Quyết định rời bỏ hiệp ước - được ký năm 1992 và có hiệu lực vào năm 2002, cho phép 34 quốc gia thành viên thực hiện các chuyến bay giám sát không vũ trang trên lãnh thổ của nhau - có thể ảnh hưởng đến khả năng của quân đội Mỹ trong việc giám sát trên không đối với Nga và các quốc gia thành viên khác.
Hiệp ước được sử dụng để xác minh các thỏa thuận kiểm soát vũ khí, theo Cơ quan Giảm thiểu Mối đe dọa Quốc phòng, thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ.
Theo Bộ Ngoại giao Mỹ, hiệp ước "được thiết lập để tăng cường sự hiểu biết và tin tưởng lẫn nhau bằng cách cho tất cả các bên tham gia, bất kể quy mô, vai trò trực tiếp thu thập thông tin qua hình ảnh trên không về các lực lượng quân sự và các hoạt động liên quan."
Đây sẽ là điều ước quốc tế lớn mới nhất mà chính quyền ông Trump dự định từ bỏ.
Trước đó, vào tháng 8, Mỹ rút khỏi Hiệp ước Lực lượng hạt nhân tầm trung với Nga (INF), thỏa thuận kiểm soát vũ khí mang tính bước ngoặt đã hạn chế sự phát triển của tên lửa mặt đất với tầm bắn từ 500 đến 5.500 km.
Các nhà phân tích lo ngại diễn biến có khả năng thúc đẩy chạy đua vũ trang giữa Washington với Matxcơva. Sau khi hiệp ước bị phá vỡ, Mỹ chuẩn bị thử tên lửa hành trình phi hạt nhân mới phát triển, được coi là thách thức Nga ở châu Âu.
Đảng Dân chủ lập tức chỉ trích ý định này và cảnh báo hậu quả.
"Rút khỏi Hiệp ước Bầu trời mở, thỏa thuận kiểm soát vũ khí đa phương quan trọng, sẽ là một món quà khác từ chính quyền Trump cho (Tổng thống Nga) Putin", các thành viên Đảng Dân chủ cấp cao của Ủy ban Ngoại giao, Vũ trang Hạ viện và Thượng viện viết trong thư gửi Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper và Bộ trưởng Ngoại giao Mike Pompeo.
"Không chỉ không có căn cứ vì lý do an ninh quốc gia, quyết định có thể hậu quả này cũng chưa được tham vấn tại Quốc hội hoặc các đồng minh.
Bất kỳ hành động nào của chính quyền liên quan đến việc rút khỏi các điều ước quốc tế quan trọng mà không có sự chấp thuận của Thượng viện là vô cùng đáng lo ngại".
Đại sứ quán Nga tại Washington viết trên Twitter bày tỏ sự ủng hộ đối với hiệp ước, nói rằng:
"Chúng tôi coi Hiệp ước Bầu trời mở là công cụ quan trọng trong việc đảm bảo an ninh châu Âu, ngang hàng với tài liệu Vienna năm 2011 về các biện pháp xây dựng lòng tin và an ninh".
Vào năm 2017, máy bay của Không quân Nga không có vũ khí bay qua Tòa nhà Quốc hội Mỹ, Lầu Năm Góc, Cơ quan Tình báo Trung ương và Căn cứ chung Andrews ở độ cao thấp như một phần của hiệp ước.
Mỹ trong quá khứ cáo buộc Matxcơva áp đặt các hạn chế đối với chuyến bay gần Kaliningrad, một khu vực giữa Ba Lan và Litva nơi quân đội Nga duy trì sự hiện diện mạnh mẽ.