Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ nói rõ rằng: nếu Lầu Năm Góc cung cấp hệ thống SAM mới nhất, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không mua S-400 từ Nga.
Người đứng đầu Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ nhắc nhở đồng nghiệp Michael Pompeo rằng trước khi đàm phán với Moscow về việc cung cấp các hệ thống tên lửa phòng không S-400 tầm xa, Ankara đã gửi yêu cầu tương đương tới Washington. Chỉ sau khi nhận được sự từ chối từ phía chính quyền Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu tìm kiếm những lựa chọn khác.
Một vài tháng trước, đại diện các nước Nga -Thổ Nhĩ Kỳ đã ký kết hợp đồng chuyển giao S-400. Hợp đồng bao gồm việc chuyển giao 2 tiểu đoàn tên lửa phòng không của hệ thống S-400 cho Bộ Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ cùng với phụ lục hợp đồng về việc huấn luyện đào tạo cho các quân nhân điều khiển.
Moscow theo yêu cầu của Ankara thậm chí còn mở một hạn mức tín dụng để giảm gánh nặng ngân sách quân sự Thổ Nhĩ Kỳ. Tiếp theo, Thổ Nhĩ Kỳ đã tạm ứng và các điều khoản giao hàng chính xác được xác định - không muộn hơn đầu năm 2020. Tổng số tiền của hợp đồng là khoảng 2,5 tỷ USD.
Tháng 03.2018, Mỹ gia tăng áp lực trực tiếp nhằm vào Ankara để phá vỡ hợp đồng chuyển giao cho Thổ Nhĩ Kỳ hệ thống phòng không hiện đại nhất. Trong khi Bộ Ngoại giao Mỹ thúc ép tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ bằng các phương pháp ngoại giao, Lầu Năm Góc chọn chiến thuật đe dọa Thổ Nhĩ Kỳ, tuyên bố Quốc hội Mỹ sẽ không phê chuẩn việc cung cấp vũ khí trang bị mới, bao gồm các máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ 5 F-35, trực thăng vận tải và nhiều loại vũ khí, trang thiết bị khác.
Song song với các tuyên bố đe dọa, Mỹ quyết định sẽ bán cho Thổ Nhĩ Kỳ hệ thống SAM Patriot phiên bản mới nhất sử dụng các tên lửa PAC-3. Như vậy, vấn đề vướng mắc mà bộ trưởng Bộ Ngoại giao Cavusoglu nói về hệ thống phòng không mới nhất được loại bỏ. Mặc dù thực tế là Ankara đe dọa người Mỹ "tìm kiếm máy bay chiến đấu từ nguồn khác tương đương" nếu Mỹ từ chối cung cấp F-35.
Một tình huống tương tự diễn ra năm 2013. Trong một chiến dịch đấu thầu cung cấp hệ thống phòng không tiên tiến tầm xa, Thổ Nhĩ Kỳ đã công bố thắng lợi của Trung Quốc trong việc cung cấp hệ thống tên lửa HQ-9 (phiên bản copy không giấy phép S-300 Nga). Bộ Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ ký với phía Trung Quốc một hợp đồng trị giá 4 tỷ USD, tuyên bố với báo giới về "một sự hợp tác sâu sắc và hiệu quả với Trung Quốc". Dưới áp lực của Mỹ, 6 tháng sau hợp đồng chấm dứt.
Theo ông Semyon Baghdasarov, giám đốc Trung tâm nghiên cứu Trung Đông và Trung Á cho biết trong một cuộc phỏng vấn với tờ báo VZGLYAD, khả năng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ "hủy" hợp đồng cung cấp S-400 với Nga là rất cao. Các chuyên gia chắc chắn rằng Ankara sử dụng hợp đồng này như một công cụ để tống tiền Mỹ.
Theo ông Bagdasarov, Thổ Nhĩ Kỳ cần giải quyết "vấn đề người Kurd". Ankara đang sử dụng hợp đồng S-400 và một số những hoạt động chính trị để gây sức ép, bao gồm cả vấn đề Manbij và muốn người Mỹ không ủng hộ lực lượng dân quân người Kurd nữa. Ngay sau khi Thổ Nhĩ Kỳ giành được điều mình mong muốn, trước mắt là biên giới Syria không có người Kurd, Ankara sẽ hủy hợp đồng S-400.
Các chuyên gia quân sự cho rằng, hợp đồng S-400 mang bản chất chính trị. Xét cho cùng, trong kỹ thuật quân sự, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ bị "khóa cứng hoàn toàn" trong công nghệ quân sự phương Tây và việc chuyển sang một hệ thống mới, một tư duy quân sự mới sẽ là một bước phát triển không hợp lý.
Chỉ xét trong 4 năm chiến tranh Syria, kể từ khi máy bay tiêm kích F-16 Thổ Nhĩ Kỳ bắn trộm chiếc Su-24 Nga cũng những sự kiện liên tiếp diễn ra, có thể thấy bộ máy lãnh đạo Ankara trên thực tế là gì?
Sẽ không thể nói Kremlin ngây thơ đến mức không hiểu, Thổ Nhĩ Kỳ đóng vai trò gì trong cuộc chiến Syria và mục tiêu của Ankara là người Kurd và đảng Lao động người Kurd.