Năm 2006, ông Carter cùng cựu Bộ trưởng Quốc phòng William Perry (trong chính phủ Tổng thống Bill Clinton những năm 1990) từng đề nghị chính quyền Tổng thống Mỹ George Bush đánh bom Triều Tiên.
Cụ thể là tấn công đơn phương vào những vị trí vũ khí hạt nhân của cố Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Il.
Đề xuất "đánh bom phẫu thuật"
Hai ông Carter-Perry viết một bài trên báo Times, sử dụng chữ “đánh bom phẫu thuật”, nói đây là một chữ quá đáng, nhưng cần thiết để ngăn chặn một cuộc phóng thử tên lửa đạn đạo của Bình Nhưỡng.
Họ viết: “Một tên lửa hành trình Mỹ phóng từ tàu ngầm hoặc một quả bom chính xác có đầu đạn quy ước và có khả năng nổ cao có thể dễ dàng san bằng, đốt cháy một chiếc tên lửa cao tầng”.
Mục tiêu của cuộc tấn công này là tên lửa Taepodong 2, vốn có khả năng bắn tới những vị trí Mỹ ở Thái Bình Dương gồm Hawaii.
May mắn là chiếc tên lửa nhiều tầng này rơi xuống biển chỉ 1 phút sau khi phóng thử đúng dịp lễ Độc lập 4.7 của Mỹ năm 2006.
Tên lửa Taepodong 2 của Triều Tiên
Hai ông Carter - Perry nêu dù cuộc phóng thất bại, Triều Tiên đã rút được những thông tin giá trị.
Họ cũng nói Mỹ và quân đội chỉ muốn ngăn chặn Triều Tiên cố phát triển vũ khí có thể bắn tới Mỹ mà không gây tổn thất nhân sự cho Mỹ và cả người Triều Tiên.
Mặt khác, một cuộc tấn công đơn phương của Mỹ sẽ làm tê liệt chương trình tên lửa của Triều Tiên, đồng thời chứng minh Mỹ có khả năng bảo vệ an ninh khu vực bằng sức mạnh quân sự, để buộc Triều Tiên phải hủy chương trình phát triển vũ khí hạt nhân.
Hai ông cho rằng nếu Mỹ không hành động đơn phương thì sẽ rất nguy hiểm: Bình Nhưỡng sẽ dựa vào kho tên lửa và phương tiện hạt nhân của họ để lập thế cân bằng ở khu vực, làm nên một tấm khiên để họ thoải mái theo đuổi chương trình vũ khí hạt nhân.
Tệ hơn, Bình Nhưỡng đã nổi tiếng về chuyện bán vũ khí tiên tiến cũng có thể cho nhiều nước ở Trung Đông, và đã mở “chợ đen” buôn lậu vũ khí.
Xem ra ông Carter đã nêu được vấn đề: một năm sau bài báo ấy, Israel đánh bom một lò phản ứng hạt nhân ở Syria, vốn có sự giúp đỡ của Triều Tiên.
Bài viết gần 10 năm nói trên khi ông Carter không tham gia chính phủ và đang dạy học ở đại học Harvard, có lẽ không soi rọi nhiều về cách ông sẽ điều hành Lầu Năm Góc.
Nhưng bài viết này vẫn cho thấy vị bộ trưởng quốc phòng tương lai xử lý một vấn đề mà cho đến nay chưa ai có thể xử lý, một nỗi nhức đầu an ninh quốc gia cho các tổng thống Mỹ của cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa.
Ông Bush đã không nghe theo đề xuất của hai ông Carter - Perry, dù bị mô tả là một tổng thống hiếu chiến với chủ trương “đánh phủ đầu”.
Nếu ông Carter trình lại ý tưởng này, liệu Tổng thống Barack Obama có nghe theo? Và liệu ông Carter có còn cảm thấy Mỹ bị đe dọa hạt nhân?
Những câu hỏi này có thể sẽ được đặt ra với ông Carter tại cuộc điều trần ở Thượng viện Mỹ trong tháng 1.2015, nhằm thông qua việc ông Obama đề cử ông Carter vào chức Bộ trưởng quốc phòng Mỹ.
Chưa có kinh nghiệm quân sự
Ông Carter, 60 tuổi, từng là Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ từ tháng 10.2011 đến tháng 12.2013, dưới quyền hai ông Leon Panetta và Chuck Hagel (từ chức ngày 24.11) và phụ trách thu mua vũ khí trong Lầu Năm Góc từ năm 2009 đến 2011, chỉ huy việc tái xây dựng chương chiến đấu cơ tàng hình F-35.
Ông này từng được đề nghị làm Bộ trưởng Quốc phòng khi ông Panetta từ chức, nhưng ông Obama đã chọn ông Hagel.
Vấn đề là liệu vị lãnh đạo Lầu Năm Góc thứ tư trong hai nhiệm kỳ của tổng thống Obama có chịu nổi sự kiểm soát “vĩ mô” của Nhà Trắng, điều mà các tiền nhiệm Hagel, Panetta và Robert Gates đã phàn nàn, rằng các trợ lý của Tổng thống Mỹ dễ nói lọt tai ông Obama hơn, thường cãi lại các đề xuất của lãnh đạo Lầu Năm Góc?
Nếu được Thượng viện chấp thuận, Bộ trưởng Quốc phòng mới không hề có kinh nghiệm quân sự sẽ đối diện nhiều mặt trận: Mỹ đánh quân khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) ở Iraq Syria, chuyện Mỹ cáo buộc Nga can thiệp vào Ukraine, nỗ lực toàn cầu kiềm chế tầm ảnh hưởng của Iran và sự trỗi dậy hung hăng của Trung Quốc.
Dựa vào chủ trương hạn chế quân đội Mỹ dính líu vào những cuộc chiến tốn kém của ông Obama, ông Carter sẽ là một cầu nối quan trọng giữa Nhà Trắng với các tướng ở Lầu Năm Góc.
Chuyên gia Trung Đông Aaron David Miller nói: “Các cuộc họp có thể sẽ được điều hành tốt hơn, nhưng những thách thức vẫn y nguyên đối với bất kể ai ngồi vào ghế chỉ huy Lầu Năm Góc”.
Người phát ngôn Nhà Trắng Josh Earnest nói “luôn có căng thẳng tự nhiên” giữa Nhà Trắng với Bộ Quốc phòng Mỹ, khi được hỏi về việc Dinh tổng thống kiểm soát Lầu Năm Góc quá chặt.
“Trên hết, tổng thống vẫn là tổng tư lệnh, nên rõ ràng ông ấy có tiếng nói đáng kể về những việc xảy ra tại Bộ này”.
"Ông cù lần" học cao
Ông Earnest không tiếc lời khen ngợi ông Carter, là một nhà kỹ trị giỏi, có trình độ trí thức cao: “Ông ấy có kinh nghiệm, học cao, không bị chính trị ảnh hưởng.
Tôi cho rằng ông ấy sẽ là một Bộ trưởng giỏi, và trình độ học thức của ông ấy sẽ góp phần cải tổ Bộ Quốc phòng”.
Ông Carter trước đây tương đối vô danh ở Washington, nhưng lại từng bị Tướng Martin Dempsey - chủ tịch Hội đồng liên quân Mỹ, hồi năm ngoái gọi là “anh siêu cù lần”, khi ông từ chức thứ trưởng.
Chữ “cù lần” trong tiếng lóng Mỹ là “wonk”, chỉ một học sinh vô danh chỉ lo học. Vì ông Carter đã lấy bằng cử nhân vật lý và lịch sử trung cổ của đại học Yale, bằng tiến sĩ vật lý lý thuyết đại học Oxford năm 1979. Ông còn là giảng viên của đại học Harvard.