Theo đánh giá của tình báo Mỹ, mặc dù đã vấp phải rất nhiều cuộc thử nghiệm không thành công trong thời gian gần đây nhưng tên lửa chạy bằng năng lượng hạt nhân của Nga với tầm tấn công không giới hạn sẽ sẵn sàng tham chiến trong vòng 6 năm tới.
Kênh truyền hình CNBC ngày 11/9 dẫn các nguồn tin am tường về báo cáo tình báo của Mỹ cho biết, tiết lộ mới về mốc thời gian đầy tham vọng này của Nga được đưa ra bất chấp Kremlin vẫn chưa đạt được thành công nào qua nhiều lần phóng thử.
Thông tin trên cũng được tiết lộ sau một vụ nổ bí ẩn ngày 8/8 ngoài khơi bờ biển phía Bắc nước Nga khiến 5 nhà khoa học tử vong và làm dấy lên nỗi quan ngại Moscow đã thử nghiệm loại tên lửa vẫn được biết tới với tên gọi Burevestnik.
Trong thông điệp liên bang tháng 3 năm ngoái, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã tiết lộ về một số vũ khí siêu âm tiên tiến, trong đó có cả Burevestnik. Khi đó, ông Putin tuyên bố tên lửa được trang bị động cơ hạt nhân và tầm tấn công "không giới hạn".
Tên lửa hành trình Burevestnik được Nga thiết kế chạy bằng động cơ hạt nhân. Ảnh BQP Nga
Burevestnik, hay theo mã định danh của NATO là Skyfall đã được Nga thử nghiệm một lần vào đầu năm 2019. Trước đó, Moscow cũng đã thử nghiệm bốn lần trong khoảng thời gian từ tháng 11/2017 đến tháng 2/2018 nhưng theo tình báo Mỹ thì mỗi lần thử như vậy đều dẫn đến một vụ tai nạn.
Cụ thể, tình báo Mỹ xác định lần thử nghiệm có chặng bay dài nhất của tên lửa cũng chỉ kéo dài hơn 2 phút, đạt khoảng 22 dặm (35 km) trước khi mất kiểm soát và rơi xuống. Trong khi đó, lần ngắn nhất chỉ kéo dài 5 giây và tên lửa bay được đúng 5 dặm (8 km).
Rõ ràng, các vụ thử nghiệm thất bại cho thấy động cơ năng lượng hạt nhân của tên lửa hành trình đã không khởi động được và do đó, nó không thể đạt ngưỡng "chuyến bay vô định" như ông Putin đã tuyên bố một cách rất hùng hồn.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia an ninh quốc gia Mỹ, bất chấp những thất bại trên, Nga vẫn quyết tâm dồn nguồn lực đầu tư vào vũ khí tầm cỡ này.
"Nga quyết tâm đầu tư lớn vào các hệ thống mới như thế này là nhằm mục đích đánh bại các hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ. Chúng ta đang bị cuốn vào một cuộc chạy đua vũ trang", Jeffrey Lewis, chuyên gia vũ khí hạt nhân tại Viện nghiên cứu quốc tế Middlebury ở Monterey nhận xét.
Joshua Pollack, một chuyên gia về vấn đề phổ biến hạt nhân kiêm biên tập viên của Tạp chí Không phổ biến vũ khí đã gọi chiến lược này của ông Putin là "đi quá mức", đồng thời cho rằng để phát triển "các công nghệ mới kỳ lạ" như hệ thống tên lửa này thường phải mất nhiều thời gian.
"Gần như mọi thứ ông Putin công bố đều nhằm vượt qua hoặc phá vỡ hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ, bằng cách này hay cách khác. Thế hệ tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) hiện tại của họ có thể thực hiện công việc này mà không gặp nhiều khó khăn". Nhưng có lẽ ông ấy dự đoán được công nghệ phòng thủ tiếp theo và cố gắng đi trước nó", Joshua Pollack bình luận.
Đường bay zig-zag của tên lửa Burevestnik trong video được BQp Nga công bố