Sau dọa bắn tàu, Hải quân Mỹ tiếp tục cảnh báo nghiêm khắc đối thủ

Kiệt Linh |

Hải quân Mỹ vừa có những chỉ đạo mới cho lực lượng của họ ở vùng Vịnh Persian, theo đó họ cảnh báo bất kỳ tàu nào cũng không được tiếp cận quá gần với các tàu của họ. Bất kỳ lực lượng nào thách thức cảnh báo trên đều sẽ được xem là một mối đe dọa và sẽ phải đối mặt với “các biện pháp phòng thủ”.

Các tàu của quân đội Mỹ sẽ áp dụng "các biện pháp phòng thủ hợp pháp" nhằm vào bất kỳ tàu nào tiếp cận gần với tàu của Mỹ ở khoảng cách từ 91m, cảnh báo của Hải quân Mỹ cho biết.

Các biện pháp thường được áp dụng trong trường hợp có tiếp cận gần bao gồm việc tránh con tàu đang tiến đến gần, bấm còi hay bắn pháo sáng trước khi chuyển sang bước cao hơn là bắn đạn cảnh cáo.

Tuy nhiên, trong một động thái bất thường, Hải quân Mỹ rõ ràng đang phát đi tín hiệu cho thấy họ có thể sẵn sàng áp dụng những biện pháp mạnh tay hơn nữa nếu cảnh báo mới nhất của họ bị phớt lờ.

"Các tàu của chúng tôi đang tiến hành nhiều chiến dịch định kỳ ở vùng lãnh hải quốc tế - những khu vực được luật quốc tế cho phép và chúng tôi không tìm kiếm xung đột", bà Rebecca Rebarich – một nữ phát ngôn viên của Hạm đội Số 5 đóng tại Bahrain cho hay.

"Tuy nhiên, các sĩ quan chỉ huy của chúng tôi có quyền áp dụng các biện pháp phòng vệ nếu thấy cần thiết."

Hải quân Mỹ không đề cập cụ thể đến bất kỳ nước nào nhưng lời cảnh báo của họ dường như nhằm vào Iran trong bối cảnh Washington cáo buộc Tehran thường xuyên "quấy rối" các tàu của họ ở vùng Vịnh trong thời gian gần đây.

Tổng thống Donald Trump hồi tháng Tư từng đe dọa sẽ bắn các tàu quân sự của Iran sau khi Washington tố cáo Hải quân Iran quấy rối lực lượng của họ ở vùng Vịnh Persian.

Cụ thể, Lầu Năm Góc cáo buộc 11 tàu của Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran tiến hành các hoạt động "nguy hiểm và quấy rối" gần 6 tàu của Mỹ khi đội tàu này đang tập trận với lực lượng trực thăng tấn công ở "vùng lãnh hải quốc tế" ở vùng Vịnh.

Vào thời điểm đó, các tàu của Iran đã tiếp cận một trong những tàu của Mỹ ở khoảng cách chỉ 9m.

Tehran bác bỏ toàn bộ cáo buộc trên, nói đó là "những câu chuyện giả và bịa đặt".

Đáp lại sự cứng rắn của Mỹ, Chỉ huy Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran - Thiếu tướng Hossein Salami tuyên bố ông đã ra lệnh cho các lực lượng hải quân của họ phá hủy bất kỳ tàu chiến Mỹ nào đe dọa đến an ninh của các tàu Iran.

Tình hình Trung Đông đang gây lo ngại cho cộng đồng quốc tế sau khi quan hệ Mỹ-Iran đã đảo chiều từ hòa dịu sang đối đầu kể từ khi ông Trump lên nắm quyền.

Chính quyền của Tổng thống Trump áp dụng một lập trường cứng rắn với Iran, khác hẳn với chính sách của chính quyền tiền nhiệm Barack Obama.

Tổng thống Trump đã thẳng tay đã "xé toạc" thỏa thuận hạt nhân JCPOA từng được các cường quốc Anh, Pháp, Đức, Nga và Trung Quốc miêu tả là bước đột phá mang tính lịch sử. Kể từ sau hành động trên của Tổng thống Trump, mối quan hệ giữa Mỹ và Iran xấu đi trầm trọng.

Chính quyền của Tổng thống Trump trong thời gian qua đã thực hiện "chiến dịch gây sức ép tối đa" nhằm làm kiệt quệ nền kinh tế Iran và khiến các nhà lãnh đạo của Iran phải đến bàn đàm phán.

Tuy nhiên, rõ ràng áp lực tối đa đã khiến Iran trở nên cứng rắn hơn, hiếu chiến hơn. Hồi năm ngoái, Iran không ngần ngại bắn rơi một máy bay do thám không người lái của Mỹ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại