Sau Tết, số lượng bệnh nhân đái tháo đường đến khám tăng cao
Sau Tết bỗng mắc… đái tháo đường
Ra Tết, thấy cơ thể khá mỏi mệt, liên tục khát háo, ông Nguyễn Thanh T. (Giảng Võ, Hà Nội) tranh thủ đến viện kiểm tra sức khỏe.
Ông T. bất ngờ khi cầm trên tay kết quả chỉ số đường huyết 18mmol/l và được bác sĩ giải thích, chỉ số này quá cao so với tiêu chuẩn là 5mmol/l, thể hiện rõ ràng bệnh nhân mắc bệnh đái tháo đường, cần can thiệp bằng thuốc.
Ông T. thắc mắc: “Trước đây, hầu như chưa khi nào phải đến bệnh viện, sao tôi bỗng dưng lại mắc căn bệnh này”.
Theo BS. Nguyễn Huy Cường, Phòng khám Đái tháo đường ở Thái Hà, thông thường sau kỳ nghỉ lễ Tết, số bệnh nhân đến khám về đái tháo đường tăng cao. Nguyên nhân từ chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt không hợp lý.
Trong số các bệnh nhân đến thăm khám, không ít người vốn tiềm ẩn căn bệnh đái tháo đường trong cơ thể nhưng không biết vì các dấu hiệu của bệnh vốn diễn biến khá âm thầm và kéo dài.
Bệnh chỉ chờ cơ hội như sự quá tải về dinh dưỡng, hay chế độ sinh hoạt bất thường trong những ngày Tết là sẽ bộc phát rõ nét.
Ngoài ra, cũng nguyên nhân này nếu những bệnh nhân đang điều trị bệnh nhưng không tuân thủ điều độ lại kết hợp việc quên uống thuốc thì diễn tiến cũng thường nặng lên đáng kể.
Có mặt rất sớm tại phòng khám đái tháo đường, ông Nguyễn Văn G. (Hoàng Mai, Hà Nội) cho hay: “Từ Tết đến giờ, đường huyết của tôi tăng vọt, lúc nào cũng duy trì ở mức 17mmol/l, cho dù đã tăng liều lượng thuốc gần gấp đôi.
Cơ thể rất mệt mỏi”. Ông G. cũng thông tin cho bác sĩ, trước khi tiêm insulin, ông chỉ ăn sáng 3 chiếc bánh quy, nửa cái bánh tráng và nửa quả cam.
Mặc dù đã tiêm thuốc nhưng tại phòng khám, chỉ số đường huyết đo được của ông G. rất cao 20mmol/l.
Vượt quá xa chỉ số an toàn. “Tôi chỉ ăn rất ít đồ chất, nhưng không hiểu sao đường huyết vẫn cao”, ông G. thắc mắc.
Còn bà Nguyễn Thị Y. (Cầu Giấy, Hà Nội), sau khi nhận được kết quả mắc đái tháo đường với chỉ số đường huyết cao trên 14mmol/l, thay vì ngày 2 bữa cơm, bà Y. chuyển dần sang ăn khoai sọ và miến.
Mỗi ngày bà luộc cả cân khoai sọ ăn dần.
Bà Y. cũng tuyệt đối nói không với các loại trứng hay các loại thực phẩm có dầu mỡ hay có đường như kẹo bánh.
Trở lại khám sau 1 tháng uống thuốc điều trị, kết quả đường huyết có giảm nhưng vẫn xấp xỉ 10mmol/l trong khi chỉ số an toàn trước ăn là từ 5-7mmol/l.
Quan niệm kiêng khem sai lầm
“Nhiều bệnh nhân đái tháo đường có quan niệm kiêng khem rất sai lầm. Việc này không những khiến bệnh tình không thuyên giảm mà việc kiêng quá mức còn khiến bệnh nhân thiếu chất, ảnh hưởng sức khỏe, gây ức chế tâm lý”, ông Cường cho biết.
Trở lại trường hợp bệnh nhân G., ông Cường phân tích, bệnh nhân vốn đang đường huyết cao, bữa sáng dù rất ít như bệnh nhân chia sẻ nhưng lại là những thực phẩm chuyển hóa đường rất nhanh và có hàm lượng đường cao.
Điều này càng khiến chỉ số đường huyết của bệnh nhân không thể giảm dù đã uống thuốc.
Bệnh nhân hoàn toàn có thể thay thế bữa sáng đó bằng hai quả trứng ốpla hoặc miếng bít tết bò… vừa no bụng, lại vừa không tăng đường huyết, bởi đây là thực phẩm chứa nhiều đạm, chuyển hóa chậm đường.
“Bệnh nhân đái tháo đường không phải kiêng khem bất kỳ loại thực phẩm nào. Quan trọng là bệnh nhân sử dụng bao nhiêu, ở thời điểm nào và cách thức bổ sung…
Do vậy, bệnh nhân cần đo và hiệu chỉnh hàm lượng dinh dưỡng sao cho phù hợp bởi mỗi cá nhân có một nhu cầu dinh dưỡng, vận động khác nhau, hoàn toàn không có công thức dinh dưỡng chuẩn nào.
Sau khi ăn mỗi loại thực phẩm, bệnh nhân nên chủ động theo dõi bằng việc thử đường huyết sau đó để điều chỉnh số lượng cho phù hợp với cơ thể”, ông Cường cho biết.
Ông Cường cũng đơn cử, 1 cái kẹo có khoảng 3g đường, hay 1 miếng socola có 1-2g đường nhưng một củ khoai sọ có thể có tới 6g đường. Nhiều bệnh nhân tuyệt đối nói không với kẹo nhưng lại liên tục ăn khoai sọ trong ngày…
Hay việc từ chối hoàn toàn cơm chuyển sang bún, miến mà không biết rằng bún, miến, mất hết chất sơ, vitamin và còn các chất phụ gia…
Không ít bệnh nhân kiêng tuyệt đối chất dầu mỡ, mà quên đi rằng thiếu chất này cơ thể không dung nạp nhiều loại vitamin dẫn tới việc cơ thể thiếu vi chất, ảnh hưởng sức khỏe lâu dài.
“Một bữa ăn của người bệnh đái tháo đường cũng phải có đầy đủ và cân đối các thành phần tinh bột, protein, lipit… việc mất cân đối một thành phần nào đều không có lợi cho sức khỏe”, ông Cường lưu ý.
Bên cạnh đó, việc tăng đường máu sau ăn quá cao cũng là nguyên nhân gây ra các biến chứng cho người bệnh.
Do đó, ông Cường khuyến cáo người bệnh bắt buộc phải theo dõi cả đường máu lúc đói và sau ăn và không phải chỉ 1 lần trong 1 tuần mà cần phải theo dõi nhiều lần trong 1 tuần, nhiều lần trong 1 ngày cho đến khi đường máu ổn định mới giảm dần số lần thử đường máu.