Tham vọng "xóa sổ" Mỹ của TQ đang thành công đến khó tin

Kiều Tỉnh |

Chuyến thăm Anh của ông Tập Cận Bình không chỉ bó hẹp trong việc tăng cường quan hệ hai nước mà có tác động lớn tới bố cục chiến lược của "gã nhà giàu" Trung Quốc ở Châu Âu.

Ngay sau chuyến thăm Mỹ và trước thềm Hội nghị toàn thể TW 5 họp cuối tháng 10/2015, Chủ tịch Tập Cận Bình lại vội vã có chuyến thăm Vương Quốc Anh từ 19/10 – 23/10.

Dư luận cho rằng chuyến thăm này nằm trong chiến lược Châu Âu của Trung Quốc và có tầm quan trọng lớn đối với bố cục thế giới hiện nay.

Công du Anh sau kết quả nghèo nàn của chuyến đi Mỹ

Chuyến thăm Anh gấp rút của ông Tập cũng là chuyến công du đầu tiên của nguyên thủ Trung Quốc tới đây, sau chuyến thăm của cựu lãnh đạo Hồ Cẩm Đào 10 năm trước. Đây cũng là chuyến thăm đơn độc một nước lần thứ 4 của ông.

Kể từ khi lên nắm quyền, ông Tập Cận Bình thăm nhiều nước, nhưng chỉ có 4 lần thăm đơn độc một nước, đó là Nga vào tháng 3/2013, Hàn Quốc tháng 7/2014, Mông Cổ tháng 8/2014 và nay là Anh.

Điều này cho thấy tầm quan trọng của Vương quốc Anh nói riêng và Liên minh châu Âu (EU) nói chung đối với chiến lược Châu Âu của Trung Quốc.

Các nhà phân tích cho rằng chuyến thăm Mỹ của ông Tập hồi tháng 9 không đạt kết quả theo ý muốn, nhất là trong bối cảnh Mỹ đang tiến hành vận động tranh cử và Trung Quốc trở thành mục tiêu lên án của các ứng cử viên.

Năm tới Nhà Trắng sẽ có chủ mới, Tổng thống Obama và ê-kíp của ông sẽ rút khỏi vũ đài, nên không có bước đột phá nào trong quan hệ Mỹ - Trung.

Bởi vậy, chuyến thăm Mỹ của Chủ tịch Tập Cận Bình mang tính xã giao đáp lễ chuyến thăm Trung Quốc của ông Obama tháng 11/2014 là chính.

Đồng thời, Bắc Kinh muốn bày tỏ Trung Quốc luôn coi trọng quan hệ Trung-Mỹ dù đảng nào lên nắm quyền, hy vọng duy trì quan hệ hòa dịu với Mỹ thời gian tới.

Giáo sư Kim Xán Vinh, một chuyên gia về Mỹ thuộc Viện quan hệ quốc tế Trường Đại học Nhân dân Trung Quốc hôm 27/9 cũng cho rằng chuyến thăm Mỹ của ông Tập chỉ là “kịch bản cũ diễn lại” chứ không có gì mới.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) bắt tay Thủ tướng Anh David Cameron trong cuộc họp báo chung tại Số 10 phố Downing, London hôm 21/10. Ảnh: AP
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) bắt tay Thủ tướng Anh David Cameron trong cuộc họp báo chung tại Số 10 phố Downing, London hôm 21/10. Ảnh: AP

TPP làm Trung Quốc "thất thế"

Đáng lưu ý là Mỹ đã thành công thuyết phục các bên ký kết Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) tại Atlanta vào hôm 5/10 vừa qua.

Giới quan sát cho rằng đây là thắng lợi của Mỹ như là một đòn giáng vào Chiến lược “Một vành đai, Một trục đường” của Trung Quốc.

Ngày 6/10, phát biểu về TPP, Tổng thống Obama nói: “Mỹ sẽ không để Trung Quốc viết quy tắc kinh tế toàn cầu”.

Viện nghiên cứu Peterson dự kiến TPP mỗi năm có thể làm xuất khẩu của Trung Quốc giảm tới 100 tỉ USD. Tờ Washington Post của Mỹ thì cho rằng TPP là thắng lợi của Mỹ và là một thất bại của Trung Quốc.

TPP khẳng định vai trò chủ đạo của Mỹ về kinh tế chính trị, quân sự ở Châu Á – Thái Bình Dương.

Ý tưởng về Chiến lược ”Một vành đai, Một trục đường” được ông Tập đưa ra trong chuyến thăm Châu Âu năm 2013, sau đó được các nhà quyết sách nâng lên thành một chiến lược xuyên suốt để chỉ đạo chính sách đối ngoại cũng như đối nội của Trung Quốc.

Nòng cốt của chiến lược này lấy trục Bắc Kinh-Moscow-EU, trong đó EU lấy Anh, Đức, Pháp làm chính, từ đó hình thành thế “Hợp tung” (chiều sâu) chống lại thế “Liên hoành” (chiều ngang) của Mỹ ở Châu Á-Thái Bình Dương.

Thế “Hợp tung-Liên hoành” là những kiểu liên minh được hình thành từ thời Chiến Quốc cách đây hơn 2400 năm do hai nhà chiến lược là Tô Tần và Trương Nghi khởi xướng, tới nay được Trung Quốc vận dụng để chống lại thế bao vây của Mỹ ở Châu Á-Thái Bình Dương.


Hiệp định TPP được ký kết thành công đã trở thành mối đe dọa đối với chiến lược Một vành đai, một trục đường của Bắc Kinh.

Hiệp định TPP được ký kết thành công đã trở thành mối đe dọa đối với chiến lược "Một vành đai, một trục đường" của Bắc Kinh.

Bắc Kinh lôi kéo EU

Để thực thi “Một vành đai, Một trục đường”, thời gian qua ông Tập và Thủ tướng Lý Khắc Cường đã có các chuyến thăm Châu Âu, trong đó Lý Khắc Cường đã 7 lần thăm Châu Âu.

Chuyến thăm Pháp đầu tiên của ông Lý vào tháng 7/2015 được thực hiện sau 10 năm kể từ chuyến thăm của cựu Thủ tướng Ôn Gia Bảo.

Trong chuyến thăm này, ông Lý Khắc Cường đã thuyết phục Pháp tham gia vào “Một vành đai, Một trục đường” của Trung Quốc.

Trong khi đó, Đức là nước có quan hệ tốt với Trung Quốc, như trong thời gian cầm quyền, Thủ tướng Angela Merkel đã 7 lần tới thăm Trung Quốc.

Cải thiện quan hệ với EU trước tiên là ba nước hàng đầu Đức, Anh, Pháp nằm trong chiến lược lôi kéo EU ủng hộ “Một vành đai, Một trục đường” của Trung Quốc.

Thời gian qua, EU bị sa lầy trong khủng hoàng nợ công, vì vậy hầu như nước nào cũng muốn thoát khỏi cuộc khủng hoảng này và dự trữ ngoại tệ khổng lồ hơn 4.200 tỉ USD của Trung Quốc là nguồn tài chính mà nước nào cũng muốn khai thác.

Khi lên nắm quyền, Thủ tướng Anh David Cameron đã thực hiện nhiều biện pháp chính sách cải thiện quan hệ với Trung Quốc, nhất là Anh đã đi đầu ủng hộ nhiều đề xướng của Trung Quốc, như “Ngân hàng xây dựng hạ tầng cơ sở Châu Á” (AIIB) do Trung Quốc khởi xướng.

Hành động này của Anh đã lôi kéo Đức, Pháp, Italia cùng nhiều nước phương Tây thân Mỹ làm theo.

Anh đã thay đổi chính sách lên án nhân quyền đối với Trung Quốc, nhất là Bộ trưởng tài chính Anh George Osborne bất chấp sự phản đối mạnh mẽ của Mỹ và một số nước khác đã tới thăm Tân Cương hồi tháng 9/2015.

Robin Niblett, Giám đốc Viện nghiên cứu quốc tế Hoàng gia Anh tháng 5/2015 nói: “Giờ đây nước Anh không còn chủ động theo đuôi Mỹ như trước đây”.


Trung Quốc đang tìm cách lôi kéo và chia tách các nước châu Âu bằng nguồn dự trữ ngoại hối khổng lồ. (Ảnh minh họa)

Trung Quốc đang tìm cách lôi kéo và chia tách các nước châu Âu bằng nguồn dự trữ ngoại hối khổng lồ. (Ảnh minh họa)

Tham vọng "phi Mỹ hóa"

Trung Quốc muốn thực hiện tham vọng “phi Mỹ hóa” trên nhiều lĩnh vực.

Do đó, chuyến thăm đơn độc Vương quốc Anh sẽ có ý nghĩa rất lớn trong chiến lược Châu Âu của Trung Quốc, nhất là khi Washington đang hối thúc các nước EU, mà đầu tiên là "bộ ba" Anh, Đức, Pháp đàm phán ký kết Hiệp định đối tác xuyên Đại Tây Dương (TTIP).

Chính vì vậy mà ngày 18/8, cựu Thủ tướng Anh Tony Blair tuyên bố quan hệ hai nước bước vào “Thời kỳ hoàng kim”.

Bộ trưởng George Osborne cũng nhấn mạnh: "Nước Anh sẽ trở thành đối tác tốt nhất của Trung Quốc ở Phương Tây”, và Điện Buckingham đã đón tiếp Tập Cận Bình với nghi lễ long trọng nhất.

Chuyến thăm Anh lần này còn đặt cơ sở cho “Hội nghị lãnh đạo Trung Quốc-EU lần thứ 4” sẽ tổ chức năm 2016 tại Trung Quốc, khi đó các nước thành viên EU và nhất là lãnh đạo ba nước Anh, Pháp, Đức đều có mặt ở Bắc Kinh sẽ có ý nghĩa rất lớn.

Dư luận các nước cho rằng đây sẽ là một đối trọng làm cân bằng quan hệ Trung-Mỹ, đồng thời là một biện pháp ngăn chặn tác động của Mỹ và TTIP đối với “Một vành đai, Một trục đường” ở Châu Âu.

Ngoài ra, tình hình chính trị Hồng Kông mấy năm qua, nhất là năm 2014 trở nên bất ổn. Bởi vậy, qua chuyến thăm này Trung Quốc hy vọng London phải có trách nhiệm cùng với Bắc Kinh duy trì trật tự, ổn định ở Đặc khu hành chính này./.

 
TÁC GIẢ KIỀU TỈNH
Tác giả từng theo học tại Học viện Ngoại thương Bắc Kinh trong thập niên 1960, sau đó công tác tại TTXVN từ năm 1983 tới năm 2006. Từng là Trưởng Phân xã TTXVN tại Bắc Kinh từ 1984–1991, Trưởng Phân xã TTXVN tại Hồng Kông từ 1996-2001 và 2004–2006.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại