Thái độ "đu dây" và sự kiệm lời hiếm thấy của Mỹ trong vụ Su-24

Đức Huy |

Thông thường trong những vụ việc nghiêm trọng tại khu vực có ảnh hưởng tới lợi ích quốc gia của mình, Mỹ sẽ không "kiệm lời". Nhưng trong vụ Su-24 bị bắn hạ thì lại khác.

Mỹ khổ sở làm công tác "trung gian hòa giải"

Trong phiên họp báo hôm 30/11 vừa qua, bộ Ngoại giao Mỹ cho biết máy bay Nga bị bắn rơi tuần trước đã vi phạm không phận của Thổ Nhĩ Kỳ. Hôm nay, 1/12, ông Obama cũng tuyên bố Mỹ "ủng hộ quyền được bảo vệ chủ quyền không phận" của Ankara.

Có thể thấy đây là những cái "vỗ vai" Washington dành tặng đồng minh NATO của họ trong cuộc khẩu chiến hậu Su-24 với Nga.

Tuy nhiên, theo tạp chí Foreign Policy, nếu để ý sẽ thấy Mỹ không hề nói rằng họ đồng tình với quyết định bắn hạ Su-24 mà phía Ankara đưa ra, và đây rõ ràng cũng là một sự tính toán cẩn trọng của Mỹ để tránh làm phật ý bất kì phía nào trong vụ lùm xùm này.

Qua các phát ngôn từ phía Mỹ, có thể khẳng định Nhà Trắng đang đóng vai trò trung gian hòa giải trong vụ việc lần này, để hạn chế tối đa căng thẳng leo thang giữa Ankara và Moscow.

Với Mỹ lúc này, căng thẳng Nga-Thổ là điều họ không muốn một chút nào. Ảnh: TASS
Với Mỹ lúc này, căng thẳng Nga-Thổ là điều họ không muốn một chút nào. Ảnh: TASS

Giải thích cho cách tiếp cận của Mỹ, tạp chí Foreign Policy cho rằng, hiện Washington một mặt đang rất cần sự hỗ trợ của phái Nga trong tiến trình giải quyết vấn đề nội chiến Syria, do đó dù là thành viên chủ chốt của NATO nhưng Mỹ vẫn không thể chỉ trích Nga quá lời.

Mặt khác, Thổ Nhĩ Kỳ cũng là một nước "có máu mặt" ở Trung Đông, hơn nữa lại là thành viên NATO, do đó Mỹ thấy rằng chí ít họ cũng phải đồng tình với các chi tiết trong tường trình của Ankara để tránh làm phật ý đồng minh của mình.

Hiện nay, Mỹ đang cố gắng "đu dây" giữa hai bên, đồng thời, như những gì phát ngôn viên bộ Ngoại giao Elizabeth Trudeau đã nói hôm 30/11, nhấn mạnh sự cần thiết của việc đối thoại.

Đáng chú ý, bộ Ngoại giao Mỹ đưa ra các phát biểu này ngay sau cuộc gặp bên lề hội nghị LHQ về biến đổi khí hậu tại Paris giữa Tổng thống Barack Obama và người đồng cấp bên phía Nga Vladimir Putin.

Tại đây, ông Obama đã tìm cách "xoa dịu" ông Putin với việc bày tỏ sự tiếc thương cho phi công Su-24 cũng như phi công lái trực thăng cứu hộ, điều mà NATO không hề nói.

Giám đốc cục nghiên cứu trung đông - CNI
Andrew Bowen
Ông Obama đang 'đu dây' giữa một bên là những phát ngôn ủng hộ quyết định tự vệ của đồng minh NATO, và một bên là mong muốn tránh không để vụ việc ảnh hưởng tới tiến trình đàm phán ở Syria với Nga.

Dù Nga vẫn cương quyết không từ bỏ việc ủng hộ Tổng thống Bashar al-Assad, nhưng các nước phương Tây đang cho thấy họ sẽ bỏ lại sau lưng bất đồng này để hướng tới một hiệp ước ngừng bắn tại Syria.

Các nước Mỹ, Nga, Anh, Iran, Saudi Arabia, và Pháp đã kí một thỏa thuận chung tại Vienna hôm 14/11 vừa qua, trong đó đưa ra thời hạn đến ngày 1/1/2016 để bắt đầu tiến trình đàm phán giữa quân đội chính phủ Syria và lực lượng nổi dậy.

Tuy nhiên, hai "nhân vật chính" trong thỏa thuận này vẫn chưa đồng ý với thời hạn 1/1/2016 nói trên.

Mong muốn đẩy mạnh tiến trình ngoại giao này chịu ảnh hưởng không nhỏ từ vụ tấn công khủng bố mới đây của Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) tại Paris hôm 13/11, cũng như vụ máy bay Nga bị bắn rơi tại bán đảo Sinai, Ai Cập.

Các cơ quan tình báo phương Tây trước đây luôn cho rằng IS sẽ chỉ tập trung mở rộng Nhà nước tự xưng của chúng tại Trung Đông, nhưng nay tổ chức này đang ngày càng cho thấy chúng sẵn sàng nhắm vào các mục tiêu nước ngoài.

Do đó, sự hợp tác giữa các nước lớn, những mục tiêu ưa thích của khủng bố, là cần thiết. Tuy nhiên, vụ Su-24 vừa qua đã ảnh hưởng không nhỏ tới viễn cảnh các ông lớn bắt tay tại Syria.

Và dù không thể hiện qua phát ngôn, nhưng Mỹ và các nước NATO nhiều khả năng đang rất bất bình với cách phản ứng của phía Thổ Nhĩ Kỳ. Điều này cũng phần nào lý giải vì sao Mỹ khá kiệm lời trong việc đưa ra quan điểm của mình trong vụ việc này.

NATO chắc chắn sẽ không thể hài lòng với quyết định của Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: AP
NATO chắc chắn sẽ không thể hài lòng với quyết định của Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: AP

Một số nhà quan sát cho rằng thái độ "đu dây" của Mỹ sẽ phản tác dụng và khiến Washington mất đi sự tôn trọng của cả Nga lẫn Thổ Nhĩ Kỳ.

"Thái độ này của Mỹ sẽ khiến Nga ngầm hiểu rằng ông Obama đang ở thế sẵn sàng chấp nhận đánh đổi mọi thứ để có được hòa bình tại Syria" - Andrew Tabler, chuyên gia nghiên cứu Syria tại Trung tâm Chính sách Cận Đông - Học viện Washington, phát biểu.

Trong khi đó, một số khác cho rằng Mỹ không có lựa chọn nào khác ngoài việc giảm căng thẳng bằng cách "đu dây" giữa hai phía.

"Với việc máy bay Nga và Mỹ đang hoạt động chung một không phận, rủi ro sẽ là quá lớn nếu Washington khiến tranh cãi giữa Erdogan và Putin ảnh hưởng tới sự hợp tác Nga-Mỹ tại Syria" - ông Bowen nhận định.

Thái độ của Ankara

Một lý do khác khiến Mỹ không thể hiện thái độ ủng hộ rõ ràng với Thổ Nhĩ Kỳ là thái độ thiếu hợp tác của Ankara trong cuộc chiến chống IS.

Dù đã nhiều lần được kêu gọi, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn chưa kiểm soát chặt đường biên giới 100 km với Syria, nơi Mỹ cho rằng rất nhiều phần tử IS đang được chiêu mộ. Ngoài ra, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn đang công kích lực lượng người Kurd, cánh tay phải của Mỹ tại Syria.

"Với việc chỉ ủng hộ Thổ Nhĩ Kỳ một cách hời hợt trong cuộc khẩu chiến với Nga, Mỹ đang muốn cho Erdogan hiểu rằng ông ta không thể coi sự ủng hộ từ Washington như một thứ gì đó có sẵn" - Joshua Landis, chuyên gia nghiên cứu Syria tại Đại học Oklahoma, nhận định.

Tóm lại, có quá nhiều lý do để lý giải quyết định áp dụng một cách tiếp cận không giống với bản chất của Mỹ một chút nào trong vụ Su-24 lần này.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại