Ngày 24/10, Hội lương thực thực phẩm TP HCM (FFA) tổ chức hội thảo về đảm bảo
an toàn vệ sinh trong nước mắm truyền thống để đánh giá tình hình và giải pháp
bảo vệ, phát triển nước mắm truyền thống sau sự cố truyền thông "nước mắm có arsen".
Hội thảo có sự tham dự của Hiệp hội chế biến và phát triển thủy sản Việt
Nam (VASEP), các chuyên gia về an toàn thực phẩm và đại diện các Hội nước mắm truyền
thống ở phía Nam.
"Nước mắm truyền thống như thuốc bổ"
Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hữu Đức, nguyên Trưởng khoa dược, Đại học y dược TP HCM
cho biết, thạch tín là một hoạt chất vô cơ, chứa nhiều tạp chất khác, trong đó
có arsen. Bản chất arsen cũng có 2 loại là hữu cơ và vô cơ, arsen vô cơ là độc còn
hữu cơ thì không. Arsen hữu cơ có trong nước biển rất nhiều nên hầu hết sinh vật
biển đều có chất này.
Nước mắm là loại nước chấm độc đáo và bổ dưỡng, cá biển và muối lên men tạo
thành. Nước mắm truyền thống sản xuất đúng cách sẽ như một loại thuốc bổ, chứa
nhiều axit amin, cung cấp nhiều chất dinh dưỡng và đặc biệt không sử dụng chất
phụ gia nào khác. Đương nhiên là có arsen từ cá biển, nhưng là asen hữu cơ, an
toàn.
"Nước mắm truyền thống từ bao đời nay chưa ghi nhận trường hợp nào bị ngộ độc
do arsen. Nếu có ngộ độc từ nước mắm là do sản xuất không đúng cách, sử dụng chất
phụ gia gây độc và một phần nguyên nhân từ nước biển đang dần ô nhiễm", ông Đức
cho biết.
Ông Đức phát biểu tại hội thảo. Ảnh: K.Thành.
Tiến sĩ Đỗ Việt Hà, người chuyên nghiên cứu về độc tố học cho hay, arsen nếu biết dùng vẫn có lợi, arsen không có
tội, tội ở người sử dụng nó như thế nào mà thôi.
"Cá biển hầu hết đều có arsen nhưng là loại hữu cơ, nước mắm truyền thống là
cá và muối, có nước nhưng không đáng kể chứ không phải pha nước vào. Nước mắm truyền
thống là nguyên chất, không phụ gia, chất lượng hơn nhiều lần so với nước mắm pha loãng", ông Hà nói.
Vị tiến sĩ nêu ý kiến, cần tự hào và bảo vệ nước mắm truyền thống vì đây là
văn minh từ bao đời truyền lại. Cần có quy chuẩn nước mắm chỉ làm từ cá và muối,
không dùng thêm nước hay chất phụ gia. Nước mắm khi pha vào nước sẽ rất nhanh hỏng,
càng pha loãng càng phải thêm phụ gia, do đó nước mắm sản xuất công nghiệp thường
có chất tạo màu và chất bảo quản.
Nước mắm truyền thống như chết đi sống lại
Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch FFA cho biết, thông tin không tốt 2 tuần qua khiến
các đơn vị sản xuất nước mắm truyền thống điêu đứng. Nhiều doanh nghiệp rơi vào
tình trạng đình trệ hàng hóa, nước mắm chất lên kệ bán của các đơn vị bán hàng
bị gỡ xuống.
Nhờ sự vào cuộc kịp thời của Chính phủ và các cơ quan chức năng, nước mắm
truyền thống chết đi sống lại, không có sự vào cuộc kịp thời thì doanh nghiệp
nước mắm truyền thống càng bi đát hơn nữa. Hy vọng không xảy ra những sự cố
truyền thông như vừa rồi.
Ông Tiến (cầm micro) cùng một số đại diện doanh nghiệp nước mắm truyền thống phía Nam. Ảnh: K.Thành.
Ông Nguyễn Huy Tiến, Phó chủ tịch Hội nước mắm Phan Thiết thay mặt cho
2.800 nhà sản xuất nước mắt truyền thống cả nước cho biết, các đơn vị cũng đề
nghị cơ quan có thẩm quyền soạn thảo và ban hành quy chuẩn với nước mắm, phân
biệt rõ ràng nước mắm truyền thống và công nghiệp.
Các cơ quan quản lý cần bổ
sung quy định về công bố thông tin, trách nhiệm của truyền thông nhằm ngăn chặn
những vụ việc nhằm mục đích triệt hạ nước mắm truyền thống như vừa rồi.
"Trên thực tế, nước mắm truyền thống là nguồn cung cấp nguyên liệu chủ yếu
cho nước mắm công nghiệp. Nước mắm công nghiệp là sự phát triển theo thị hiếu của
người tiêu dùng. Vì thế, thay vì tìm cách triệt hạ nhau, chúng tôi mong muốn 2
loại hình này cùng đồng hành, bổ sung cho nhau để đáp ứng nhu cầu đa dạng của
người dân", ông Tiến nói.
Tiến sĩ Nguyễn Thị Hồng Minh – Chủ tịch danh dự VASEP tâm sự: "Sự việc đã dần
sáng tỏ, chúng tôi sẽ cho qua chứ không kiện tụng, chỉ mong cơ quan chức năng
làm sáng tỏ ai đúng, ai sai, ai đứng sau vì trong sự việc này có dấu hiệu cạnh
tranh không lành mạnh. Nước mắm công nghiệp là nước mắm pha loãng để bán giá rẻ,
còn nước mắm truyền thống là nguyên chất", bà Minh cho biết.