Theo Sputnik, đây là thông tin nằm trong bản nghiên cứu của tổ chức mang tên Chiến dịch quốc tế từ bỏ vũ khí hạt nhân (ICAN) phối hợp với tổ chức hòa bình PAX điều tra. Cả hai tổ chức này từng nhận được giải Nobel Hòa bình.
Hoạt động này hoàn toàn trái ngược với tuyên bố của Mỹ hồi tháng Hai rằng, nước này vẫn tiếp tục tuân thủ những giới hạn mà INF đề ra.
Theo bản báo cáo, trong giai đoạn từ tháng 10/2018 – 2/2019, thời điểm Washington chính thức bắt đầu quá trình rút khỏi Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF), Mỹ đã nhanh chóng cho triển khai phát triển kho tên lửa mới thông qua các bản hợp đồng có tổng giá trị hơn 1 tỷ USD.
Hiệp ước INF được Liên Xô cũ và Mỹ ký kết năm 1987 quy định cấm hai nước sản xuất, thử nghiệm, triển khai các tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình trên mặt đất có tầm bắn từ 500 - 5.500 km.
Tuy nhiên, Tổng thống Donald Trump ra tuyên bố Mỹ dừng tuân thủ INF trước cáo buộc Nga vi phạm hiệp ước khi cho phát triển tên lửa 9M729 trên hệ thống Iskander. Về phần mình, Nga phủ nhận mọi cáo buộc vi phạm INF từ phía Mỹ.
“Việc rút khỏi Hiệp ước INF đã nổ phát súng vào một cuộc Chiến tranh Lạnh mới”, ông Beatrice Fihn, người đứng đầu tổ chức Chiến dịch quốc tế từ bỏ vũ khí hạt nhân (ICAN) nhấn mạnh.
Trong báo cáo của ICAN và PAX, đơn vị được hưởng lợi nhiều nhất từ cuộc đua vũ trang mới giữa Nga – Mỹ chính là Tập đoàn Raytheon.
Theo đó, Raytheon đã nhận được 44 bản hợp đồng mới với số tiền trị giá 537 triệu USD. Tiếp sau là Tập đoàn Lockheed Martin đã ký kết được 36 hợp đồng có giá trị 268 triệu USD và Boeing ký được 4 bản hợp đồng với tổng giá trị 245 triệu USD.
Tuy nhiên, bản báo cáo cũng nhấn mạnh không rõ toàn bộ những bản hợp đồng mới được chính phủ Mỹ ký kết với các tập đoàn trên là nhằm sản xuất vũ khí hạt nhân hay không.
“Song rõ ràng, đây là hành động gấp rút mới nhằm nhanh chóng sản xuất loạt tên lửa mang lại lợi nhuận cho các công ty Mỹ và làm ngập thị trường vũ khí bằng các loại tên lửa mà không cần quan tâm tới tầm bắn của chúng”, bản báo cáo viết.
Còn theo Sputnik, vào ngày 7/2, Quân đội Mỹ đã cho công bố bản đề xuất ngân sách tài khóa năm 2020 bao gồm một loạt các chương trình phát triển tên lửa mới trong đó không ít loại nằm trong danh mục cấm của Hiệp ước INF.
Ngoài ra, Sputnik cho rằng trong tháng Tám tới, Lầu Năm Góc sẽ cho thử nghiệm một tên lửa hành trình có tầm bắn 600 dặm (965 km).
Bên cạnh đó, một vụ thử nghiệm liên quan tới tên lửa đạn đạo tầm trung có tầm bắn từ 1.800 – 2.500 dặm (2.896 – 4.023 km) cũng sẽ được Mỹ tiến hành vào tháng 11 tới.
Bản báo cáo của ICAN và PAX còn đề cập tới các thỏa thuận vũ khí hạt nhân quy mô lớn khác như chương trình cải tiến tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm Trident II mà Tập đoàn General Dynamics và BAE Systems đang phối hợp làm việc với một số công ty trên danh nghĩa thay mặt cho chính phủ Mỹ và Anh.