Các mục tiêu của Arab Saudi trên sa mạc?
Ngày 14/9, Arab Saudi (quốc gia chi tiêu quân sự cao thứ ba thế giới) đã trở thành nạn nhân và đánh mất một nửa sản lượng dầu thô chỉ trong một ngày với một cuộc tập kích bằng máy bay không người lái (UAV) và tên lửa mà họ cáo buộc là do Iran tiến hành.
Ngày 11/10, một cuộc tập kích khác bằng tên lửa vào tàu chở dầu Sabiti thuộc Công ty Dầu khí quốc gia Iran cách thành phố cảng Jeddah của Arab Saudi khoảng 100 km đã khiến dầu tràn ra Biển Đỏ do một số khoang chứa bị hư hại.
Hãng tin Bloomberg dẫn nguồn các đánh giá sơ bộ của Iran cho biết tên lửa bay tới từ hướng Arab Saudi. Trong bối cảnh này, một số kênh truyền thông phương tây đã nghĩ ngay tới một kịch bản "ăn miếng trả miếng" giữa hai quốc gia đối địch Trung Đông.
Tàu chở dầu của Iran bốc cháy trên Biển Đỏ hôm 11/10.
Vậy trong thời gian tới, một cuộc tập kích bằng tên lửa và UAV có tiếp diễn nhằm vào Arab Saudi hay không? Và mục tiêu nào của Saudi có thể trở thành "nạn nhân tiếp theo" của chuỗi tấn công giấu mặt này?
Hệ thống phòng thủ tên lửa của Arab Saudi được thiết kế cho các mối đe dọa hoàn toàn khác (tên lửa đạn đạo, máy bay) so với UAV và tên lửa hành trình bay thấp.
Các vũ khí tương đối rẻ tiền được sử dụng hôm 14/9 là một thách thức khá mới mẻ mà thực tế là nhiều quốc gia trên thế giới chưa có khả năng sẵn sàng để đối phó.
Các cơ sở dầu mỏ của Arab Saudi (Nguồn: Google).
Theo Michael Rubin, cựu quan chức Lầu Năm Góc và chuyên gia Trung Đông tại Viện Doanh nghiệp Mỹ:
"Các cơ sở dầu mỏ lớn của Arab Saudi cũng là mục tiêu dễ bị tổn thương vì lý do đơn giản là khi bay qua vào ban đêm, chúng bám vào nền sa mạc như "cây thông Giáng sinh".
Điều này có nghĩa là những thế lực tấn công không cần sử dụng UAV công nghệ quá cao để xác định mục tiêu. Với một máy tính đơn giản được kết nối với GPS, UAV và tên lửa có thể vươn tới hầu như mọi mục tiêu ở miền đông và tây nam Arab Saudi.
Nhưng để xua tan các cáo buộc Iran tấn công, có thể cuộc tập kích trong tương lai sẽ lựa chọn các cơ sở dầu mỏ ở xa hơn và thiếu bảo vệ hơn nằm ở phía tây Saudi, trên bờ Biển Đỏ.
Một cơ sở dầu mỏ của Arab Saudi trong sa mạc rất dễ bị phát hiện từ xa.
Saudi có thể làm gì để đối mặt với các cuộc tập kích?
Đã gần một tháng trôi qua kể từ khi lực lượng Houthi ở Yemen nhận trách nhiệm cho vụ tập kích 14/9, nhưng để chống lại các cuộc tấn công trong tương lai, Saudi cần thời gian cho các hệ thống phòng không tầm ngắn tốt hơn và radar phù hợp hơn.
Người Nga đã tỏ ra khá thành công trong việc tích hợp một hệ thống tương tự tại căn cứ Khmeimim, Syria trước các cuộc tấn công bằng UAV thô sơ của phiến quân và họ đã tỏ ra sẵn lòng hỗ trợ Arab Saudi trước các mối đe dọa tương tự.
Mới đây, hãng tin TASS dẫn nguồn tin giấu tên từ chính phủ Nga đã xác nhận rằng hợp đồng cung cấp hệ thống radar Rezonans-NE đã được ký kết với "một số quốc gia Trung Đông" và sẽ được chuyển tới tay khách hàng trong vòng 2 năm.
Trong trường hợp người mua radar Rezonans-NE là Arab Saudi, nhiều khả năng lực lượng phòng không nước này sẽ phải trang bị thêm một loạt các hệ thống phòng không tầm ngắn như Pantsir-S1 (NATO: SA-22 Greyhound) và 9K330 Tor (NATO: SA-15 Gaunlet) để tích hợp cùng radar.
Hệ thống radar cảnh báo sớm Rezonans-NE.
Nhưng quan trọng hơn cả, Arab Saudi sẽ cần những người lính có khả năng sử dụng các vũ khí hiện đại nói trên.
Hầu hết doanh số bán vũ khí khổng lồ của Mỹ cho Saudi là để trang bị cho quân đội. Trớ trêu thay, an ninh trên bầu trời của Arab Saudi hiện phụ thuộc vào lực lượng Phòng không Hoàng gia Arab Saudi (RSADF), một lực lượng độc lập với phần còn lại của lực lượng vũ trang.
Việc phòng thủ các cơ sở dầu mỏ lại thuộc thẩm quyền của Bộ Nội vụ (MOI), chứ không phải quân đội lẫn RSADF trong khi MOI có xu hướng tập trung (và trang bị) nhằm đối phó với các mối đe dọa trong nước.
Arab Saudi sẽ tiếp tục trở thành nạn nhân trong tương lai dù đã trang bị vũ khí hiện đại để đối phó nếu vẫn tiếp tục duy trì cách thức tổ chức phòng không thiếu tập trung như trên.
Nếu đối phương thực sự là Iran, có lẽ thời điểm này họ (Iran và Houthi) sẽ chỉ cần "lựa chọn, cài đặt và nhấn nút phóng" với thực tế là việc tiếp cận các cơ sở dầu mỏ của Arab Saudi quá dễ dàng và thiếu sự chuẩn bị trước các cuộc tập kích.
Ngày 6/9, lực lượng Houthi ở Yemen tung ra video khai hỏa tên lửa đạn đạo Badr 1 vào các đơn vị lính đánh thuê của Arab Saudi tại khu vực Najran.