Thành phần tổ công tác này gồm Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thuỷ sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công Thương), Tổng cục Thuỷ sản...
Tổ công tác sẽ tiến hành họp các thành viên để trao đổi, thống nhất và triển khai các nhiệm vụ do Chính phủ giao, bắt đầu từ ngày 26/10/2016.
Tổ có nhiệm vụ nghiên cứu các tài liệu khoa học trong và ngoài nước, quy định của quốc tế và Việt Nam.
Đồng thời, làm việc với các chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước (FAO, WHO...) về chất lượng, an toàn thực phẩm sản phẩm nước mắm, để tham mưu cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Trước đó, ngày 22/10, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế để có ngay thông tin chính thức về việc xử lý, ngăn ngừa những hành động gây thiệt hại đến ngành sản xuất nước mắm truyền thống của Việt Nam.
Thủ tướng cũng chỉ đạo Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan, xem xét cụ thể việc chấp hành các quy định pháp luật trong quá trình đưa thông tin trên báo chí của Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (Vinastas), xử lý nghiêm các sai phạm (nếu có).
Các bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Y tế, Công Thương, Thông tin và Truyền thông và các cơ quan liên quan thực hiện, báo cáo Thủ tướng kết quả xử lý trước ngày 10/11/2016.
Trước đó, ngày 17/10, Vinastas đã công bố kết quả một cuộc khảo sát về nước mắm, được thực hiện trên 150 mẫu đóng chai, thuộc 88 nhãn hiệu được mua trực tiếp tại siêu thị, đại lý, chợ, trung tâm thương mại, cửa hàng đặc sản trên 19 tỉnh thành trong cả nước.
Theo kết quả này, 67% loại nước mắm được khảo sát - tương ứng 101 nhãn hiệu nước mắm - có hàm lượng thạch tín (asen) trên 1,0 mg và thậm chí 5 mg/l, trong khi theo quy định, hàm lượng asen cho phép có trong sản phẩm nước chấm tối đa là 1,0 mg/l.
Kết quả khảo sát được công bố khiến nhiều người tiêu dùng hoang mang. Vinastas cho biết có nhà tài trợ cho đợt khảo sát này nhưng không tiết lộ rõ danh tính.
Sau đó, 5 hiệp hội đã cùng ký đơn kêu cứu lên Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, trong đó khẳng định kết quả khảo sát của Vinastas gây hoang mang cho người tiêu dùng, xâm hại nghiêm trọng uy tín của nước mắm truyền thống.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), công bố của Vinastas đã gây nhầm lẫn giữa asen hữu cơ, luôn có mặt trong cá biển, không độc và asen vô cơ rất độc.
Nội dung công bố trên chẳng những không phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế về nồng độ asen trong thực phẩm nói chung, trong nước chấm nói riêng mà còn không phù hợp với QCVN 8-2:2011/ BYT, trong đó hàm lượng asen, được hiểu là vô cơ, trong nước chấm là 1 mg/l.
Ngày 22/10, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã công bố kết quả kiểm nghiệm 247 mẫu mắm và 100% không phát hiện asen vô cơ.
100% các mẫu nước mắm được kiểm nghiệm cũng không phát hiện thấy các kim loại nặng: chì, thủy ngân và cadimi...