Nhiều nước châu Âu "ngả vào Trung Quốc"
Tạp chí Süddeutsche Zeitung của Đức đưa tin, cựu Ủy viên thương mại Liên minh châu Âu Karel De Gucht từng tuyên bố hồi năm 2013 trong chuyến công du Bắc Kinh rằng "Trung Quốc đang phân hóa châu Âu".
Khi ông khởi động cuộc điều tra chống bán phá giá nhằm vào các nhà sản xuất ngành quang điện của Trung Quốc, nhiều quốc gia châu Âu đã cản trở quan chức này bởi lo ngại tổn thất trong hoạt động kinh doanh.
Đức - quốc gia có tiếng nói lớn nhất ở Liên minh châu Âu (EU) - chính là nước đi đầu trong các hành động này, Karel De Gucht cho biết.
Vài ngày sau khi De Gucht kết thúc chuyến công du Trung Quốc, Thủ tướng Anh David Cameron dẫn đầu đoàn đại biểu quy mô lớn tới Bắc Kinh, vào tháng 12/2013. Ông Cameron chúc mừng những mối hợp tác đạt được như dự định.
Còn mới đây, theo Süddeutsche Zeitung, nước Anh đã tiến thêm một bước khi "trải thảm đỏ sặc sỡ" để tiếp đón ông Tập Cận Bình hôm 19.
Theo tờ báo Đức, trong vài ngày và các tuần tiếp theo, cộng đồng quốc tế sẽ được chứng kiến những lãnh đạo chủ chốt của châu Âu lần lượt gặp gỡ nhà lãnh đạo Trung Quốc.
Sau chuyến thăm Anh của ông Tập, Thủ tướng Đức Angela Merkel sẽ tới Bắc Kinh vào cuối tháng 10, trong khi Tổng thống Pháp Francois Hollande cũng thăm Trung Quốc vào đầu tháng 11.
Theo Süddeutsche Zeitung, quốc gia châu Âu đang "ngả vào Trung Quốc" nhất ở thời điểm hiện tại chính là Anh. Tờ này cho rằng London đang tìm cách lấy lòng Bắc Kinh bằng mọi giá.
Ông Tập phát biểu trước Quốc hội Anh hôm 20/10. Ảnh: Xinhua
Chiến thuật "chia để trị" của Trung Quốc
Tạp chí The Observer (Anh) hôm 24/9 thậm chí còn chỉ trích nặng nề Thủ tướng Cameron và Bộ trưởng tài chính Anh George Osborne "chưa bao giờ cúi đầu trước Trung Quốc như thế trong lịch sử", và "cuộc khủng hoảng ngoại giao" này sẽ đem lại hậu quả nghiêm trọng.
Süddeutsche Zeitung cho hay, ông Osborne đã không hề "đả động" đến các vấn đề nhạy cảm như tình hình căng thẳng ở biển Đông hay các doanh nghiệp châu Âu bị phân biệt đối xử ở Trung Quốc.
Ngược lại, Bộ trưởng tài chính Anh ca ngợi mối quan hệ với Trung Quốc đang bước vào "thời đại hoàng kim" và hứa hẹn: "Chúng tôi hy vọng trở thành đối tác tốt nhất của Trung Quốc ở phương Tây."
Ông Karel De Gucht từng kêu gọi: "Chúng ta (châu Âu) cần bình tĩnh trong mối quan hệ với Trung Quốc."
Cựu quan chức EU cho rằng, người ta cảm thấy sự bình tĩnh ít hơn bất cứ lúc nào, ngược lại cuộc cạnh tranh để "câu kéo" Bắc Kinh giữa các nước châu Âu đã "nóng" tới mức đáng kinh ngạc.
Xu thế này trở nên rõ ràng hơn khi Trung Quốc ngày càng trở linh hoạt trên trường quốc tế và bắt đầu tạo được sức ảnh hưởng lên các quy tắc toàn cầu, trong khi sự chia rẽ nội bộ khiến châu Âu mất dần ảnh hưởng thực tế đối với Bắc Kinh.
Theo Süddeutsche Zeitung, điều đáng lo ngại là nhiều nước châu Âu đang "chạy theo Trung Quốc" một cách tự nguyện mà chưa cần Bắc Kinh phải đẩy mạnh hoạt động phân hóa.
Tạp chí này phân tích, Trung Quốc có ý đồ áp đặt ảnh hưởng lên châu Âu, được thể hiện rõ qua nhiều đề xuất của nước này, ví dụ như cơ chế "16+1" giữa Trung Quốc và 16 nước Trung Âu, Đông Âu (trong đó 11 nước là thành viên EU).
Ngay từ khi thiết lập vào 2 năm trước, cơ chế nói trên đã khiến Brussels lo ngại. Khi Trung Quốc khởi xướng thành lập Ngân hàng đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB), sự cạnh tranh và mâu thuẫn tại châu Âu cũng để lại ấn tượng sâu sắc đến nay.
Tạp chí Süddeutsche Zeitung nhận xét, nguyên nhân dẫn đến cái nhìn hạn hẹp của người châu Âu đối với Trung Quốc một phần do cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu và tình trạng kinh tế suy giảm ở một số nước phương Tây.
Khó khăn về kinh tế đã khiến không ít quốc gia đặt kỳ vọng rằng các giải pháp chính trị (mở rộng quan hệ với Trung Quốc) có thể đem lại lợi ích về kinh tế đơn thuần.
Bên cạnh đó, hàng loạt vấn đề lớn mà Ủy ban châu Âu phải đối mặt như nợ công của Hy Lạp, khủng hoảng Ukraine và cuộc khủng hoảng di cư đáng khiến họ không còn không gian và thời gian "để mắt" đến Trung Quốc nữa.