Trung Quốc ‘đau đầu’ trước khả năng chống thủy lôi của Nhật Bản

Đức Trí |

Nhật Bản sở hữu khả năng chống thủy lôi hàng đầu châu Á và không ngừng được tăng cường thông qua diễn tập với Mỹ, điều này làm Trung Quốc “đau đầu”.

Rà phá thủy lôi là một nhiệm vụ rất quan trọng đối với hoạt động của hải quân các nước trên thế giới trong đó có Nhật Bản. Theo Global Security, trong phân công nhiệm vụ giữa hải quân Mỹ-Nhật theo Hiệp ước An ninh chung, Mỹ chịu trách nhiệm về hỏa lực tấn công, còn Nhật Bản chịu trách nhiệm về phòng thủ, chiến tranh chống ngầm, xử lý thủy lôi.

Với vai trò hoạt động như vậy, từ những năm Chiến tranh Lạnh đến nay lực lượng phòng vệ trên biển Nhật Bản (JMSDF) xây dựng lực lượng có năng lực tác chiến phòng thủ, chiến tranh chống ngầm và xử lý thủy lôi hàng đầu thế giới.

Trong tác chiến biên đội, tàu quét mìn thường đi tiên phong để phát hiện và dọn đường cho đội hình chiến đấu chính phía sau. Hệ thống định vị thủy âm sẽ phát hiện và lập bản đồ mô phỏng bãi mìn.

Để vô hiệu hóa thủy lôi các tàu quét mìn có thể thực hiện theo 2 cách. Đầu tiên tàu sử dụng một thiết bị phát từ tính kéo theo sau tàu để kích nổ thủy lôi rải dưới nước. Cách thứ 2 là sử dụng phương tiện điều khiển từ xa dưới nước ROV để vô hiệu hóa thủy lôi.

Giải pháp xử lý thủy lôi bằng ROV cho hiệu quả cao và an toàn hơn so với giải pháp quét cơ khí. ROV được điều khiển cách tàu mẹ từ 1.000-1.500 m giúp đảm bảo an toàn cho tàu mẹ và thủy thủ đoàn khi thủy lôi bị kích nổ.

Khả năng chống thủy lôi của Nhật Bản cũng là điều làm Trung Quốc phải “đau đầu” khi thời gian qua Bắc Kinh không ngừng chế tạo ra các loại thủy lôi mới, để có thể tăng cường sức mạnh ở biển Hoa Đông.

Mới đây nhất, Mỹ và Nhật Bản lại tiếp tục diễn tập chống thủy lôi để nâng cao khả năng phối hợp giữa hải quân hai nước trong lĩnh vực này. Theo thông báo của Hạm đội Thái Bình Dương Mỹ, ngày 20/11, Hải quân Mỹ và JMSDF đã tiến hành diễn tập chống thủy lôi ở bờ biển Tây Nam Nhật Bản.

Cuộc diễn tập lần này mang tên MINEX3JA 2020, kéo dài trong 4 ngày, diễn ra ở bãi biển Hyuga-Nada, sát biển Hoa Đông. MINEX3JA là một phần trong chuỗi các cuộc tập trận được tiến hành hàng năm giữa Hải quân Mỹ và hải quân các nước đồng minh nhằm nâng cao khả năng phối hợp chống thủy lôi.

Trung Quốc ‘đau đầu’ trước khả năng chống thủy lôi của Nhật Bản - Ảnh 1.

Tàu quét lôi của Mỹ. Nguồn: Sina.

Trong cuộc tập trận kéo dài 4 ngày lần này, các bên tham gia sẽ thực hiện các khoa mục chiến thuật tác chiến chống thủy lôi, bao gồm trinh sát, phát hiện thủy lôi, gỡ thủy lôi. Cuộc tập trận sẽ kết thúc sau khi Hải quân Mỹ và Nhật Bản phối hợp rà phá thủy lôi để tạo ra một tuyến hàng hải cho các tàu tham gia đi qua một cách an toàn.

Thuỷ lôi là loại vũ khí có tác dụng giống mìn sử dụng trên bộ, lúc tàu mặt nước hoặc tàu ngầm đi qua, nó sẽ tự phát nổ. Hoạt động rà phá bom mìn được chính phủ Nhật Bản xem như là một việc làm cụ thể để thực hiện quyền tự vệ tập thể.

Fukuda Tatsuya, Tư lệnh Lực lượng tác chiến bom mìn của Nhật Bản cho biết: "Đây sẽ là cuộc tập trận rà phá thủy lôi đặc biệt lần thứ 19 tại bờ biển Hyuga.

Phối hợp tác chiến chống thủy lôi giữa Mỹ và Nhật Bản là điều đặc biệt quan trọng để đảm bảo an ninh cho tàu chiến của hai bên, sự phối hợp giữa Hải quân Mỹ và Nhật Bản sẽ tăng cường mạnh mẽ, điều này góp phần vào sự ổn định của khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương".

Chỉ huy Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ cho rằng, Hải quân Mỹ cũng nhân cơ hội này để kiểm tra mức độ thành thạo của Hải quân Nhật Bản trong các biện pháp đối phó bom mìn.

Tham gia cuộc tập trận lần này phía Nhật Bản có 19 tàu thuộc lực lượng tàu quét mìn (MWF), rong đó có tàu chỉ huy quét mìn, tàu quét mìn gần bờ, tàu quét mìn xa bờ, “tàu mẹ” quét mìn, 3 trực thăng MCH-101. Phía Mỹ có Phi đội tàu quét mìn số 7, tàu quét mìn USS Patriot (MCM 7), Phi đội trực thăng chống thủy lôi số 14, Biệt đội số 2 và liên đội chống thủy lôi viễn chinh thuộc đội cơ động xử lý vật liệu nổ, tổng cộng khoảng 120 quân.

Được biết, lực lượng Phòng vệ biển Nhật Bản sở hữu đội tàu quét mìn hàng đầu châu Á với 29 chiếc cùng kinh nghiệm tác chiến phong phú thông qua các cuộc tập trận chung với Mỹ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại