Vải là loại quả khá quen thuộc với các nước có khí hậu nhiệt đới như Việt Nam. Quả vải được yêu thích bởi trong vải có nhiều nước, ăn vào có vị ngọt mát. Trong vải cũng giàu vitamin và dưỡng chất tốt cho sức khỏe như vitamin A, B, C, đồng, folate, magiê...
Những tưởng, loại hoa quả này lành tính, có thể ăn thoải mái với số lượng tùy thích, nhưng thực tế, ăn vải quá nhiều hoặc ăn vải không đúng cách có thể ảnh hưởng xấu tới sức khỏe con người.
Vải sai cách có hại như thế nào?
Ăn vải khi đói có thể bị hạ đường huyết, tức là giảm lượng đường glucose cần thiết trong máu. Vải có vị ngọt, trong vải có nhiều chất đường, đáng lẽ ra loại quả này sẽ không gây ra tụt đường huyết.
Tuy nhiên, các chuyên gia y tế cho biết rằng, không phải cứ ăn quả có nhiều đường khi đói thì sẽ không bị tụt đường huyết.
Trang Sohu đưa tin một cậu bé 7 tuổi sinh sống ở tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc sau khi ăn hết 20 quả vải khi đói, liền trở nên mệt mỏi và ngất xỉu. Khi tới bệnh viện để khám, cậu bé được chẩn đoán rằng mắc “bệnh litchi” khiến cậu bị hạ đường huyết.
Theo nghiên cứu, trong 100g vải có tới 16g fructose. Fructose cần phải được chuyển hóa thành glucose thì cơ thể mới sử dụng được và việc này do gan phụ trách.
Trong khi đó, gan của trẻ nhỏ thì không có đủ lượng enzyme để phân hủy hết 16g fructose này. Và khi ăn quá nhiều vải, fructose tích tụ, cơ thể phải sản sinh lượng insulin tương xứng để phân giải đường.
Nhưng chất mà insulin phân hủy được lại không phải sự phân hủy của fructose mà là glucose. Đó chính là nguyên nhân ăn nhiều vải khi đói sẽ làm hạ đường huyết.
Bên cạnh đó, có nhiều nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, ăn vải không đúng cách còn có thể làm tăng các triệu chứng của bệnh tự miễn dịch như bệnh đa xơ cứng, lupus, viêm khớp dạng thấp.
Ngoài ra, vải gây ra phản ứng dị ứng như suy hô hấp, phù nề da, tiêu chảy, đau đầu, chóng mặt...
Ăn quá nhiều vải có khả năng gây nóng trong, làm mất sự cân bằng của cơ thể, gây nhiệt miệng, mụn nhọt, chảy máu mũi, đau họng...; tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường, đặc biệt làm trầm trọng bệnh ở những người bị tiểu đường do vải có khả năng làm tăng đột biến lượng đường trong máu.
Vậy, ai không nên ăn nhiều vải?
Các chuyên gia y tế khuyến cáo, người mắc các bệnh tự miễn dịch cần thận trọng khi ăn vải, tốt nhất là tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi ăn để tránh làm cho tình trạng sức khỏe trầm trọng hơn.
Trẻ em cũng không nên ăn nhiều vải bởi hệ tiêu hóa còn kém, chức năng gan chưa tốt, lượng đường trong vải cao dễ làm các vi khuẩn trong cơ thể sinh sôi sẽ khiến trẻ dễ bị bệnh.
Những người bị mẩn ngứa da, viêm họng, viêm da mãn tính,… cũng sẽ gặp tình trạng xấu nếu như ăn nhiều vải.
Phụ nữ mang thai cũng nên hạn chế ăn vải. Theo nhiều chuyên gia dinh dưỡng, phụ nữ có thai hoặc mới sinh không nên ăn vải cho đến giai đoạn cho con bú do vải có thể gây ra xuất huyết và nhiễm khuẩn, có hại cho trẻ.
Loại quả này cũng giàu hàm lượng đường. Cho nên,người thừa cân và người bị tiểu đường chỉ nên ăn lượng vừa phải.
Quả vải tính nóng có thể gây ra mụn nhọt. Do đó, những người có bệnh nhiệt, mụn nhọt cũng không nên ăn nhiều vải để tránh làm bệnh thêm trầm trọng.
Ngoài ra, những người có bệnh tích đờm trong cổ họng, đang bị bệnh thủy đậu, rôm sảy, lẹo mắt, cần hạn chế ăn vải.
Đặc biệt, người bị bệnh tiểu đường cần hạn chế và nên tham khảo chỉ định của bác sĩ khi ăn vải. Bởi khi người bệnh tiểu đường ăn vải sẽ khiến gan không chuyển hóa hết được frucotose làm lượng đường trong máu tăng cao bất thường.
Đồng thời, quả vải ngọt tạo cảm giác no khiến người bệnh không muốn ăn các loại tinh bột khác. Điều này sẽ dẫn tới tình trạng hạ đường huyết đặc biệt nguy hiểm với người bị bệnh tiểu đường.