Những ngày qua, trên mạng xã hội xôn xao clip một tài xế sau khi ăn 3 quả vải, thổi vào dụng cụ đo nồng độ cồn máy báo có cồn trong máu. Người này thử nghiệm hai lần, kết quả cho thấy càng ăn nhiều vải thì nồng độ cồn càng tăng cao mặc dù trước đó chỉ số đo nồng độ cồn bằng 0.
Pháp Luật TP.HCM đã trao đổi với PGS-TS Nguyễn Duy Thịnh, nguyên giảng viên Viện Công nghệ sinh học và thực phẩm, ĐH Bách khoa Hà Nội để lý giải về hiện tượng lạ này.
Sau khi ăn quả vải tài xế bị máy đo nồng độ cồn báo có cồn trong máu
Theo TS Thịnh, có khả năng quả vải vốn chứa đường đã ở bên ngoài thời gian lâu hoặc được bảo quản trong một thời gian nhất định nên có hiện tượng đường hóa thành rượu , gọi là lên men rượu. Khi nhai trong miệng, lượng đường hóa rượu này bám vào khoang miệng nên khi thổi vào dụng cụ đo nồng độ cồn khiến máy báo có cồn ngay.
Bản thân máy đo nồng độ cồn không xác định đối tượng uống rượu hay không mà rất nhạy với cồn và tiến hành đo tự động. Tuy nhiên, nếu ăn vào trong dạ dày một thời gian thì lượng cồn này rất nhỏ không đủ hấp thụ vào trong máu, chuyển hóa qua phổi khiến trong hơi thở có cồn. Không chỉ vải mà các loại trái cây khác như sầu riêng, nho, chuối tiêu, xoài khi lên men mà ăn vào cũng có hiện tượng như trên.