Cuộc khủng hoảng ở Syria đã cho toàn thế giới thấy một cuộc đấu trí giữa hai chính khách có tầm ảnh hưởng lớn nhất thế giới là Tổng thống Nga Putin và Tổng thống Mỹ Obama.
Nhiều chuyên gia phân tích quốc tế cho rằng Putin đang dẫn điểm trước Obama trong vấn đề Syria
Một Putin quyết liệt...
Ngay từ khi Mỹ có dấu hiệu muốn can thiệp quân sự vào Syria, Putin đã thể hiện thái độ cứng rắn của mình, trước hết là trên mặt trận ngoại giao. Tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, Nga đã sử dụng một cách triệt để quyền phủ quyết của mình để ngăn cản một cuộc can thiệp quân sự núp bóng dưới danh nghĩa tổ chức này.
Trong năm 2011, Mỹ đã hai lần đệ trình Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc thông qua lệnh trừng phạt với Syria nhưng đều bị Nga phủ quyết. Nga tuyên bố tình hình Syria là do người dân Syria tự quyết định, không ai có thể phản bác lại lập trường này.
Nga luôn phủ quyết nghị quyết cho phép hành động tấn công vào Syria
Song song với đó, đội tàu chiến Nga do tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov dẫn đầu đóng tại cảng Tartus luôn được đặt trong tình trạng báo động để sẵn sàng đối phó những biến cố có thể xảy ra. Một khi Putin đã điều tàu sân bay duy nhất của Nga tới Syria thì có nghĩa Nga sẵn sàng bảo vệ đến cùng Syria.
Cũng trong thời gian này một lượng lớn vũ khí trong đó có các siêu vũ khí như tên lửa Yakhont, một phần tổ hợp S-300 đã được Nga chuyển cho Syria. Rõ ràng với sự gia tăng sức mạnh này, Nga muốn Syria tự mình đứng vững trước cuộc tấn công của Mỹ.
Obama hiểu rằng khó thuyết phục Putin thông qua một nghị quyết như như kiểu ở Lybia. Với Lybia, nước Nga của ông Medvedev đã bỏ phiếu trắng cho phép Mỹ và các nước thiết lập vùng cấm bay dẫn tới sự sụp đổ nhanh chóng của chính quyền Lybia. Từ đó, Mỹ đã dùng lại bài cũ là hỗ trợ các nhóm nổi dậy, hy vọng sự lớn mạnh của nhóm này nhanh chóng lật đổ được chính quyền ông Assad.
Với chiêu bài này tình hình Syria nhanh chóng đi vào rối loạn, nhưng với sự hỗ trợ mạnh mẽ của Nga và một số yếu tố chính trị - xã hội khác, chính quyền Syria đẩy lùi được các nhóm nổi loạn, kiểm soát phần lớn lãnh thổ.
...và một Obama "tiến thoái lưỡng nan"
Thất bại với quân nổi dậy, Mỹ chuyển sang viện dẫn lý do bảo vệ người dân Syria. "Ranh giới đỏ" đã được Tổng thống Obama đưa ra trong một bối cảnh mà một số nhà phân tích quốc tế cho là khá bị động, và sau đó đã bị phía Syria bước qua với cuộc tấn công thảm khốc bằng vũ khí hóa học ngày 21/8.
Chính quyền Obama nhanh chóng tiến hành điều tra và buộc tội quân đội chính phủ Syria là thủ phạm cuộc tấn công. Tuy nhiên, mọi thông tin mà Mỹ đưa ra đều bị Nga coi là vô giá trị. Putin thách thức phía Mỹ cung cấp các bằng chứng có thể thuyết phục Nga về vụ tấn công và tuyên bố nếu xác định được chính phủ Syria là thủ phạm đằng sau việc sử dụng vũ khí hóa học chống lại thường dân thì Nga đồng ý cho phép mở một cuộc tấn công có giới hạn vào Syria.
Putin cũng nhắc lại trường hợp Iraq năm 2003. Đã 10 năm trôi qua nhưng Mỹ và liên quân vẫn chưa đưa ra được bằng chứng nào cho thấy Iraq tàng trữ vũ khí hủy diệt hàng loạt. Điều này sẽ không thể lặp lại ở Syria.
Sự cứng rắn của Putin, sự ngập ngừng, thậm chí bỏ cuộc của các đồng minh thân thiết, sự phản đối của dư luận trong nước và quốc tế đã khiến Obama khựng lại ngay trước thời điểm mà nhiều người tưởng ông sẽ phát lệnh tấn công. Và quả bóng trách nhiệm bất ngờ được đẩy sang phía Quốc hội Mỹ.
Quyết định này được một số nhà phân tích đánh giá là con dao hai lưỡi với Obama. Một mặt, nó giúp ông tránh được mũi nhọn dư luận trong thời điểm nước sôi lửa bỏng. Nhưng mặt khác, nó có thể gây tổn hại lâu dài đến hình ảnh và uy tín của Tổng thống Mỹ, đồng thời khiến tiến trình xử lý vấn đề Syria rơi vào trạng thái bất định. Quốc hội Mỹ hiện đang chia rẽ sâu sắc về vấn đề Syria. Ngay cả một số nghĩ sĩ Dân chủ cũng không ủng hộ việc tấn công quân sự. Như vậy, chẳng có gì chắc chắn rằng Quốc hội Mỹ sẽ thông qua một kế hoạch như vậy.
Vụ tấn công hóa học ngày 21/8 là bước ngoặt bi thảm trong cuộc khủng hoảng Syria
Trong khi đó, Putin liên tiếp đưa ra những tuyên bố cứng rắn. Ông cho rằng Mỹ sẽ tìm cách dùng quân nổi dậy đang rất bị kích động sau vụ tấn công hóa học để lật đổ Assad. Tổng thống Nga còn cho rằng lực lượng nổi dậy Syria có thành phần là các tổ chức chi nhánh của Al Qaeda. Ký ức về vụ 11-9 đã khiến nhân dân Mỹ đồng tình phản đối hành động tài trợ cho các nhóm nổi loạn của Obama. Với việc chỉ ra nhân tố Al Qaeda, Putin một lần nữa khiến Tổng thống Mỹ mất điểm ngay trên sân nhà.
Obama lúng túng, Putin mở lối thoát danh dự
Trong bối cảnh trên, việc Syria bất ngờ tỏ ý có thể giao nộp vũ khí hóa học cho cộng đồng quốc tế kiểm soát không khiến Tổng thống Mỹ dễ chịu hơn là mấy. Trong tuyên bố, Ngoại trưởng Syria nói rõ “Nước Cộng hòa Ả Rập Syria hoan nghênh sáng kiến của Nga... xuất phát từ lòng tin của chúng tôi vào sự sáng suốt của lãnh đạo Nga trong việc nỗ lực ngăn chặn cuộc xâm lược của Mỹ chống lại người dân Syria”
Thế trận tàu chiến Nga - Mỹ ở Địa Trung Hải
Với tuyên bố này, người đại diện của Syria như muốn khẳng định với thế giới: nước Nga và Putin mới là những người làm chủ cuộc chơi.
Đến nay, vẫn chưa có gì đảm bảo Syria sẽ thực hiện đúng như tuyên bố của ông Ngoại trưởng. Chính Tổng thống Obama cũng ngờ vực về việc liệu chính quyền Syria có tuân thủ nghĩa vụ của mình “khi xét tới các hành động của họ thời gian qua”. Và điều này có thể càng làm cho kế hoạch xử lý vấn đề Syria của ông Obama lún thêm vào sự bất định.
Nó vốn đã bị chi phối bởi sự chán nản của người Mỹ, sự chia rẽ của Quốc hội Mỹ thì nay lại chịu thêm ảnh hưởng từ tuyên bố "hoan nghênh sáng kiến giao nộp vũ khí hóa học" của Syria, một tuyên bố mà ai cũng thấy có rất nhiều bóng dáng của nước Nga và Putin trong đó.
Bài vở và ý kiến đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về địa chỉ email: thegioi@soha.vn. Trân trọng!