Người ta thường nói "có sức khỏe là có tất cả", chỉ khi có một cơ thể khỏe mạnh chúng ta mới có cuộc sống hạnh phúc.
Tuy nhiên, theo thời gian thể lực sẽ bị giảm sút, nhất là sau 45 tuổi, các chức năng của cơ thể bắt đầu thoái hóa, đây cũng là giai đoạn tỉ lệ mắc một số bệnh cao. Vì vậy, ngay từ khi còn trẻ, bạn cần chú ý hơn đến việc giữ gìn cơ thể. Và để biết bản thân có khỏe mạnh, sống lâu hay không, bạn có thể xem xét “độ cứng mềm” của 2 bộ phận dưới đây.
Mạch máu
Hệ thống mạch máu trong cơ thể người là một phần của hệ tuần hoàn, có dạng ống, nối tiếp nhau hợp thành hệ thống kín dẫn máu từ tim đến các cơ quan trong cơ thể sau đó quay trở về tim. Hệ thống mạch máu trong cơ thể có chức năng vận chuyển nước, oxy, CO2, các chất dinh dưỡng đến các cơ quan trong cơ thể.
Khi còn trẻ, thành trong của mạch máu trơn, mềm và có tính đàn hồi, khi tuổi càng cao thì mạch máu sẽ dần lão hóa và cứng lại, tình trạng này thường được gọi chung là xơ cứng động mạch.
Theo đó, các động mạch lưu thông máu khắp cơ thể, nhưng khi mảng bám – chất béo, cholesterol và chất chuyển hóa của tế bào khác – tích tụ trên thành động mạch, bạn sẽ bị xơ cứng động mạch.
Xơ cứng động mạch có thể phát triển thành xơ vữa động mạch. Xơ vữa động mạch có thể gây ra bệnh tim, đột quỵ, các vấn đề lưu thông máu ở cánh tay và chân, phình động mạch có thể gây chảy máu nội bộ đe dọa tính mạng và bệnh thận mãn tính.
Tuổi tác, thói quen hút thuốc, uống rượu nhiều, việc kiểm soát lipid máu và đường huyết không tốt, bệnh béo phì có thể đẩy nhanh tốc độ xơ cứng động mạch.
Sau khi mạch máu bị xơ cứng sẽ có các triệu chứng như đau đầu không rõ nguyên nhân, chóng mặt, giảm trí nhớ đột ngột, tê bì một bên tay chân, rối loạn giấc ngủ, mệt mỏi toàn thân và ù tai. Đặc biệt, dái tai rất nhạy cảm với tình trạng thiếu máu, thiếu oxy. Khi mạch máu bị xơ cứng, dái tai không nhận đủ máu nuôi dưỡng, từ đó sinh ra nếp gấp do thiếu máu. Nếp gấp này y học gọi là dấu hiệu Frank, có thể là dấu hiệu của bệnh tim.
Vì vậy, chúng ta nên phòng bệnh hơn chữa bệnh. Hãy điều chỉnh chế độ ăn uống hợp lý, duy trì vận động vừa phải để làm chậm tốc độ lão hóa mạch máu.
Nên tăng cường ăn rau củ quả, hạn chế ăn thịt, thực hiện chế độ ăn ít muối, đường và chất béo. Chăm chỉ vận động và từ bỏ hút thuốc lá, uống rượu bia và sử dụng các chất kích thích.
Người trên 60 tuổi dù không có triệu chứng xơ cứng động mạch cũng nên đến bệnh viện thăm khám định kỳ để kiểm soát huyết áp, lipid máu và đường huyết ổn định.
Khớp
Cơ thể con người có 206 chiếc xương, các xương được kết nối với nhau bởi khớp. Khớp gồm bao hoạt dịch, bề mặt khớp và sụn khớp.
Khi bạn già đi, phần sụn bảo vệ các đầu xương bắt đầu khô và cứng lại. Cơ thể cũng tạo ra ít chất lỏng hoạt dịch hơn (chất này hoạt động giống như dầu bôi trơn cho các khớp hoạt động tốt), kết quả là các khớp không thể cử động tự do như trước đây. Trong một số trường hợp, viêm kèm theo cứng khớp khiến bạn bị đau khi đi bộ, đứng hoặc dồn sức nặng lên khớp.
Cứng khớp là tình trạng khó cử động các khớp, thường xuất hiện ở các đốt ngón tay gần, bàn ngón tay, cổ tay, khuỷu, gối, cổ chân, bàn ngón chân (hai bên).
Tình trạng này phổ biến ở nhiều lứa tuổi, gây trở ngại trong việc vận động và sinh hoạt. Nếu không được chẩn đoán và điều trị sớm, dấu hiệu cứng khớp tồn tại trong thời gian dài có thể là biểu hiện của bệnh lý mạn tính về khớp, thậm chí là tàn phế, mất vận động.
Cứng khớp thường diễn ra vào buổi sáng sau khi ngủ dậy hoặc sau một tư thế bất động kéo dài, sau khi người bệnh có động tác gấp duỗi thì các khớp sẽ vận động dễ dàng hơn hoặc gần như bình thường (các bác sĩ thường gọi là dấu hiệu phá gỉ khớp), “thời gian phá gỉ khớp” thường mất khoảng 15-20 phút đến 1 giờ thậm chí có thể hơn 1 giờ.
Để tránh bị cứng khớp, mọi người cần duy trì lối sống lành mạnh, nghỉ ngơi hợp lý, tập thể dục vừa sức và đều đặn, ăn uống đúng cách để có thể kiểm soát tốt cân nặng.
Người bệnh cần kết hợp tập thể dục hàng ngày để ổn định sức khỏe và loại bỏ biến chứng từ cứng khớp. Đi bộ 10 nghìn bước mỗi ngày cũng là cách được khuyến khích. Trong lúc đi, đừng quên đung đưa cánh tay để giải phóng endorphin, một hormone giảm đau tự nhiên giúp triệu chứng chuyển biến tích cực.
Thường xuyên tập luyện thể dục thể thao tăng sức khỏe cơ bắp và xương khớp như các bài tập tăng cường, các bài tập phạm vi chuyển động, các bài tập aerobic, bài tập thăng bằng…
Lưu ý bổ sung các thức ăn giàu canxi, vitamin D, collagen (một thành phần của sụn khớp) có tác dụng giúp các khớp dẻo dai, khung xương chắc khỏe. Người cao tuổi có thể bổ sung thêm 2 – 3 ly sữa mỗi ngày để đáp ứng đủ hàm lượng các dưỡng chất cần thiết cho cơ thể.
Chú ý tư thế ngủ góp phần làm tăng tuổi thọ của khớp xương như nằm nghiêng, nằm ngửa. Căn phòng khi nghỉ ngơi cần ấm áp và tránh bị gió lùa. Nếu trời lạnh nên đắp thêm chăn để ngăn lạnh hoặc ẩm ướt dễ gây cứng khớp. Trước khi ra khỏi giường cần tập các bài vận động đơn giản giúp khớp dẻo dai.
Tắm nước nóng thúc đẩy tuần hoàn máu và giảm co thắt cơ bắp.
Uống đủ nước mỗi ngày, tạo tinh thần vui vẻ, phấn chấn.
Duy trì khám sức khỏe định kỳ.