Trẻ em khuyết tật được tham gia các hoạt động học tập (ảnh VAF)
Nhiều trẻ em khuyết tật chưa được đến trường
Khi Vũ Minh Tú (học sinh lớp 8, Trường Nguyễn Đình Chiểu Hà Nội) cất lên lời bài hát "Một vòng Việt Nam", cả khán phòng của buổi phát động chương trình "Tiếp sức trẻ khuyết tật đến trường" đã rất xúc động bởi giọng hát đẹp đầy nội lực, trong sáng chạm tới trái tim người nghe.
Chia sẻ về lý do chọn bài hát này, Tú tâm sự muốn gửi tới thông điệp yêu nước, giữ nước và bảo vệ đất nước.
Trên sân khấu, Tú như là một nghệ sĩ thực thụ, truyền tình cảm qua giọng hát, chinh phục mọi người bằng những năng khiếu chơi nhạc cụ dân tộc. Tuy nhiên, ít ai biết được Tú là một chàng trai khiếm thị.
Tú chia sẻ được đến trường và có cơ hội đứng trên sân khấu biểu diễn là một may mắn với em. Ngoài đi học văn hóa Tú còn đang là sinh viên năm thứ 2 khoa âm nhạc truyền thống, chuyên ngành sáo trúc (Học viện âm nhạc Quốc gia Việt Nam).
Theo Tú, dù khiếm thị em vẫn được đến trường để theo đuổi ước mơ của mình, đó là niềm hạnh phúc, trong khi đó còn rất nhiều bạn khiếm thị hay khuyết tật khác lại không thể đến trường.
"Em rất mong các bạn khiếm thị nói riêng và các bạn khuyết tật nói chung có thể được đến trường, theo đuổi ước mơ giống như em", Tú nói.
Sau những lời chia sẻ đầy mộc mạc của Tú, cả khán phòng lặng xuống, nhiều người đã không cầm được nước mắt.
Đúng như lời Tú nói, trên khắp đất nước còn rất nhiều trẻ khuyết tật mong mỏi được đến trường, được tiếp xúc với tri thức nhưng vẫn còn quá nhiều khó khăn và rào cản.
Theo thống kê của Ủy ban Quốc gia về người khuyết tật Việt Nam, hiện nay cả nước có khoảng 8 triệu người khuyết tật, trong đó hơn 2.260.000 là trẻ em.
Trong đó, 90% trẻ khuyết tật thiếu điều kiện tiếp cận ít nhất hai dịch vụ xã hội cơ bản như: giáo dục, y tế, dinh dưỡng, nhà ở, nước sạch và vệ sinh, thông tin, hội nhập xã hội và môi trường sống an toàn.
Hầu hết trẻ khuyết tật dưới 17 tuổi, mang những khiếm khuyết về vận động, thính giác, ngôn ngữ, thị giác, trí tuệ… đến từ các hộ nghèo đa chiều, sống ở vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa. Họ rất cần sự hỗ trợ từ xã hội để có thể tiếp cận các dịch vụ thiết yếu, cơ hội học tập và hòa nhập cộng đồng.
Cần tiếp sức cho trẻ em khuyết tật đến trường
Bà Dương Thị Bích Diệp - Chủ tịch quỹ Vì trẻ em khuyết tật Việt Nam - cho biết thế giới đã có Công ước của Liên Hợp quốc về Quyền của Người khuyết tật, khu vực Châu Á - Thái Bình Dương có Chiến lược Incheon về thực hiện quyền của Người khuyết tật giai đoạn 2012 – 2023, Việt Nam đã có Luật Người khuyết tật từ năm 2010.
Tuy nhiên bên cạnh những nỗ lực trong nhiều năm qua của Đảng, Nhà nước và toàn xã hội trong việc hỗ trợ trẻ khuyết tật, thì các em vẫn luôn là những đứa trẻ thiệt thòi nhất trong những người thiệt thòi, đặc biệt là trong lĩnh vực tiếp cận giáo dục. Các em phải đối mặt với những thách thức đáng kể trong cuộc sống hàng ngày và nhiều hình thức phân biệt đối xử, dẫn đến nguy cơ bị tách biệt khỏi xã hội và trường học.
Theo thống kê của Unicef năm 2016:
- Cơ hội đi học ở trẻ khuyết tật từ 5-14 tuổi sống trong hộ nghèo đa chiều thấp hơn khoảng 21% so với trẻ không khuyết tật. Tỷ lệ trẻ khuyết tật đi học ngày càng giảm theo cấp học và đến cấp THPT thì chỉ có 39,35 % em được đi học.
- Cơ hội tiếp cận với sách và truyện của trẻ em khuyết tật ở nông thôn chỉ bằng 1/2 trẻ em ở thành thị (ở thành thị là 46,6% trong khi ở nông thôn chỉ có 27,4%).
- Cơ hội tiếp cận Internet của trẻ em khuyết tật là 40,9%.
- Chỉ 42,7 % người được hỏi đồng tình với quan điểm "Trẻ khuyết tật nên học và được đi học cùng trẻ khác".
Theo bà Diệp, để tiếp bước cho trẻ em khuyết tật được đến trường, Quỹ Vì trẻ em khuyết tật Việt Nam phối hợp cùng Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Bộ Ngoại giao cùng nhau tổ chức Chương trình Tiếp sức trẻ khuyết tật tới trường nhằm nỗ lực đem tới cơ hội cho những em nhỏ khuyết tật mở ra cánh cửa tri thức bằng nhiều cách khác nhau.
Quỹ vì Trẻ em khuyết tật Việt Nam, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh Bộ Ngoại giao cùng phối hợp với Hội Cứu trợ trẻ em tàn tật Việt Nam, Cổng thông tin điện tử nhân đạo quốc gia 1400 phát động Chương trình "Tiếp sức trẻ khuyết tật đến trường" để gây quỹ tặng 1000 phần quà cho trẻ khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn, có khả năng và mong muốn đi học thuộc các tỉnh vùng cao Cao Bằng, Hà Giang, Lào Cai, Lai Châu, Điện Biên, Quảng Ninh, Kon Tum, Gia Lai, Đăk Lăk, Đăk Nông hiện thực hóa ước mơ được đi học trong năm học mới 2024 - 2025.
Ủng hộ trẻ khuyết tật đến trường bằng cách:
Ủng hộ bằng hình thức qua tin nhắn qua đầu số 1407 của Cổng thông tin điện tử nhân đạo Quốc gia 1400; Mỗi tin nhắn TEKT gửi 1407, Quý vị đã đóng góp 20.000 đồng giúp đỡ trẻ khuyết tật có cơ hội đến trường. Chương trình nhắn tin được thực hiện từ 00h ngày 25/05/2024 đến 24h ngày 23/07/2024.
Ủng hộ trực tiếp qua tài khoản của Quỹ Vì trẻ em khuyết tật Việt Nam với nội dung TEKT. Hệ thống tài khoản tiếp nhận của Quỹ gồm:
Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam - Vietcombank
Tên tài khoản: Quỹ Vì trẻ em khuyết tật
Số tài khoản VNĐ: 00110 0381 4022 - CIF: 481 3569
Số tài khoản USD: 00113 7381 4041 - CIF: 481 3569
Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam - Vietinbank - CN Hai Bà Trưng Hà Nội
Tên tài khoản: Quỹ Vì trẻ em khuyết tật Việt Nam
Số tài khoản: 121000034371
Ngân hàng TMCP Thương Tín - Sacombank - CN Bình Chánh TP Hồ Chí Minh
Tên tài khoản: Quỹ Vì trẻ em khuyết tật Việt Nam
Số tài khoản: 0600952684663
Ủng hộ hiện vật là đồ dùng học tập, trang thiết bị hỗ trợ trẻ khuyết tật học tập tại trụ sở Quỹ Vì trẻ em khuyết tật Việt Nam:
Văn phòng phía Nam: 184 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh.
Văn phòng phía Bắc: Tầng 20, tòa HCMCC số 249A Phố Thụy Khuê, Quận Tây Hồ, TP Hà Nội