1. Cây rau mồng tơi có đặc điểm gì?
Rau mồng tơi còn gọi là mồng tơi đỏ, mồng tơi tía, lạc quỳ… Tên khoa học Basella rubra L. (Basella alba L.). Thuộc họ Mồng tơi Basellaceae.
Mồng tơi là một dây leo, sống hằng năm hay hai năm. Thân mọc cuốn, dài 1,5-2m. Thân có phân nhánh, màu xanh nhạt hoặc tím nhạt.
Lá mọc so le, đơn, có cuống, phiến lá hình trứng, đầu nhọn, phía cuống bằng hay hơi hẹp lại, dài 3-12cm, rộng 2-6cm.
Rau mồng tơi cung cấp nhiều chất dinh dưỡng.
Cụm hoa hình bông mọc ở kẽ lá, nhỏ, màu trắng hay tím đỏ nhạt. Những bông ở phía trên dài và gầy hơn. Quả mọng, nhỏ hình cầu hay hình trứng, dài chừng 5mm, màu tím đen khi chín.
Cây mồng tơi nguồn gốc ở các nước nhiệt đới của châu Á và châu Phi. Tại Việt Nam, mồng tơi mọc hoang và được trồng cho leo hàng rào để lấy rau ăn. Người ta hái thân và lá vào mùa hạ và mùa thu.
Theo Read (1936), trong rau mồng tơi có vitamin A3, vitamin B3, chất saponin, chất nhầy và chất sắt.
2. Công dụng và liều dùng
Theo sách Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam của GS.TS. Đỗ Tất Lợi, trong nhân dân, thường chỉ dùng rau mồng tơi nấu canh ăn cho mát, ít dùng làm thuốc.
Nhưng trong sách cổ (Bản thảo cương mục của Lý Thời Trân) có ghi là rau mồng tơi có vị chua, hàn, hoạt, không độc, chủ trị hoạt trung, tán nhiệt, giải nhiệt , lợi đại tiểu trường.
Nhân dân Indonesia dùng rau mồng tơi làm thuốc chữa trẻ em bị táo bón, phụ nữ đẻ khó.
Tại Trung Quốc có nơi người ta dùng rau mồng tơi giã đắp chữa vú sưng nứt, giải độc .
Rau mồng tơi - loại rau mát, bổ ngày hè.
Ngoài ra, rau mồng tơi còn có các công dụng sau:
Tăng lượng sữa đáng kể cho sản phụ: Các bà mẹ sau sinh ít sữa có thể ăn rau mồng tơi để tăng cường lượng sữa về do trong rau mồng tơi có các vitamin A3, B3, chất saponin, sắt nên tốt cho thai phụ...
Thanh nhiệt, giải độc cơ thể và chữa táo bón: Sử dụng rau mồng tơi trong bữa ăn hàng ngày sẽ giúp cơ thể thanh nhiệt, giải độc và cải thiện chứng táo bón.
Hỗ trợ làn da tươi trẻ: Lá mồng tơi có tác dụng dưỡng da, lưu thông khí huyết và giúp da dẻ mịn màng, tươi trẻ.
Rau mồng tơi có tác dụng trị vết thương và cải thiện tình trạng đau nhức xương khớp: Nước cốt từ rau mồng tơi có thể trị vết bỏng, bên cạnh đó, hầm mồng tơi với chân giò để ăn hàng ngày sẽ giúp trị đau nhức xương khớp.
Cải thiện chức năng sinh lý, chữa mộng tinh: Rau mồng tơi giúp nam giới hỗ trợ điều trị chứng yếu sinh lý, mộng tinh.
Có thể ngăn ngừa loãng xương từ rau mồng tơi: Hàm lượng canxi trong mồng tơi rất cao nên có thể ngăn ngừa nguy cơ loãng xương ở người cao tuổi.
Rau mồng tơi tốt cho phụ nữ mang thai: Acid folic và sắt là hai dưỡng chất có lợi cho phụ nữ mang thai rất dồi dào trong rau mồng tơi.
Canh cua nấu rau mồng tơi.
Hỗ trợ giảm chất béo, cholesterol: Chất nhầy có trong rau mồng tơi có tác dụng hấp thu cholesterol. Vì vậy, chất béo trong thực phẩm không ngấm được qua màng ruột nên sẽ bị thải ra ngoài qua đường phân.
Rau mồng tơi có tác dụng chống oxy hóa và bảo vệ mắt: Rau mồng tơi chứa nhiều sắc tố carotenoid chống oxy hóa. Những chất chống oxy hóa này có tác dụng trung hòa những gốc tự do nguy hại nên có thể phòng ngừa ung thư. Bên cạnh đó, rau mồng tơi rất giàu vitamin A, giúp phòng chống đục thủy tinh thể hoặc suy giảm thị lực.
Nâng cao hệ miễn dịch: 100g lá mồng tơi có chứa 102 mg vitamin C . Với lượng vitamin C có trong rau mồng tơi sẽ giúp cơ thể nâng cao sức khỏe hệ miễn dịch, phòng chống bệnh và giảm thời gian mắc bệnh.
Lưu ý: Mặc dù mồng tơi có nhiều chất dinh dưỡng nhưng không nên lạm dụng vì sẽ khiến cho cơ thể hấp thụ kém vì nó có chứa một hàm lượng acid oxalic cao. Chất hóa học này có thể liên kết với sắt và calci khiến cho cơ thể khó hấp thụ các dinh dưỡng quan trọng khác, từ đó cơ thể sẽ thiếu chất và suy yếu.