Có gì trong kho vũ khí hóa học cực độc của Syria?

My Lan |

(Soha.vn) - Hôm 9/9, Mỹ đã tuyên bố sẽ không tiến hành can thiệp quân sự vào Syria nếu quốc gia này cho phép quốc tế kiểm soát hoàn toàn kho vũ khí hóa học của mình.

Kho vũ khí hóa học Syria sở hữu nguy hiểm tới mức nào?

Theo Trung tâm Sáng kiến chống đe dọa hạt nhân và nghiên cứu chống phổ biến Vũ khí hạt nhân James Martin (Mỹ), trước khi cuộc nội chiến nổ ra vào năm 2011, Syria đã có nhiều cơ sở nghiên cứu và sản xuất gần các thành phố Damascus, Aleppo, Homs, Latakia và Hamas, mỗi năm chế tạo ra hàng trăm tấn chất độc hóa học.

Các quan sát viên quốc tế tin rằng Syria đang sở hữu cả 2 loại chất độc hóa học: khí độc làm phỏng da ví dụ như khí mù tạt (mustard gas)- từng gây thương vong khủng khiếp trong Chiến tranh thế giới thứ nhất, và các loại và khí độc thần kinh như sarin hay VX, gây co giật, liệt và suy hô hấp.

 	Các nạn nhân của vụ tấn công khí độc bên ngoài thủ đô Damascus (Syria) hôm 21/8.

Các nạn nhân của vụ tấn công khí độc bên ngoài thủ đô Damascus (Syria) hôm 21/8.

Khí mù tạt có khả năng gây phỏng hóa học trên da, mặt và phổi, khiến nạn nhân trở nên tàn tật, mù vĩnh viễn, bị ung thư hoặc thậm chí là tử vong. Theo Trung tâm Kiểm soát và Ngăn ngừa dịch bệnh Mỹ, nếu bị phát tán, khí độc này có thể tồn tại trong môi trường vài ngày, thậm chí là vài tuần.

Khí Sarin, được cho là đã được sử dụng trong cuộc tấn công vào dân thường ở bên ngoài Damascus hôm 21/8, là loại khí độc bốc hơi nhanh, dễ tan trong nước, có thể làm ô nhiễm thực phẩm, nước uống và vải vóc. Tuy nhiên, chất độc thần kinh độc nhất phải kể tới VX. Nó dễ thấm qua da hơn cả sarin, bốc hơi chậm và có thể thấm vào quần áo chỉ nửa giờ sau khi bị phát tán.

Năm 2012, Syria từng thừa nhận sở hữu một vài loại vũ khí hóa học hiếm thấy, song không tiết lộ thêm bất cứ chi tiết nào.

Syria sẽ phát tán chất độc hóa học bằng cách nào?

Theo học giả Jerffrey White thuộc Viện Chính sách Cận Đông Washington (Mỹ), Syria có thể phát tán các chất độc hóa học này thông qua nhiều loại vũ khí, ví dụ như bom được ném từ máy bay, tên lửa đất đối đất Scud, đạn pháo hoặc rocket.

Tổ chức cấm vận vũ khí hóa học quốc tế OPCW, cơ quan giám sát việc tuân thủ Công ước ngăn chặn vũ khí hạt nhân cho biết Syria đã phớt lờ nhiều nỗ lực nhằm yêu cầu nước này kí Công ước. Cho tới nay, Syria vẫn chưa chấp nhận đặt bút kí vào Công ước này.

Tuy nhiên, Syria đã tham gia kí kết Nghị định thư Geneva 1925. Hiệp ước này cấm các quốc gia tiến hành chiến tranh vi trùng, chiến tranh hóa học cũng như cấm trả thù các quốc gia khác bằng những loại vũ khí này.

Việc chuyển giao vũ khí hóa học được tiến hành thế nào?

 	Bên trong một kho vũ khí hóa học của Libya.

Bên trong một kho vũ khí hóa học của Libya.

Khi Libya tuyên bố từ bỏ chương trình vũ khí hóa học vào năm 2004, nước này đã phải tiến hành kê khai toàn bộ những gì mình có lên OPCW.

Tổ chức này đã cử các thanh tra viên của mình tới Libya, xác nhận các kê khai và tiến hành phá dỡ những nhà máy sản xuất chất độc hóa học cùng các kho lưu trữ.

Theo CNN, hai nhà máy vũ khí hóa học của Libya đã bị phá hủy, còn nhà máy thứ ba được chuyển đổi thành nơi sản xuất dược phẩm trước khi cuộc nổi dậy lật đổ chế độ độc tài Gadhahi vào năm 2011.

Hơn một nửa trong số 24 tấn khí mù tạt và khoảng 40% hóa chất sản xuất ra nó đã bị phá hủy.

Tuy nhiên, từ sau khi nhà độc tài Gadhafi bị lật đổ, số hóa chất này vẫn chưa được phá hủy hoàn toàn và đang gây ra nhiều lo ngại cho cộng đồng quốc tế. Chính phủ mới của Libya cũng cho biết họ đã phát hiện thêm nhiều khí mù tạt và đạn pháo có khả năng phát tán khí này.

Bài vở và ý kiến đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về địa chỉ email: thegioi@soha.vn. Trân trọng!

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại