Sau 40 tuổi, chức năng thận dần suy giảm, BS khuyên nên làm ngay 6 việc: Rất dễ nhưng nhiều người bỏ qua

Mộc Miên |

Sau 40 tuổi là thời điểm cơ thể bắt đầu lão hóa, chức năng của các cơ quan, bao gồm cả thận suy giảm. Do đó, bác sĩ khuyên mọi người nên thực hiện 6 việc dưới đây để bảo vệ thận.

Bác sĩ Hồng Vĩnh Tường, bác sĩ chuyên khoa thận tại Bệnh viện đa khoa Tam Quân, tại Đài Loan, Trung Quốc nhận định từ tuổi 40 trở đi là thời điểm quan trọng để bảo vệ sức khỏe tổng thể nói chung và sức khỏe của thận nói riêng.

Vị chuyên gia giải thích: “Sau tuổi 40, cơ thể bước vào thời kỳ lão hóa, quá trình trao đổi chất diễn ra chậm hơn. Do đó, thời điểm này nếu mọi người vẫn thực hiện chế độ ăn uống bất hợp lý và lối sống kém lành mạnh, chúng có thể tác động tiêu cực đến sức khỏe”.

Bác sĩ Hồng chia sẻ: “Trong nhiều năm công tác, tôi đã điều trị cho rất nhiều bệnh nhân bị suy hỏng thận, phải chạy thận suốt đời. Điều này vô cùng đáng tiếc.

Nguyên nhân khiến bệnh nhân mắc suy thận phần nhiều đến từ thói quen sinh hoạt kém lành mạnh của họ hoặc mắc các bệnh lý mạn tính như huyết áp cao, tiểu đường nhưng không điều trị”.

Sau 40 tuổi, chức năng thận dần suy giảm, BS khuyên nên làm  ngay 6 việc: Rất dễ nhưng nhiều người bỏ qua- Ảnh 1.

Bác sĩ Hồng Vĩnh Tường chia sẻ về bệnh thận.

Từ kinh nghiệm điều trị của bản thân, bác sĩ Hồng Vĩnh Tường cho biết các bệnh lý về thận thực chất có thể phòng ngừa từ sớm thông qua việc thực hiện thường xuyên 6 thói quen đơn giản.

6 việc nên làm từ sớm để phòng ngừa bệnh thận

1. Ăn nhiều thực phẩm giàu chất xơ

Bác sĩ Hồng nói: “Các loại rau củ quả tươi thường giàu chất xơ, chất chống oxy hóa, các loại vitamin A, B, C, E, K cũng như các khoáng chất canxi, magie, kali và sắt,... Các chất dinh dưỡng này giúp chống viêm, bảo vệ thận khỏi tổn thương do quá trình stress oxy hóa".

Chất xơ trong các loại rau củ quả giúp thúc đẩy quá trình loại bỏ các chất cặn bã và độc tố trong cơ thể, từ đó giúp giảm tải công việc cho thận, từ đó góp phần bảo vệ chức năng thận.

Sau 40 tuổi, chức năng thận dần suy giảm, BS khuyên nên làm  ngay 6 việc: Rất dễ nhưng nhiều người bỏ qua- Ảnh 2.

Chất xơ trong các loại rau củ quả giúp bảo vệ chức năng thận. (Ảnh minh họa)

2. Ăn ít các thực phẩm chứa đường

Bác sĩ Hồng Vĩnh Tường cho biết: “Mọi người nên hạn chế tiêu thụ quá nhiều đường bởi chúng có thể làm tăng lượng đường trong máu và tăng nguy cơ mắc tiểu đường nếu sử dụng quá nhiều”.

Chuyên gia cho biết, bệnh tiểu đường có mối liên hệ chặt chẽ với các vấn đề ở thận. Cụ thể, người mắc tiểu đường nếu không kiểm soát bệnh chặt chẽ sẽ rất dễ gặp phải biến chứng suy thận. Tình trạng suy thận do tiểu đường xảy ra khi các mạch máu ở thận bị tổn thương khiến thận hoạt động kém hoặc mất chức năng.

3. Giảm muối trong chế độ ăn

Giảm tiêu thụ muối trong chế độ ăn có tác động đáng kể đến sức khỏe của thận. Theo Tổ chức Thận Quốc Gia Hoa Kỳ (NKF), những người trưởng thành khỏe mạnh chỉ nên tiêu thụ khoảng 2.3g natri mỗi ngày, trong khi những người mắc bệnh thận hoặc huyết áp cao chỉ nên tiêu thụ ở mức 1.5g muối mỗi ngày.

Khi mọi người ăn nhiều muối, thận sẽ tăng cường hoạt động để làm loãng lượng muối hấp thụ và cân bằng nồng độ của các chất điện giải trong máu nhằm giữ cho tim hoạt động hiệu quả. Do đó, thường xuyên ăn nhiều muối có thể tạo ra áp lực cho thận, tình trạng này kéo dài có thể gây tổn thương thận.

Bác sĩ Hồng cũng cho biết, ăn quá nhiều muối có thể làm tăng nguy cơ mắc huyết áp cao. Huyết áp tăng cao trong thời gian dài có thể gây áp lực cho cầu thận và ảnh hưởng tới sức khỏe của thận.

Vị chuyên gia khuyến cáo mọi người nên giảm lượng muối ăn hàng ngày và đặc biệt lưu ý khi sử dụng các loại sốt ướp hoặc nước chấm.

Sau 40 tuổi, chức năng thận dần suy giảm, BS khuyên nên làm  ngay 6 việc: Rất dễ nhưng nhiều người bỏ qua- Ảnh 3.

Chuyên gia khuyến cáo mọi người nên giảm lượng muối ăn hàng ngày để bảo vệ chức năng thận. (Ảnh minh họa)

4. Hạn chế ăn thực phẩm siêu chế biến và thực phẩm giàu chất béo

Theo một nghiên cứu năm 2022 được công bố trên tạp chí Nutrition, những người ăn nhiều thực phẩm siêu chế biến có tỷ lệ mắc bệnh thận mạn tính cao hơn. Theo đó, thận cũng như các cơ quan khác trong cơ thể cần làm việc nhiều hơn để lọc và đào thải các chất chứa trong thực phẩm siêu chế biến. Điều này có thể làm tăng gánh nặng cho thận.

Ngoài ra, các sản phẩm thịt chế biến sẵn chẳng hạn như xúc xích hoặc thịt xông khói thường chứa nhiều muối, thường xuyên sử dụng các loại thực phẩm này cũng có hại cho sức khỏe của thận.

Bên cạnh thực phẩm siêu chế biến, bác sĩ Hồng cho biết các thực phẩm giàu chất béo cũng là mối nguy hại với sức khỏe thận. Thường xuyên ăn đồ chiên rán nhiều dầu mỡ có thể gây tăng cân, béo phì. Vị chuyên gia cho biết béo phì là một trong những yếu tố làm tăng gánh nặng trao đổi chất cho thận.

Thường xuyên ăn các món chiên rán, nội tạng động vật, mỡ động vật... cũng làm tăng nguy cơ mắc các bệnh mạn tính như tiểu đường, huyết áp cao và mỡ máu cao. Các bệnh lý này nếu không được kiểm soát kịp thời có thể dẫn đến các biến chứng ở thận.

Sau 40 tuổi, chức năng thận dần suy giảm, BS khuyên nên làm  ngay 6 việc: Rất dễ nhưng nhiều người bỏ qua- Ảnh 4.
Sau 40 tuổi, chức năng thận dần suy giảm, BS khuyên nên làm  ngay 6 việc: Rất dễ nhưng nhiều người bỏ qua- Ảnh 5.

Nghiên cứu chỉ ra rằng những người ăn nhiều thực phẩm siêu chế biến có tỷ lệ mắc bệnh thận mạn tính cao hơn. (Ảnh minh họa)

5. Tăng cường bổ sung đạm chất lượng cao

Nghiên cứu mới công bố trên Tạp chí Bệnh thận Mỹ cho thấy, chế độ ăn giàu protein từ thực vật có thể giảm nguy cơ tiến triển bệnh thận mạn tính. Theo nghiên cứu, những người ăn nhiều protein từ thực vật ít có khả năng mắc bệnh thận mạn tính trong vòng 10 năm so với người ăn nhiều protein từ động vật.

Nguyên nhân là do protein từ thực vật ít gây viêm và ít gây tổn thương mạch máu hơn so với protein động vật, trong khi đó viêm là yếu tố nguy cơ dẫn tới bệnh thận mạn tính.

Do đó, bác sĩ Hồng Vĩnh Tường khuyến khích mọi người nên sử dụng các thực phẩm chứa đạm chất lượng cao từ thực vật như các loại đậu, các loại hạt để giúp bảo vệ sức khỏe của thận.

6. Uống đủ nước

Bác sĩ Hồng cho biết hầu hết các cơ quan của cơ thể con người đều cần nước để duy trì hoạt động, bao gồm cả gan, thận, mạch máu và da.

Uống quá ít nước có thể khiến cơ thể không sản xuất đủ lượng nước tiểu, từ đó gây cản trở quá trình đào thải các chất cặn bã trong cơ thể ra bên ngoài. Các chất cặn bã bao gồm cả khoáng chất sẽ lắng đọng và kết tinh lại với nhau, tăng nguy cơ hình thành sỏi thận.

Chuyên gia khuyến cáo người trưởng thành có sức khỏe bình thường, một ngày nên đảm bảo uống đủ 1,5 - 2 lít nước mỗi ngày để đảm bảo chức năng của các cơ quan trong cơ thể.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại