Điểm sáng duy nhất
BBC nhận định rằng, điểm sáng duy nhất trong bài phát biểu của Tổng thống Obama trước toàn thể người dân nước Mỹ vào tối ngày 10/9 (theo giờ địa phương) là câu khẳng định: "Quân đội Mỹ không làm những điều tầm thường".
Chủ tịch Ủy ban tình báo Hạ viện, nghị sĩ Mike Rogers, một trong số ít các Đảng viên Đảng Cộng hòa ra tín hiệu đánh tiếng ủng hộ kế hoạch tấn công của Tổng thống, cho rằng bài phát biểu của ông Obama cần phải có sức thuyết phục hơn.
Trong khi đó, trên trang Twitter của mình, Thượng nghị sĩ Lindsey Graham đánh giá bài phát biểu của Tổng thống Obama là "thiếu nhiệt huyết".
Thượng nghị sĩ John McCain.
Cả ông Graham và Thượng nghị sĩ John Mc Cain, vốn là những người ủng hộ mạnh mẽ việc tấn công quân sự vào Syrira, tỏ ra hoài nghi rằng Tổng thống Obama không đưa ra một kế hoạch cụ thể hơn nhằm xác minh việc Syria có tuân thủ đề xuất của Nga.
"Chúng tôi tiếc rằng ông Obama đã không phát biểu một cách mạnh mẽ hơn về sự cần thiết phải gia tăng viện trợ quân sự nhằm kiềm chế lực lượng đối lập ở Syria... Chúng tôi rất tiếc khi ông ấy không đưa ra một kế hoạch rõ ràng hơn nhằm kiểm tra sự nghiêm túc của đề xuất chuyển giao quyền kiểm soát vũ khí hóa học Syria cho cộng đồng quốc tế".
Nghị sĩ Mike Thompson cho biết: "Sau nhiều cuộc họp của ủy ban tình báo, tôi vẫn hoài nghi về tính hiệu quả của một cuộc tấn công quân sự có giới hạn của Mỹ nhằm giảm khả năng của ông Assad trong việc tiến hành tấn công vũ khí hóa học hoặc ngăn chặn ông này sử dụng vũ khí hủy diệt hàng loạt trong tương lai".
Chờ một giải pháp hòa bình
Các nghị sĩ, đặc biệt là từ đảng Dân chủ, được cho là đã chờ đợi bài phát biểu này trước khi đưa ra quyết định lựa chọn có nên ủng hộ cho giải pháp sử dụng vũ lực đối với Syria hay không. Song, sau bài phát biểu, điều họ chú ý nhiều hơn lại là đề xuất ngoại giao của Nga, dường như đều ủng hộ quyết định hoãn bỏ phiếu trong Quốc hội trong khi chờ đợi một cuộc đàm phán với Nga về kế hoạch giải trừ vũ khí hóa học ở Syria.
Thậm chí, rất nhiều đảng viên Đảng Dân chủ, những người nhiệt liệt ủng hộ một cuộc tấn công quân sự vào Syria cũng hoan nghênh việc ông Obama theo đuổi đề xuất từ phía Nga.
Nghị sĩ Đảng Dân chủ Kirsten Gillibrand.
Theo nghị sĩ Đảng Dân chủ ở New York Kirsten Gillibrand, "một giải pháp ngoại giao đáng tin cậy từ LHQ là kết quả tốt nhất có thể đối với Mỹ và cộng đồng thế giới... Chúng ta phải sử dụng triệt để cơ hội đang trên đà tiến triển này trước khi quyết định có nên phê duyệt hành động quân sự của Mỹ hay không".
Nghị sĩ Graham cho rằng: "Cũng giống như tất cả người Mỹ, tôi hi vọng có thể đạt được một giải pháp ngoại giao. Tuy nhiên, tôi hoài nghi về bất cứ đề xuất nào từ người Nga và nghi ngờ động cơ của Assad khi đồng ý với kế hoạch này... Một mối đe dọa có thật về việc sử dụng sức mạnh quân sự sẽ vẫn phải được cân nhắc ngay cả khi các nỗ lực ngoại giao có hi vọng thành công. Vũ khí hóa học chỉ là một trong rất nhiều những mối đe dọa an ninh quốc gia mà chúng ta phải đối mặt tại Syria, và điều cấp thiết là Tổng thống cần phải phát triển và tiến hành một chiến lược chặt chẽ nhằm giải quyết tất cả những mối đe dọa này".
Trong khi đó, nghị sĩ Mike Crapo cho hay: "Tất nhiên, chúng ta nên theo đuổi lựa chọn này, nhưng đừng quên rằng chúng ta đang đối mặt với ai... Bất cứ nghị quyết nào cũng cần phải có liên quan tới việc Syria sẽ công khai tất cả các loại vũ khí hóa học của mình, ngay lập tức cho phép phá hủy nó và cho phép các cuộc kiểm tra được tiến hành liên tục nhằm đảm bảo rằng quốc gia này tuân thủ cam kết. Một thỏa thuận như vậy cần phải được thúc giục, ràng buộc, kiểm chứng và chịu các hình thức trừng phạt đã được định trước nếu không tuân thủ".
Bài vở và ý kiến đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về địa chỉ email: thegioi@soha.vn. Trân trọng!