Hội nghị trung ương 5 Khóa 18 của ĐCS Trung Quốc (TW 5) sẽ được triệu tập từ 26-29/10, trong đó có 2 nghị trình chủ yếu là thông qua Kế hoạch 5 năm thứ 13 (2016-2020) và điều chỉnh nhân sự.
Tuy nhiên, việc điều chỉnh đội ngũ nhân sự cao cấp được dư luận các nước quan tâm hơn cả.
Tân Hoa Xã cho biết Hội nghị Bộ chính trị ĐCS Trung Quốc họp ngày 20/7/2015 tại Bắc Kinh đã quyết định triệu tập Hội nghị toàn thể TW5 Khóa 18 vào tháng 10/2015 với nghị trình chủ yếu là thảo luận Kế hoạch 5 năm thứ 13.
Đồng thời, hội nghị cũng đánh giá cuộc đấu tranh chống tham nhũng thời gian qua và tiếp tục có sự điều chỉnh nhân sự thời gian tới.
Năm 2015 là năm cuối cùng của Kế hoạch 5 năm thứ 12, từ năm 2016 Trung Quốc sẽ bước vào Kế hoạch 5 năm thứ 13.
Đây là Kế hoạch 5 năm đầu tiên của ông Tập Cận Bình kể từ khi lên nắm quyền và cũng là Kế hoạch 5 năm cuối cùng của mốc chiến lược “100 năm”, ngày thành lập ĐCS Trung Quốc (1921-2021).
Bởi vậy, nó có tầm quan trọng rất lớn, nhất là khi tốc độ tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc đang chậm lại.
Dù vậy, dư luận các nước chú ý hơn cả là vấn đề điều chỉnh nhân sự trong Hội nghị này, vì trước thềm Hội nghị, Trung Quốc liên tiếp cho công bố xử lý kỉ luật một số đảng viên, trong đó có 3 Ủy viên trung ương Khóa 18 mới bầu lên.
Hội nghị TW5 các khóa trước đều có điều chỉnh nhân sự lớn
Hội nghị toàn thể TW 5 của ĐCS Trung Quốc các khóa trước đây thông thường họp vào tháng 10 trong năm, nếu có những điều chỉnh nhân sự quan trọng có thể triệu tập vào thời gian khác hoặc có thể họp lùi lại muộn hơn theo kế hoạch đã định.
TW 5 Khóa 11 họp từ 23/2 tới 29/2/1980 tại Bắc Kinh, trong đó thông qua một quyết định quan trọng là đồng ý cho 4 người có dính líu tới cách mạng văn hóa từ chức là Uông Đông Hưng, Kỷ Đăng Khuê, Ngô Đức, Trần Tích Liên.
Hội nghị này cũng sửa sai và phục hồi danh dự uy tín cho cố Chủ tịch nước Lưu Thiếu Kỳ bị quy oan trong Cách mạng văn hóa.
TW 5 Khóa 12 họp ngày 24/9/1985 tại Bắc Kinh tại Bắc Kinh trong đó bầu bổ sung 6 ủy viên Bộ chính trị và 5 người vào Ban bí thư.
TW 5 Khóa 13 họp ngày 9/11/1989 tại Bắc Kinh thông qua quyết định đồng ý để Đặng Tiểu Bình thôi chức Chủ tịch quân ủy trung ương, bầu Giang Trạch Dân làm Chủ tịch quân ủy trung ương.
Dương Thượng Côn, Lưu Hoa Thanh làm Phó chủ tịch quân ủy trung ương, Dương Bạch Băng làm Thư ký quân ủy và vào Ban bí thư.
TW 5 Khóa 14 họp từ 25-28/9/1995 bầu bổ sung Trương Vạn Niên, Trì Hạo Điền làm Phó Chủ tịch Quân ủy trung ương, Vương Khắc, Vương Thụy Lâm làm ủy viên, đồng thời bầu bổ sung thêm 2 ủy viên trung ương, thông qua vụ án Trần Hy Đồng.
TW 5 Khóa 15 họp từ 9/10 tới 11/10/2000 bầu bổ sung thêm 3 ủy viên trung ương.
TW 5 khóa 16 họp từ 8-11/10/2005 không có điều chỉnh nhân sự.
TW 5 Khóa 17 họp từ 15-18/10/2010 bầu bổ sung Tập Cận Bình làm Phó chủ tịch quân ủy trung ương, Phó Chủ tịch nước, đồng thời cách chức 1 ủy viên trung ương.
TW 5 Khóa 18 và vấn đề điều chỉnh nhân sự
Hội nghị toàn thể TW 5 Khóa 18 sẽ họp từ ngày 26/10 tới 29/10/2015 tại Bắc Kinh. Tờ “Thương báo” Hồng Kông vừa qua cho biết theo kế hoạch Hội nghị sẽ tiến hành từ 12/10 tới 14/10/2015, nhưng do có điều chỉnh nhân sự quan trọng nên đã lùi lại tới 26/10 – 29/10/2015.
Kể từ khi cuộc đấu tranh chống tham nhũng phát động năm 2013 tới nay, Trung Quốc đã xử lý 9 ủy viên trung ương và 11 ủy viên trung ương dự khuyết, 35 tướng lĩnh, hơn 100 cán bộ chủ chốt các tỉnh, thành phố và Khu tự trị.
Theo Tờ “Tân Kinh Báo”, Trung Quốc đã điều chỉnh 30 cán bộ cấp Bộ, Thứ trưởng và 27 quan chức lãnh đạo cấp địa phương.
Nhưng một số cương vị lãnh đạo chủ chốt ở cấp trung ương và địa phương vẫn còn khiếm khuyết, hơn nữa trong năm 2015 có 6 cán bộ cấp Bộ và Ủy ban tới tuổi về hưu, năm 2016 có 7 người nữa sẽ về hưu.
Ngoài ra, cần bầu bổ sung một số ủy viên trung ương thay thế những người đã bị xử lý, nên dư luận cho rằng Hội nghị lần này sẽ có một số điều chỉnh quan trọng.
Mạng tin “Đông Phương” Hồng Kông ngày 15/10/2015 cho biết hiện nay Bộ chính trị có 25 người nhưng chưa có ủy viên dự khuyết.
Vì vậy, Hội nghị lần này có thể bầu bổ sung 1-2 ủy viên dự khuyết Bộ chính trị, trong đó có hai ứng cử viên sáng giá là Dương Tinh Chinh, Bí thư trung ương, Chánh thư ký Quốc vụ viện và Hoàng Hưng Quốc hiện là Bí thư thành ủy Thiên Tân.
Theo tờ “Thương Báo” Hồng Kông số ra cuối tháng 9/2015, đáng lưu ý là Quân ủy trung ương lần này sẽ có điều chỉnh. Hiện nay Quân ủy trung ương có 10 người, trong Hội nghị này có thể tăng lên tới 15 người.
Hai nhân vật sáng giá có thể trở thành Phó Chủ tịch Quân ủy trung ương lần này một là Thượng tướng Lưu Nguyên, Chính ủy Tổng cục hậu cần; hai là Thượng tướng Trương Hựu Hiệp, Ủy viên quân ủy, Tổng cục trưởng Tổng cục vũ khí trang bị.
Lưu Nguyên (con trai của Lưu Thiếu Kỳ) năm nay 65 tuổi. Ông và Chủ tịch Tập Cận Bình cùng cảnh ngộ như trước đây đều xuống lao động ở công xã và trưởng thành từ nông thôn. Tập Cận Bình về tỉnh Hà Bắc, còn Lưu Nguyên về tỉnh Hà Nam.
Thời gian qua, Lưu Nguyên đã góp phần quan trọng phanh phui tình trạng tham nhũng của các tướng Từ Tài Hậu, Quách Bá Hùng, Cốc Tuấn Sơn và một số tướng khác.
Dư luận cho rằng Lưu Nguyên sẽ là Phó Chủ tịch quân ủy, giữ chức Bí thư Ban kiểm tra kỉ luật quân đội.
Ban kiểm tra này sẽ tách khỏi Tổng Cục chính trị trở thành cơ quan độc lập trực thuộc Quân ủy. Tướng Trương Hựu Hiệp là con trai của tướng Trương Tông Tốn.
Trương Tông Tốn thời kỳ Mao Trạch Đông từng là Tư lệnh Dã chiến quân Thiểm Cam Ninh, trong khi đó Tập Trọng Huân (phụ thân của Chủ tịch Tập Cận Bình) là Chính ủy, nên hai người hiện nay rất tâm đầu ý hợp.
Ngoài, ra trong Hội nghị này sẽ thông qua chương trình cải cách quân đội và giảm 300.000 quân, đồng thời sẽ hoàn chỉnh nhân sự các ban lãnh đạo địa phương.
Tập Cận Bình muốn "tô đậm màu sắc" thời kỳ lãnh đạo của ông và giảm bớt ảnh hưởng từ "cái bóng" của những người tiền nhiệm.
Triển vọng sau TW 5 Khóa 18
Khi Chủ tịch Tập Cận Bình lên nắm quyền thì “màu sắc Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào” còn rất đậm. Báo chí Trung Quốc cho rằng đặc điểm nổi bật trong thời kỳ hai ông nắm quyền là kinh tế tăng trưởng cao nhưng tham nhũng lộng hành dẫn tới nguy cơ “mất đảng mất nước”.
Ngay Chủ tịch Tập Cận Bình đã thừa nhân “hiện nay chúng ta đang phải dựa vào một đội ngũ đông đảo quan chức tham nhũng để quản lý đất nước” (phát biểu tháng 2/2014 với cán bộ cấp cao).
Bởi vậy, ông đã tiến hành điều chỉnh lại toàn bộ phương châm và đường lối chiến lược phát triển, trong đó sử dụng công cụ hữu hiệu là “Chống tham nhũng” để tiến hành điều chỉnh nhân sự, vừa được lòng dân vừa cải tổ lại bộ máy cơ quan Đảng và Nhà nước.
Những điều chỉnh quan trọng này sẽ giúp ông có một ê-kip lãnh đạo mạnh mẽ, trong sạch hơn nhằm thực hiện được “Giấc mộng Trung Quốc” và củng cố địa vị lãnh đạo.
Có thể nói rằng TW5 Khóa 18 là mốc quan trọng đánh dấu công tác điều chỉnh cơ bản hoàn thành, “màu sắc Tập Cận Bình” đậm nét hơn, dọn đường cho ông tiếp tục nhiệm kỳ hai trong ĐH 19 họp năm 2017 nhằm thực hiện những mục tiêu do ĐH 18 đề ra./.