Vì khủng hoảng nhập cư, EU buộc phải "chiều lòng" Thổ Nhĩ Kỳ

Đức Dũng |

Sau khi bị Nga áp đặt các lệnh cấm vận kinh tế, Thổ Nhĩ Kỳ đã đạt được những bước tiến lớn trong quan hệ với EU khi liên minh này buộc phải thực hiện các bước đi nhằm "lấy lòng" Thổ Nhĩ Kỳ để giải quyết cuộc khủng hoảng nhập cư đang đe dọa toàn EU.

Hội nghị Thượng đỉnh EU-Thổ Nhĩ Kỳ được tổ chức ngày 29/11 ở Brussels, Bỉ đã đem lại những kết quả tốt đẹp cho cả hai bên.

Thổ Nhĩ Kỳ nhận được các lợi ích về kinh tế và lời cam kết của EU về việc sẽ hủy quy chế visa bắt buộc đối với công dân Thổ Nhĩ Kỳ khi đến các nước EU, cũng như khả năng sẽ trở thành thành viên EU trong thời gian tới.

Trong khi đó, EU cũng có thể giải quyết được bài toán khủng hoảng nhập cư với những cam kết từ phía Thổ Nhĩ Kỳ.

Theo những giải pháp đã đạt được trong phiên họp ngày 29/11, EU sẽ cung cấp cho Thổ Nhĩ Kỳ khoản tiền 3 tỷ USD trợ giúp tài chính để nước này tiến hành các cuộc cải cách theo hướng giúp những người buộc phải rời khỏi đất nước mình tìm được vị trí và công việc thích hợp để không phải di cư đến châu Âu.

Với số tiền này, Thổ Nhĩ Kỳ có thể tiếp nhận thêm 2 triệu người di cư từ Syria. Ngoài ra, Thổ Nhĩ Kỳ còn sẽ nhận được những đền bù từ việc từ chối sử dụng lao động giá rẻ từ những người di cư.

Ngoài ra, để thuyết phục Thổ Nhĩ Kỳ giúp làm giảm gánh nặng đối với việc tiếp nhận người di cư, EU cũng cam kết sẽ tiến hành các cuộc đàm phán với Thổ Nhĩ Kỳ về vấn đề quy chế thành viên trong EU của nước này.

Quá trình liên kết với EU của Thổ Nhĩ Kỳ đã được các bên quyết định nối lại dù vẫn chưa rõ hình thức cụ thể sẽ như thế nào.

Theo giới phân tích, trong trường hợp nếu như Ankara có thể kìm được dòng người nhập cư vào châu Âu thì nhiều khả năng EU sẽ thực hiện ngay quy chế miễn thị thực cho công dân Thổ Nhĩ Kỳ vào năm 2016. “Hôm nay (29/11) là một ngày lịch sử.

Tôi cảm ơn tất cả các đồng nghiệp EU vì sự khởi đầu mới trong quá trình liên kết của chúng ta”- Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Akhmet Davutoglu nhấn mạnh.

Châu Âu đang buộc phải nhượng bộ Thổ Nhĩ Kỳ?

Trước khi Hội nghị Thượng đỉnh EU-Thổ Nhĩ Kỳ được tổ chức, các nhà lãnh đạo EU đã lên tiếng khẳng định họ đang chờ đợi Thổ Nhĩ Kỳ thực hiện các biện pháp cần thiết, trong đó có cả các biện pháp quân sự nếu cần, để kiểm soát dòng người di cư.

Để thuyết phục Thổ Nhĩ Kỳ thực hiện các hành động này, các nước châu Âu đã phải có những nhượng bộ đáng kể, nhất là Pháp. Từ những năm 2000, giới lãnh đạo Pháp liên tục đưa ra những phát biểu cứng rắn về việc không chấp nhận kết nạp Thổ Nhĩ Kỳ vào EU.

Đến năm 2012, Hội đồng Dân tộc của đảng Cộng hòa Pháp còn thông qua đạo luật cấm phủ nhận thảm họa diệt chủng vào năm 1915 (quan điểm quốc tế cho đến nay vẫn cho rằng đế chế Ottoman phải chịu trách nhiệm về vụ thảm sát này), bất chấp việc Tòa án Hiến pháp Pháp đã hủy bỏ điều luật này.

Tại lễ kỷ niệm 100 năm thảm họa này, đích thân ông Hollande và Tổng thống Nga Putin đã có mặt và điều này gây nên những phản ứng tiêu cực từ phía Thổ Nhĩ Kỳ.

Tuy nhiên, việc không thể giải quyết được cuộc khủng hoảng nhập cư khiến giới lãnh đạo Pháp phải thay đổi quan điểm của mình và có những nhượng bộ đáng kể đối với Thổ Nhĩ Kỳ.

Trong tháng 11 năm nay (2015), Thủ tướng Pháp Manuel Valls tuyên bố rằng Đức đã sai lầm khi thực hiện chính sách mở cửa đối với dòng người nhập cư: “Việc tiếp nhận người nhập cư là sự lựa chọn nhân đạo nhưng Pháp sẽ không thực hiện chính sách này”.

Theo Thủ tướng Pháp, quan điểm này của Pháp nhận được sự ủng hộ của không chỉ các nước phía Đông mà cả của các nước phía Tây nước Đức.

Khủng hoảng di cư đang làm tan nát EU.
Khủng hoảng di cư đang làm "tan nát" EU.

Bối cảnh tình hình khủng hoảng nhập cư ở châu Âu khiến các nước EU coi việc trợ giúp cho Thổ Nhĩ Kỳ là giải pháp duy nhất vì việc kiềm chế hay thúc đẩy người di cư tiến vào châu Âu phần lớn phụ thuộc vào các quyết sách của Ankara.

Tuy nhiên, ngoài việc đòi hỏi nhận được các trợ giúp về kinh tế, Thổ Nhĩ Kỳ còn có thể đưa ra những đòi hỏi lớn hơn đối với EU là phương Tây phải từ bỏ thực hiện các chiến dịch quân sự trên bộ chống IS.

Quan hệ "mờ ám" giữa Thổ Nhĩ Kỳ với IS

Ngay trước khi khai mạc Hội nghị Thượng đỉnh EU-Thổ Nhĩ Kỳ, Đức đã đưa ra tuyên bố về việc sẽ cử 1.200 binh sỹ tham chiến ở Syria.

Mặc dù đây là giải pháp thể hiện sự đoàn kết với nước Pháp nhưng hiện giới lãnh đạo EU vẫn chưa tính đến khả năng sẽ can thiệp quân sự trực tiếp vào Syria.

Mỹ và phương Tây vẫn quan ngại khả năng không chỉ chịu tổn thất về người mà còn có thể làm cực đoan hóa những phần tử Hồi giáo nổi loạn.

Việc một quốc gia nào đó tiến hành hỗ trợ cho chính quyền ông Al-Assad là điều khó có thể chấp nhận đối với phương Tây vì những lý do chính trị khác nhau.

Theo tính toán của phương Tây, người Kurd có thể là giải pháp thay thế cho chính quyền của ông Al-Assad nên phương Tây đã tính đến khả năng cung cấp vũ khí cho nhóm “Các lực lượng tự vệ dân tộc” (YPG)- lực lượng đang chiếm đóng vị trí chỉ cách thủ phủ Rakka của IS 24 km để lực lượng này tiến hành chiến dịch trên bộ chống IS.

Kế hoạch này đang vấp phải sự phản đối quyết liệt của Ankara. Trong suốt lịch sử của mình, Ankara luôn tiến hành các cuộc chiến chống lại phong trào ly khai của người Kurd.

Những nỗ lực của Ankara đã có kết quả nhất định khi thuyết phục được phương Tây công nhận lực lượng “Đảng lao động người Kurd” (PKK) là tổ chức khủng bố.

Trong khi đó, YPG đang là đối thủ đáng gờm nhất của IS và YPG lại có mối quan hệ rất chặt chẽ với PKK. Chính vì vậy, việc EU tăng cường gắn bó với Thổ Nhĩ Kỳ sẽ làm mối quan hệ giữa phương Tây với lực lượng người Kurd sẽ trở nên phức tạp hơn.

Từ những vấn đề trên, việc EU đồng ý tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh với Thổ Nhĩ Kỳ cho thấy, mặc dù nước phải phải gánh chịu các vụ khủng bố đẫm máu ngày 13/11 và mối quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ- Nga đang trong giai đoạn cực kỳ căng thẳng, vấn đề quan trọng nhất đối với EU trong giai đoạn hiện nay là giải quyết cuộc khủng hoảng nhập cư.

Vì mục đích này, EU sẵn sàng để vấn đề tiến hành cuộc chiến chống IS xuống hàng quan tâm thứ yếu.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại