Sơ cứu rất quan trọng, nếu mắc sai lầm này thì sơ cứu còn nguy hiểm cho người bị tai nạn

Minh Phương |

Có những sai lầm phổ biển khi sơ cứu khẩn cấp mà mọi người vẫn làm. Nếu không biết cách xử lý đúng có thể sẽ khiến tai nạn trở nên trầm trọng hơn.

Sơ cứu trong những trường hợp khẩn cấp kịp thời và đúng cách có ảnh hưởng rất lớn đến quá trình phục hồi. Tuy nhiên nhiều người thường mắc phải những sai lầm cơ bản và làm tình trạng bệnh trở nên tồi tệ hơn.

1. Chườm đá lạnh trực tiếp lên vết thương

Chúng ta thường sử dụng đá lạnh để cứu cánh trong trường hợp như bị bỏng, sưng tấy. Tuy nhiên có một sai lầm mà nhiều người mắc phải là chườm đá lạnh trực tiếp lên da. Điều này có thể khiến phần da tiếp xúc với đá bị "bỏng lạnh". Vậy cách sử dụng đúng là gì? Bạn hãy bọc đá trong một mảnh vải rồi mới chườm lên da để đạt hiệu quả mong muốn.

Sơ cứu rất quan trọng, nếu mắc sai lầm này thì sơ cứu còn nguy hiểm cho người bị tai nạn - Ảnh 1.

Bọc đá lạnh vào khăn trước khi chườm lên vết thương

2. Ngả đầu về sau khi chảy máu mũi

Việc làm này có thể khiến cho người bệnh bị sặc, ho do máu chảy xuống miệng. Cách làm đúng là để bệnh nhân ngồi thẳng lưng nhằm hạ huyết áp ở các tĩnh mạch mũi. Sau đó dùng ngón tay cái và ngón tay trỏ bóp chặt mũi để ngăn không cho máu tiếp tục chảy, thở bằng miệng, giữ như vậy từ 5 -10 phút. Động tác này sẽ ép chặt lên điểm chảy máu ở vách ngăn mũi và thường làm máu ngừng.

3. Chườm nóng lên vết thương sưng tấy

48 giờ đầu sau chấn thương, tuyệt đối không được áp dụng các biện pháp làm nóng vết thương như ngâm mình trong bồn nước nóng, dùng đèn sưởi, chườm túi nước nóng, bôi dầu gió… Những động thái này làm gia tăng tình trạng xuất huyết tại nơi chấn thương, khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn.

Trái lại, các biện pháp chườm lạnh lại tỏ ra rất hiệu quả. Đá lạnh có tác dụng giảm sưng, trong khi hơi nóng làm tăng lưu lượng máu, làm vết sưng tấy trở nên nặng hơn.

4. Loại bỏ bụi bẩn trong mắt

Bụi bay vào mắt gây cảm giác khó chịu, mọi người thường cố gắng tìm cách loại bỏ chúng càng nhanh càng tốt, thậm chí đưa cả ngón tay vào mắt. Điều này là rất nguy hiểm bởi một sai sót cũng có thể dẫn đến nhiễm trùng hay thủng giác mạc. Việc nên làm là nhờ đến sự giúp đỡ của bác sĩ.

Sơ cứu rất quan trọng, nếu mắc sai lầm này thì sơ cứu còn nguy hiểm cho người bị tai nạn - Ảnh 2.

Bụi bay vào mắt gây cảm giác khó chịu, nhiều người dùng tay để dụi mắt

5. Dùng rượu để hạ sốt

Bạn có từng dùng rượu hoặc giấm như phương thuốc để hạ sốt vì nghĩ rằng cách này sẽ làm giảm nhiệt độ cơ thể? Tuy nhiên bạn nên biết rằng nếu hạ sốt bằng rượu chứa methanol rất có thể sẽ bị ngộ độc do methanol ngấm qua da hoặc do hít phải hơi methanol.

6. Dùng thuốc mỡ bôi lên vết thương

Sử dụng thuốc mỡ bôi lên vết thương sẽ tạo ra độ ẩm và bít lỗ chân lông. Sẽ tốt hơn nếu bạn rửa vết thương sạch sẽ và băng bó cẩn thận.

7. Bôi bơ vào vết bỏng

Mọi người cho rằng bơ có tác dụng làm dịu vết thương. Tuy nhiên đây là cách chữa trị sai lầm và khiến vết thương nặng hơn. Bơ sẽ làm tắc lỗ chân lông và khiến vùng da trở nên nóng rát hơn. Thay vào đó, hãy sơ cứu bằng cách cho vùng bỏng dưới vòi nước lạnh trong khoảng 10 đến 20 phút.

8. Cấp cứu người bất tỉnh sai cách

Nếu thấy người bất tỉnh, đừng bao giờ tạt thẳng nước lên mặt họ. Cà phê hoặc bất cứ thức uống gì có chứa caffein cũng không hề phù hợp với bệnh nhân bất tỉnh. Đồng thời tránh tối đa việc nâng đỡ, di chuyển. Các trường hợp này cần gọi ngay cấp cứu.

Sơ cứu rất quan trọng, nếu mắc sai lầm này thì sơ cứu còn nguy hiểm cho người bị tai nạn - Ảnh 3.

Nâng người ngất ngồi dạy là cách sơ cứu sai lầm phổ biển

9. Chủ quan về sức khỏe sau tai nạn giao thông

Khi bị tai nạn giao thông, dù cơ thể cảm thấy ổn thì bạn vẫn cần đến bệnh viện kiểm tra. Sau những va đập đột ngột, cơ thể bị kích thích sản sinh hoocmon adrenaline khiến cơn đau tạm thời bị che giấu. Có thể 10 phút hoặc hai giờ sau tai nạn, các triệu chứng tổn thương mới rõ rệt. Điều này đặc biệt nguy hiểm nếu gặp phải chấn thương hoặc xuất huyết bên trong.

10. Gây khó khăn cho đội ngũ cứu hộ

Trong trường hợp gặp phải tai nạn thì việc đầu tiên bạn cần làm là gọi cấp cứu. Sau đó, nếu có thể hãy cố gắng di chuyển đến vị trí để đội cứu hộ dễ nhìn thấy bạn. Điều này sẽ tiết kiệm thời gian để họ tìm kiếm bạn và giảm thiểu hậu quả đáng tiếc xảy ra.

*Theo Health, Boldsky

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại