2 cách ăn 'xấu tệ' nhiều người Việt đang mắc: PGS dinh dưỡng nói phải thay đổi ngay

Ngọc Minh |

Ông cha ta đã nói "bệnh từ miệng vào". Và thực tế là việc ăn uống có thể ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe, tuổi thọ của con người.

Mâm cơm (ảnh minh họa)

Mâm cơm (ảnh minh họa)

2 cách ăn hại sức khỏe

Theo các chuyên gia, có hai thói quen ăn uống không tốt đang gặp ở rất nhiều người Việt, đó là ăn quá nhanh và ăn quá chậm.

PGS.TS.BS. Lâm Vĩnh Niên, Trưởng Khoa Dinh dưỡng - Tiết chế (Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM), cho hay ăn quá nhanh hay ăn quá chậm đều là một thói quen không tốt đối với sức khỏe và cần phải thay đổi.

Đối với ăn quá nhanh: Khi ăn quá nhanh thức ăn sẽ không được nhai kỹ, tuyến nước bọt chưa được tiết ra đủ. Điều này khiến cho việc tiêu hóa thức ăn vất vả hơn, dạ dày sẽ phải hoạt động nhiều hơn mức bình thường để nghiền, nhào trộn thức ăn.

2 cách ăn

Ăn quá nhanh hay quá chậm đều không tốt cho sức khỏe (ảnh minh họa).

Nếu ăn nhanh trong một thời gian dài có thể gây ra tình trạng đau dạ dày và làm dây thần kinh vị giác vẫn ở trạng thái hưng phấn, kéo dài như vậy sẽ ảnh hưởng đến vị giác.

"Một vấn đề khác của ăn quá nhanh đó là chúng ta phải nuốt vội vàng khiến cho thức ăn khó di chuyển hơn qua đường tiêu hóa, không hấp thu dinh dưỡng cần thiết và tăng cảm giác cồng kềnh hoặc chướng bụng sau khi ăn", PGS Niên nói.

Khi ăn nhanh, cảm giác no sẽ xuất hiện muộn nên mọi người sẽ ăn sẽ nhiều hơn mức bình thường.

"Ở một số người, ăn quá nhanh khi không nhai kỹ thức ăn rất dễ nuốt phải dị vật (mảnh xương). Ăn nhanh còn làm tăng nguy cơ béo phì do ăn nhiều thức ăn hơn mức cần thiết trước khi não bộ nhận ra là đã no", PGS Niên nói.

Bên cạnh đó, ăn quá chậm cũng gây hại. Khi ăn quá chậm, quá trình tiêu hóa kéo dài khiến cho dịch vị trong dạ dày sẽ bị pha loãng. Điều này khiến cho việc tiêu hóa sẽ khó khăn hơn, có thể xảy ra tình trạng khó tiêu.

Cũng tương tự ăn nhanh, việc ăn quá chậm cũng khiến cho cơ thể dung nạp nhiều thức ăn hơn mức bình thường. Việc này sẽ dẫn tới thừa cân béo phì, tiềm ẩn nhiều nguy cơ bệnh lý rối loạn chuyển hóa khác do liên quan tới ăn chậm.

2 cách ăn

Bác sĩ Lâm Vĩnh Niên.PGS.TS.BS. Lâm Vĩnh Niên, Trưởng Khoa Dinh dưỡng - Tiết chế (Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM)

Nên ăn trong vòng bao lâu?

"Ăn quá nhanh hay quá chậm đều không tốt cho sức khỏe và đường tiêu hóa. Cho đến nay, chưa có con số chặt chẽ nên ăn trong thời gian bao lâu để tốt cho sức khỏe vì tùy thuộc vào cá thể và bệnh lý, thời gian ăn sẽ khác nhau. Tuy nhiên, với người khỏe mạnh, không có bệnh lý, thời gian ăn thông thường từ 15-20 phút/bữa ăn là sẽ có lợi cho sức khỏe hơn cả", PGS Niên tư vấn.

Cũng theo vị chuyên gia dinh dưỡng, đối với người ăn quá nhanh thì cần phải rèn luyện thói quen ăn chậm lại bằng cách nhai thức ăn thật kỹ rồi mới nuốt. Dân gian vẫn có câu: "Nhai kỹ no lâu" là rất đúng. Khi nhai kỹ, dịch tiêu hóa trong khoang miệng được tiết ra giúp cho việc tiêu hóa trở nên dễ dàng. Mọi người nên ăn cơm cùng rau để có thể nhai được kỹ hơn; hoặc có thể dùng bát bé khi ăn cơm sẽ giúp giảm đi tốc độ của việc ăn quá nhanh…

Người ăn chậm cũng nên thay đổi thói quen xấu, nên tập trung vào ăn uống hơn. Đối tượng này không nên xem tivi hay điện thoại khi ăn để tránh bị xao nhãng; nên tập trung ăn xong mới làm việc khác để thức ăn được hấp thu tốt trong cơ thể.

Thói quen ăn là việc rất đơn giản nhưng lại có tác động rất lớn tới sức khỏe và bộ máy tiêu hóa. Do vậy, ngay từ bây giờ, nếu bạn đang ăn quá nhanh hoặc quá chậm thì nên thay đổi sớm, PGS Niên chia sẻ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại