Shiro Ishii và “phòng thí nghiệm quỷ dữ"

Thái Hân |

Sau Chiến tranh Thế giới thứ nhất, cộng đồng quốc tế đã thúc đẩy Nghị định thư Geneva cấm sử dụng vũ khí hóa học và sinh học trong thời chiến vào năm 1925. Tuy nhiên, điều đó không ngăn cản được một sĩ quan quân y nổi tiếng tại Nhật Bản Shiro Ishii, người thường được so sánh với Josef Mengele của Đức Quốc xã, người nổi tiếng với những thí nghiệm tàn ác trên cơ thể người. Lập luận của Ishii là nếu các loại vũ khí này nguy hiểm đến mức bị cấm, thì chúng phải là loại tốt nhất.

Các nhà khoa học của Đơn vị 731 thí nghiệm trên nạn nhân là trẻ em tại Cát Lâm, Trung Quốc.

Các nhà khoa học của Đơn vị 731 thí nghiệm trên nạn nhân là trẻ em tại Cát Lâm, Trung Quốc.

Một “ngôi sao sáng”

Sinh năm 1892 tại Nhật Bản, Shiro Ishii là con trai thứ tư của một địa chủ giàu có, một nhà sản xuất rượu sake nổi tiếng. Với trí nhớ hình ảnh đặc biệt, Ishii có thành tích học tập xuất sắc đến mức được nhiều người cho là một thiên tài đầy tiềm năng.

Con gái của Ishii, Harumi Ishii, về sau từng nói rằng trí thông minh ấy đáng lẽ đã có thể giúp cha bà trở thành một chính trị gia thành công nếu ông chọn đi theo con đường đó.

Với những tố chất đặc biệt, Ishii sớm tỏ ra năng lực và sự vượt trội. Chiều cao nổi bật và tác phong nhanh chóng cho thấy Ishii là một lãnh đạo tiềm năng. Nhiều người từng tiếp xúc với Ishii đều có ấn tượng đây là một sỹ quan chỉn chu, với bộ đồng phục sạch sẽ không tì vết, diện mạo được chải chuốt tỉ mỉ và giọng hát trầm ấm đầy nội lực.

Trong thời gian quân ngũ, Ishii đã khám phá niềm đam mê thực sự của mình: khoa học, đặc biệt là y học. Năm 1916, Ishii được nhận vào Khoa Y học của Đại học Hoàng gia Kyoto. Ngoài việc tìm tòi các phương pháp y tế tân tiến nhất thời bấy giờ và các quy trình phòng thí nghiệm tương ứng, Ishii bắt đầu hình thành một số thói quen kỳ lạ.

Shiro Ishii và “phòng thí nghiệm quỷ dữ - Ảnh 1.

Chân dung Shiro Ishii.

Ishii nuôi cấy nhiều loại vi khuẩn trong đĩa petri như những “vật nuôi”, nổi tiếng là người “quấy phá” những sinh viên khác vì cố tình làm việc tại phòng thí nghiệm vào ban đêm sau khi họ đã dọn dẹp, hoặc thậm chí là sử dụng đồ dùng của những người khác mà chưa hỏi qua sự đồng ý.

Điều đáng ngạc nhiên là dù mọi người biết rõ những gì Shiro Ishii làm, sinh viên đặc biệt này dường như không bao giờ bị trừng phạt cho hành động của mình.

Điều này, rất có thể đã ươm mầm cho cái tôi ngày càng lớn của Shiro Ishii, một đức tính thôi thúc ông ta khẳng định mình sẽ phải là người giỏi nhất trên thế giới trong việc chế tạo các loại vũ khí sinh học ngay khi đọc được một số tài liệu về những thứ công cụ chết người này vào năm 1927.

Shiro Ishii tìm cách kêu gọi sự ủng hộ về việc thành lập một đơn vị quân sự chuyên nghiên cứu và phát triển vũ khí sinh học ở Nhật Bản, và thậm chí còn trực tiếp gửi thư đề xuất với các chỉ huy cấp cao.

Sự tự tin của Ishii thể hiện ở chỗ vào thời điểm đó ông ta mới chỉ là một sỹ quan cấp thấp, chưa đủ để đề xuất các chiến lược quân sự. Và hơn thế nữa, đề xuất này còn vi phạm trực tiếp các luật pháp quốc tế mới về chiến tranh.

Điểm mấu chốt trong lập luận của Ishii là việc Nhật Bản đã ký các hiệp định Geneva, nhưng chưa phê chuẩn. Ishii cho rằng lập trường của Nhật Bản về các hiệp định Geneva trên thực tế vẫn chưa rõ ràng, vì vậy rất có thể vẫn còn những khoảng trống để họ phát triển vũ khí sinh học.

Tất nhiên các đề xuất của Ishii đã bị từ chối, song sau đó ông ta được tham gia một chuyến công tác quanh các khu nghiên cứu trên thế giới kéo dài 2 năm vào 1928.

Không ai dám chắc “phần thưởng” này có thể hiện một sự quan tâm nhất định từ phía quân đội Nhật Bản về những gợi ý của Ishii hay không, song sau chuyến thăm các cơ sở khác nhau trên khắp châu Âu và Mỹ, Shiro Ishii trở về Nhật Bản với những phát hiện và một kế hoạch mới.

Bệ phóng cho những thí nghiệm kinh hoàng

Bất chấp Nghị định thư Geneva, nhiều quốc gia khác vẫn nghiên cứu chiến tranh sinh học. Tuy nhiên, vì những lo ngại liên quan đến đạo đức hoặc sợ bị phát hiện, thời điểm đó chưa một quốc gia nào ưu tiên cho những loại vũ khí này. Trong những năm trước Chiến tranh Thế giới thứ hai, quân đội Nhật Bản bắt đầu nghiêm túc cân nhắc đầu tư nguồn lực cho loại vũ khí gây tranh cãi, với mục tiêu bá chủ thế giới.

Shiro Ishii và “phòng thí nghiệm quỷ dữ - Ảnh 3.

Cơ sở vũ khí sinh học Cáp Nhĩ Tân ngày nay mở cửa cho khách vào tham quan.

Vào thời điểm Ishii trở lại Nhật Bản năm 1930, nhiều điều đã thay đổi. Nhật Bản khi đó không chỉ đang trong cuộc chiến chống lại Trung Quốc, chủ nghĩa dân tộc nói chung cũng trở nên mạnh mẽ hơn, với khẩu hiệu "một đất nước giàu mạnh, một quân đội mạnh hơn".

Danh tiếng của Ishii từ đó gia tăng nhanh chóng. Sau khi trở thành Giáo sư ngành miễn dịch học tại Trường Y tế Quân đội Tokyo, Ishii được phong quân hàm Thiếu tá và tìm thấy một chỗ dựa đắc lực là Đại tá Chikahiko Koizumi, một nhà khoa học tại Cao đẳng Y tế Quân đội Tokyo.

Koizumi, cựu chiến binh trong Chiến tranh Thế giới thứ nhất, đã giám sát nghiên cứu về chiến tranh hóa học từ năm 1918. Cũng trong khoảng thời gian này, Koizumi suýt chết vì một tai nạn phòng thí nghiệm sau khi tiếp xúc với khí clo mà không có mặt nạ phòng độc.

Không có gì ngạc nhiên khi Koizumi thấy hình ảnh của mình trong Shiro Ishii, hoặc ít nhất ông ta cũng đã tìm được người chung chí hướng. Trên con đường thăng tiến, từ Hiệu trưởng Cao đẳng Y tế Quân đội Tokyo, sau đó là Đại tướng Quân y, và Bộ trưởng Y tế Nhật Bản, Koizumi đã đặc biệt nâng đỡ và bảo trợ cho Ishii.

Sau cuộc xâm lược Mãn Châu năm 1931 và nhà nước bù nhìn Manchukuo thành lập, Nhật Bản đã sử dụng các nguồn tài nguyên trong khu vực để thúc đẩy nỗ lực công nghiệp hóa của mình. Nhiều binh lính Nhật coi người dân sống trong khu vực như “người thừa” song với Shiro Ishii, đó đều là đối tượng thử nghiệm tiềm năng.

Để tránh sự nhòm ngó của người dân, Ishii thành lập một cơ sở nghiên cứu bí mật Cáp Nhĩ Tân khoảng 100 km về phía Nam, làng Bối Âm Hà (Beiyinhe), và phát triển một số thí nghiệm man rợ, tiền thân của cái gọi là Đơn vị 731 khét tiếng. Những hồ sơ ít ỏi về cơ sở Bối Âm Hà đã phác thảo những gì Ishii từng làm khi ở đó.

Khoảng 1.000 tù nhân bị nhồi nhét trong các phòng giam. Đối tượng thử nghiệm là những công nhân xây dựng đường hầm, các nhóm du kích bị bắt giữ và cả những người dân vô tội không may bị vướng vào vòng vây của “những người khả nghi”.

Một thí nghiệm phổ biến ban đầu là lấy máu tù nhân từ 3 đến 5 ngày một lần cho đến khi quá yếu để tiếp tục, và sau đó giết họ bằng thuốc độc khi không còn được coi là còn giá trị để nghiên cứu. Hầu hết những người đến đây đều thiệt mạng chỉ trong vòng một tháng, và đến giờ vẫn chưa rõ có bao nhiêu nạn nhân của các thí nghiệm này.

Các thông tin cho rằng bất chấp nguy cơ an ninh và bại lộ sau vụ 16 tù nhân trốn thoát, các thí nghiệm trên vẫn tiếp diễn đến tận năm 1936, trước khi bị đóng cửa chính thức vào năm 1937. Và đối với Ishii, tất cả lại tiếp tục bằng một cơ sở khác, với những thí nghiệm mới còn tàn độc hơn nhiều.

Đơn vị 731

Đơn vị 731 có tên chính thức là Cục Phòng chống Dịch và Làm sạch Nước của Đạo quân Quan Đông. Ban đầu được thành lập dưới quyền lực lượng Hiến binh Nhật Bản của đế quốc Nhật Bản, sau được giao cho Ishii lãnh đạo, phục vụ nghiên cứu về chiến tranh sinh học và hóa học.

Cơ sở của đơn vị đặt tại quận Bình Phòng, thành phố Cáp Nhĩ Tân, có nhà tù dành cho các đối tượng thí nghiệm, kho vũ khí để chế tạo bom sinh học, một sân bay với lực lượng không quân riêng và cả lò thiêu để xử lý những gì còn lại của các thí nghiệm man rợ. Tại đây còn có khu nhà ở với quán bar, thư viện, các sân thể thao và thậm chí cả một nhà chứa.

Shiro Ishii và “phòng thí nghiệm quỷ dữ - Ảnh 4.

Các nhà khoa học của Đơn vị 731 thí nghiệm trên nạn nhân là trẻ em tại Cát Lâm, Trung Quốc.

Bất chấp nhiều thập niên được che đậy, những câu chuyện về các thí nghiệm tàn khốc diễn ra ở đây đã lan truyền nhanh chóng trong thời đại Internet. Tuy nhiên, ngoài những câu chuyện về người bị thí nghiệm, những hình ảnh gây sốc hoặc thậm chí là ám ảnh về Đơn vị 731, điều khiến người ta bàng hoàng hơn là những lý do vô nhân đạo của Ishii đằng sau các thử nghiệm này.

Là một bác sĩ quân y, một trong những mục tiêu chính của Ishii là phát triển các kỹ thuật điều trị có thể sử dụng cho quân đội Nhật Bản, bằng cách thử nghiệm sức chịu đựng của cơ thể người. Một số thí nghiệm mô phỏng các điều kiện trong thế giới thực. Các tù nhân được đưa vào trong các buồng áp suất cho đến khi mắt lồi ra ngoài để xem cơ thể con người có thể chịu được áp lực như thế nào, hoặc bị bỏ mặc để xem giới hạn mất máu tới đâu.

Chính phủ Nhật Bản từng phủ nhận sự tồn tại của Đơn vị 731. Tuy nhiên, năm 1998, Tòa án tối cao Nhật đã ra phán quyết thừa nhận gián tiếp về lực lượng này.

Theo các tài liệu công bố chính thức vào năm 2018, Cơ quan Lưu trữ Quốc gia Nhật Bản đã công bố tên của hơn 3.600 thành viên Đơn vị 731, trong đó có 52 bác sĩ phẫu thuật, 49 kỹ sư, 38 y tá và khoảng 1.100 bác sĩ dã chiến. Lần đầu tiên hầu hết tên thật và địa chỉ của các thành viên Đơn vị 731 được tiết lộ trong các tài liệu, đặt những cá nhân này trước nguy cơ hầu tòa vì các tội danh liên quan.

Nhiều bức ảnh còn cho thấy binh sĩ Nhật từng tiến hành các cuộc giải phẫu trên người sống, không tiêm thuốc tê, để nghiên cứu các bộ phận và mô sống. Các tù nhân bị cho nhiễm bệnh, rồi sau đó nội tạng của họ được lấy ra để các nhà khoa học nghiên cứu tác động của bệnh trước khi kịp phân hủy.

Shiro Ishii và “phòng thí nghiệm quỷ dữ - Ảnh 5.

Tòa nhà thuộc cơ sở vũ khí sinh học Cáp Nhĩ Tân của Đơn vị 731.

Tù nhân chiến tranh còn bị chặt tay chân để các nhà khoa học thuộc Đơn vị 731 nghiên cứu tình trạng mất máu. Tiếp đó, các bộ phận sẽ được gắn lại ở phía bên kia của cơ thể. Tù nhân chiến tranh còn bị dùng để nghiên cứu các bệnh lây truyền qua đường tình dục.

Cụ thể, những người nhiễm bệnh giang mai bị ép quan hệ tình dục với tù nhân khỏe mạnh để nghiên cứu virus lây lan như thế nào. Các bác sỹ còn tiêm máu động vật vào người sống hoặc buộc người nhiễm bệnh ở chung xà lim với người khỏe để tìm hiểu cách thức lây nhiễm bệnh.

Ngoài việc tiến hành các thí nghiệm ghê rợn, Đơn vị 731 còn thả vi khuẩn gây bệnh thương hàn, tả và nhiều bệnh khác vào hệ thống nước ở các làng của Trung Quốc.

Ishii từng nuôi tham vọng phát triển một kế hoạch lây lan bọ chét gây bệnh dịch hạch dọc theo bờ biển phía Tây đông dân nước Mỹ, với tên gọi “Chiến dịch Hoa anh đào”. Kế hoạch này không thành hiện thực do Nhật Bản đầu hàng vào ngày 15-8-1945. Ishii đã bị chính quyền Mỹ bắt giữ.

Ishii và những người liên quan đã cố gắng đàm phán và nhận được quyền miễn trừ khỏi bị truy tố tội ác chiến tranh của Nhật Bản vào năm 1946 trước tòa án Tokyo để đổi lấy những tiết lộ đầy đủ về các công trình nghiên cứu. Liên Xô muốn xúc tiến các vụ truy tố song Mỹ phản đối sau báo cáo của các nhà vi sinh vật điều tra, trong đó có Tiến sĩ Edwin Hill, người cho rằng các thông tin là "hoàn toàn vô giá”.

Ishii qua đời vào ngày 9-10-1959 vì bệnh ung thư thanh quản ở tuổi 67 tại một bệnh viện ở Shinjuku, Tokyo. Lễ tang của Ishii do Masaji Kitano, cấp phó tại Đơn vị 731, chủ trì. Theo lời kể của con gái, Ishii đã cải đạo Công giáo ngay trước khi qua đời.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại