Việt Nam vượt trên TQ, trở thành một trong các khách hàng nhập khẩu vũ khí Nga nhiều nhất

Bình Nguyên |

Theo báo cáo thường niên do CAWAT (Nga) công bố, Việt Nam đã vượt lên trên Trung Quốc, đứng thứ 3 trong số các quốc gia nhập khẩu vũ khí nhiều nhất của Nga.

Trung tâm Phân tích Thị trường vũ khí thế giới của Nga (CAWAT/ЦАМТО) đã công bố báo cáo thường niên về tình hình xuất khẩu vũ khí thế giới năm 2017 với những con số tương đối chi tiết.

Việt Nam đứng thứ 3 trong số các quốc gia mua nhiều vũ khí Nga nhất

Theo số liệu công khai mà CAWAT thu thập được, trong giai đoạn từ 2009-2016, Việt Nam đã chi 6,624 tỷ USD để nhập khẩu vũ khí từ Nga, chiếm 8,34% tổng kim ngạch xuất khẩu vũ khí của Nga, vượt qua Trung Quốc để vươn lên đứng thứ 3 trong danh sách các quốc gia mua nhiều vũ khí Nga nhất.

Cùng kỳ thống kê 2009-2016, xếp trên Việt Nam là Ấn Độ đóng góp 21,592 tỷ USD, chiếm 26,99%, đứng thứ 1; tiếp đó là Algeria với 9,763 tỷ USD, chiếm 12,21% trong tổng kim ngạch xuất khẩu vũ khí của Nga.

Việt Nam vượt trên TQ, trở thành một trong các khách hàng nhập khẩu vũ khí Nga nhiều nhất - Ảnh 1.

Việt Nam đứng thứ 3 trong danh sách các quốc gia nhập khẩu nhiều vũ khí nhất của Nga giai đoạn 2009-2016 với tổng trị giá gần 6,7 tỷ USD, chiếm 8,34% tổng kim ngạch xuất khẩu vũ khí của Nga.

Kim ngạch nhập khẩu vũ khí từ Nga của Việt Nam trong giai đoạn 2009-2016 lần lượt từng năm là:

- 2009 chi 23,5 triệu USD (chiếm 0,42% tổng kim ngạch xuất khẩu vũ khí của Nga);

- 2010 chi 460 triệu USD (chiếm 8,02%);

- 2011 chi 881,7 triệu USD (chiếm 8,95%);

- 2012 chi 913,3 triệu USD (chiếm 7,80%);

- 2013 chi 20,8 triệu USD (chiếm 0,16%)

- 2014 chi 1,9198 tỷ USD (chiếm (15%);

- 2015 chi 1,4833 tỷ USD (chiếm 13,44%);

- 2016 chi 970 triệu USD (chiếm 8,59%).

Như vậy có thể thấy trong giai đoạn này, năm 2014 Việt Nam thanh toán cho Nga nhiều tiền mua vũ khí nhất với hơn 1,9 tỷ USD còn năm 2013 là năm Việt Nam chi ít nhất, chỉ vọn vẹn có 20,8 triệu USD.

Theo dữ liệu so Viện Nghiên cứu Hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI), sở dĩ liên tiếp trong các năm 2010-2012 Việt Nam thanh toán cho Nga tương đối lớn như thế là để tiếp nhận một số loại vũ khí hiện đại theo các hợp đồng đã ký, cụ thể (chỉ liệt kê các hợp đồng lớn):

- 2 tàu hộ vệ tên lửa Gepard 3.9 (hợp đồng ký năm 2006), kèm theo tên lửa diệt hạm Kh-35;

- 2 tổ hợp tên lửa bờ Bastion-P (hợp đồng ký năm 2007), kèm theo tên lửa diệt hạm siêu âm Yakhont;

- 2 hợp đồng với lần lượt 8 tiêm kích Su-30MK2 (hợp đồng ký năm 2009, giao hàng 2011-2012) và 12 tiêm kích Su-30MK2 (hợp đồng ký năm 2010, giao hàng 2011-2012), kèm theo một số loại bom, tên lửa không đối không, không đối đất và diệt hạm;

- 6 tàu ngầm diesel-điện Kilo-636 (hợp đồng ký năm 2009, giao hàng 2013-2017), kèm theo một số loại vũ khí trang bị và huấn luyện.

Việt Nam vượt trên TQ, trở thành một trong các khách hàng nhập khẩu vũ khí Nga nhiều nhất - Ảnh 2.

Tàu ngầm Kilo HQ-182 Hà Nội và HQ-183 TP Hồ Chí Minh duyệt đội hình trên biển. Ảnh: Tiền Phong.

Tiếp đó, trừ năm 2013 với kim ngạch nhập khẩu vũ khí không đáng kể thì trong giai đoạn 2014-2016, Việt Nam cũng thanh toán khá nhiều tiền cho các hợp đồng mua sắm lớn như:

- Tiếp tục thanh toán theo tiến độ chế tạo và bàn giao tàu ngầm Kilo-636;

- 12 tiêm kích Su-30MK2 (hợp đồng ký năm 2013, giao hàng 2014-2016) kèm theo một số loại bom, tên lửa;

- 2 tàu hộ vệ tên lửa Gepard-3.9 (hợp đồng ký năm 2012, giao hàng 2017) kèm theo các loại vũ khí trang bị.

Việt Nam vượt trên TQ, trở thành một trong các khách hàng nhập khẩu vũ khí Nga nhiều nhất - Ảnh 3.

Chi tiết các loại vũ khí Việt Nam nhập khẩu từ Nga trong giai đoạn 2008-2017. Nguồn: Cơ sở dữ liệu chuyển giao vũ khí thế giới của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI).

Do chưa tự sản xuất được nhiều loại vũ khí trang bị hiện đại nên Việt Nam vẫn phải nhập khẩu và Nga được coi là một trong những nhà cung cấp vũ khí lớn và tin cậy nhất đối với Việt Nam.

Trong tương lai, có thể tỷ trọng vũ khí mới nhập khẩu từ Nga trong biên chế Quân đội nhân dân Việt Nam sẽ giảm dần do Mỹ đã dỡ bỏ lệnh cấm bán vũ khí sát thương và Việt Nam có nhu cầu mua sắm từ các nguồn cung đa dạng hơn nhằm đáp ứng yêu cầu tăng cường tiềm lực quốc phòng để tự vệ và thay thế những vũ khí đã cũ, vốn có từ thời Liên Xô.

Việt Nam vượt trên TQ, trở thành một trong các khách hàng nhập khẩu vũ khí Nga nhiều nhất - Ảnh 4.

Tiêm kích Su-30MK2 của Không quân Việt Nam. Ảnh: QĐND.

Trung Quốc ngày càng nhập ít vũ khí Nga

Sở dĩ gần đây Trung Quốc giảm nhập khẩu vũ khí Nga là do họ đã tự chủ được phần lớn vũ khí trang bị hiện đại thông qua nhiều cách, hoặc nghiên cứu chế tạo trong nước hoặc sao chép thành công một số loại vũ khí từ nguyên mẫu nhập khẩu (chủ yếu là từ Nga).

Tuy nhiên, gần đây Trung Quốc lại đang tăng dần số lượng, chủng loại và giá trị vũ khí nhập khẩu tử Nga, đặc biệt là máy bay chiến đấu (Su-35) hay tên lửa phòng không (S-400). Một số chuyên gia phân tích cho rằng tới đây, Trung Quốc có thể dựa trên những nguyên mẫu vũ khí hiện đại này sao chép thành những loại vũ khí nội địa.

Trong khi đó, Ấn Độ vẫn sẽ là khách hàng quan trọng số 1 của vũ khí Nga do các chương trình chế tạo vũ khí nội địa của họ bị chậm trễ hoặc không đáp ứng được yêu cầu. Tuy nhiên, Nga sẽ phải cạnh tranh quyết liệt với các ông lớn khác như Mỹ, Anh, Pháp, Israel ngay tại thị trường truyền thống này.

Tàu chiến Gepard 3.9 của Hải quân Việt Nam diễn tập AMNET-1 tại Thái Lan.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại