Sau Su-30MK lại đến Mi-35P đưa sang Nga sửa chữa lớn: Indonesia lộ khoảng trống chết người

Tuấn Sơn |

Hết Su-27SK, Su-30MK sang Belarus, lại đến trực thăng Mi-35P phải đưa sang Nga sửa chữa lớn đã khiến cho Không quân Indonesia khốn đốn, thiếu hụt lực lượng hết sức nghiêm trọng.

Như tin chúng tôi đã đưa, đầu tháng 8/2017 vừa qua, sau chuyến bay dài từ Belarus, chiếc máy bay vận tải hạng nặng Antonov An-124-100M-150 đã bàn giao cho Không quân Indonesia 2 chiếc tiêm kích Su-27SK vừa được sửa chữa xong. Hiện vẫn còn 2 chiếc tiêm kích Su-30MK của Không quân nước này đang bị tạm thời loại biên để sửa chữa lớn cũng ở Belarus.

Có thể thấy, loạt máy bay chiến đấu hiện đại gồm 2 Su-27SK và 2 Su-30MK mà Không quân Indonesia nhận từ Nga năm 2003 trong những năm gần đây đều có thời gian nằm sân, không thể bay khá lâu, cụ thể đã là khoảng 5 năm với Su-27SK và 2 năm với Su-30MK.

Trong khi đó, 2 chiếc trực thăng Mi-35P của Indonesia cũng phải đưa sang Nga sửa chữa từ tháng 11/2016 theo hợp đồng ký hồi tháng 9/2016 và mãi tới cuối tháng 8 vừa qua chúng mới được hoàn tất việc sửa chữa để chuẩn bị lên đường về nước.

Cụ thể, ngày 30/08, một đoàn quan chức Lục quân Indonesia đã tới thăm Nhà máy Sửa chữa máy bay số 150 để thực hiện công tác nghiệm thu gồm tiến hành bay thử, đánh giá tình trạng kỹ thuật và ký các giấy tờ có liên quan nhằm tiếp nhận lại 2 chiếc trực thăng Mi-35P nói trên.

Sau Su-30MK lại đến Mi-35P đưa sang Nga sửa chữa lớn: Indonesia lộ khoảng trống chết người - Ảnh 1.

Trực thăng tấn công AH-64E Guardian của Mỹ và Mi-35 Hind của Indonesia tham dự cuộc diễn tập mang tên Garuda Shield năm 2014.

Ông Igor Chechikov, Phó TGĐ phụ trách Dịch vụ sau bán hàng của Công ty Trực thăng Nga (Russian Helicopters) phát biểu:

"Chúng tôi rất tự tin có thể tuyên bố rằng công tác sửa chữa những chiếc trực thăng của Lục quân Indonesia đã hoàn tất theo đúng tiến độ đã đề ra. Chúng tôi luôn sẵn sàng đảm bảo cung cấp dịch vụ sau bán hàng một cách tốt nhất, đáp ứng yêu cầu về thời gian và chất lượng".

Được biết những chiếc trực thăng tiến công Mi-35P đầu tiên đã được bàn giao cho Indonesia vào năm 2003. Tiếp đó, theo thỏa thuận liên chính phủ Indonesia - Nga ký năm 2007, 3 chiếc Mi-35P khác đã được bàn giao năm 2010 trong một buổi lễ được tổ chức tại sân bay lưỡng dụng Pondok Cabe ở Thủ đô Jakarta.

Như vậy, có thể thấy công tác bảo đảm kỹ thuật cho các máy bay quân sự xuất xứ từ Nga của Indonesia có vấn đề:

Thứ nhất, nhiều máy bay bị nằm sân quá lâu, ảnh hưởng nghiêm trọng tới khả năng sẵn sàng chiến đấu của Không quân (Su-27SK và Su-30MK) và Không quân Lục quân (Mi-35P) nước này. Đáng chú ý là công tác khắc phục tình trạng này được triển khai hết sức chậm chạp.

Điều này cho thấy Indonesia dường như hoàn toàn không có khả năng tự sửa chữa vừa và sửa chữa lớn những loại vũ khí hiện đại, nhất là máy bay chiến đấu và máy bay trực thăng.

Thứ hai, nhìn ra các nước xung quanh Đông Nam Á, Indonesia tỏ ra thua kém về công tác đảm bảo kỹ thuật cho máy bay khi chưa chú trọng đầu tư mua sắm và nhận chuyện giao công nghệ để tự chủ sửa chữa vừa và sửa chữa lớn, dẫn tới việc phải phụ thuộc hoàn toàn vào nước ngoài (Nga, Belarus).

Trong trường hợp xung đột xảy ra, có thể dẫn tới những hệ quả nghiêm trọng bởi lúc đó "nước đã ngập đến cổ" xoay sở sẽ không còn kịp nữa.

Chưa biết liệu với những kinh nghiệm xương máu này, các máy bay tiêm kích Su-35 mà Indonesia mới mua từ Nga có được đảm bảo kỹ thuật tốt nhất bởi những nguồn lực tại chỗ hay là lại phải đưa ra nước ngoài để sửa chữa.

Chắc chắn giới lãnh đạo quân sự cấp cao Indonesia đã nhận thấy điều này, nhưng dường như vẫn chưa thấy có hành động nào thể hiện quyết tâm trong việc tự chủ về công tác đảm bảo kỹ thuật cho các máy bay có xuất xứ từ Nga.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại