến. Kể từ năm 2007, những thất bại của Pantsir-S1 đã được ghi nhận ít nhất 3 lần, tất cả đều diễn ra ở Syria.
Hai tháng sau khi Syria tiếp nhận Pantsir-S1 vào năm 2007, Israel đã đánh bom một cơ sở phát triển vũ khí hạt nhân của Syria. Phía Syria đã mất hết tinh thần khi chứng kiến mức độ kém hiệu quả của các hệ thống Pantsir-S1 mới trong cuộc tấn công của Israel.
Thất bại năm 2007 đã góp phần giúp Israel tìm ra cách làm mù những hệ thống này bằng phương pháp điện tử. Về sau, Pantsir-S1 một lần nữa thất bại trong cuộc tấn công của Israel và lời biện minh được đưa ra lần này, là Pantsir-S1 đã không được kích hoạt.
Thất bại năm 2018 diễn ra khi các hệ thống Pantsir của Syria bắn trượt các UAV tấn công căn cứ Hmeymim, trong khi hệ thống Tor-M2U lại phát hiện và đều đặn bắn hạ chúng.
Tor-M được Nga phát triển và triển khai trong những năm 1980, chúng không được trang bị pháo tự động, mà chỉ có tên lửa. Các hệ thống Tor đã trải qua một số đợt nâng cấp. Phiên bản nâng cấp được giới thiệu vào năm 2018 gọi là Tor-E2, mang theo 16 tên lửa với tầm bắn tăng lên 15km.
Ngoài sử dụng trong nước, Tor-M đã được Nga xuất khẩu sang 14 quốc gia, trong đó có Hy Lạp, Venezuela, Trung Quốc, Iran và Ai Cập. Nga rất muốn gia tăng xuất khẩu các hệ thống Pantsir, nhưng theo Strategy Page, các khách hàng “hiểu biết” vẫn có xu hướng đặt hàng hệ thống Tor-M đắt đỏ hơn, bởi họ biết rằng chúng hiệu quả.