Nhờ Syria, nỗ lực 4 năm của Putin ở Israel sẽ thành hiện thực?

Ngọc Minh |

Nga có thể là một nhân tố giúp Israel giải bài toán khó về xuất khẩu khí đốt, đồng thời mang lại thêm những lợi ích mà nước này bấy lâu tìm kiếm, theo một nhà phân tích người Mỹ.

Tiến thoái lưỡng nan

Thủ tướng Israel Golda Meir nổi tiếng với lời mỉa mai rằng Moses "khiến chúng ta mất 40 năm xuyên qua để tới một nơi không có dầu ở Trung Đông".

Thế nhưng, mọi thứ hoàn toàn thay đổi vào năm 2009, khi mỏ khí thiên nhiên lớn ở ngoài khơi Israel, được đặt tên là Tamar, được phát hiện.

Một năm sau đó, nước này tiếp tục tìm thấy mỏ khí thiên nhiên lớn hơn tên là Leviathan nằm ngay trong vùng biển của mình và một mỏ khác vào tháng Một mới đây.

Trữ lượng khí thiên nhiên của Israel nhờ vậy mà đủ cho nền kinh tế nước này sử dụng 150 năm, với điều kiện họ có đối tác thích hợp để đưa chúng ra khỏi các mỏ khí, tiến vào thị trường.

Theo chuyên gia người Mỹ Josh Cohen, cũng kể từ sau khi sở hữu nguồn khí tự nhiên dồi dào, vượt xa nhu cầu, giới lãnh đạo Israel lại đối mặt với một tình thế tiến thoái lưỡng nan: Xuất khẩu đi đâu?.

Các yếu tố kinh tế, đặc biệt là thách thức tài chính cho việc phát triển Leviathan, cùng sự phức tạp về địa chính trị ở Trung Đông khiến lựa chọn của Israel trở nên rắc rối hơn người ta vẫn tưởng.

Các nhà bình luận người Israel đã bàn về 3 lựa chọn chính: Ai Cập, Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ - tất cả đều có ưu thế và yếu điểm riêng. Tuy nhiên, một lựa chọn nữa, ít rõ ràng hơn, nhưng các nhà lãnh đạo Israel nên cân nhắc, đó là Nga.

"Đưa tập đoàn năng lượng nhà nước Nga Gazprom vào cuộc chơi sẽ là điều gây tranh cãi, nhưng cũng có thể giúp tăng cường an ninh của Israel và củng cố vị thế địa chính trị rộng lớn hơn của quốc gia này".

Chuyên gia người Mỹ
Josh Cohen
Nga muốn khí đốt của Israel. Nga cũng phải dựa vào Gazprom để tăng cường ngân sách và tạo đòn bẩy chính trị.

Trong suốt 4 năm qua, Moscow đã nhiều lần cố gắng thâm nhập thị trường khí đốt ở quốc gia Trung Đông. Năm 2012, Gazprom đấu thầu để giành 30% cổ phần Leviathan nhưng không thành công.

Một năm sau đó, Gazprom kí hợp đồng mua bán khí đốt hóa lỏng với mỏ khí đốt Tamar, tuy nhiên, mọi chuyện cuối cùng cũng chẳng đi tới đâu, do Bộ trưởng Năng lượng nước này muốn sử dụng khí đốt ở Tamar cho thị trường nội địa.

Gần đây nhất, Tổng thống Nga Putin một lần nữa thúc giục Thủ tướng Israel Netanyahu cho phép Gazprom tham gia phát triển Leviathan.

Israel được gì khi chơi với Nga?

Không khó để hiểu vì sao Nga quan tâm tới khí đốt của Israel, nhưng còn Israel thì được lợi gì?.

Thứ nhất, quan hệ giữa Israel và nước Nga của Putin tiếp tục được duy trì và vững mạnh, trong khi đó, vẫn căng thẳng với Mỹ. "Việc Israel tiếp tục mở rộng quan hệ với các nước lớn như Nga, Trung Quốc hay Ấn Độ không phải là điều gì tồi tệ", chuyên gia Cohen chỉ ra.

Thứ hai, quân đội Nga kiên quyết bám trụ tại biên giới phía bắc Israel, và Putin đã cam kết mở rộng ảnh hưởng về chính trị và quân sự của mình ở Trung Đông. Tất nhiên, Israel tỏ ra khó chịu với sự hiện diện của Nga ở biên giới nước mình.

Dù thế, giới lãnh đạo Israel vẫn giữ quan điểm chính trị thực dụng về an ninh quốc gia, và Netanyahu muốn đối phó với các mối lo ngại về an ninh của quốc gia mình, trong bối cảnh Nga hiện diện ở Syria, thông qua hợp tác quân sự và tìm kiếm lợi ích chung.

Như vậy, theo ông Cohen, việc mời Nga gia nhập thị trường khí đốt Israel sẽ trở thành đòn bẩy lớn, thúc đẩy Putin ưu tiên các lợi ích an ninh cốt lõi của Israel trong khu vực.

Cuối cùng, việc cho phép Gazprom đóng một vai trò nào đó trong ngành công nghiệp năng lượng của Israel sẽ giúp bảo đảm an toàn và an ninh cơ sở hạ tầng khai thác khí đốt ngoài khơi Israel.

Israel tin rằng Hezbollah có thể nhằm mục tiêu vào những cơ sở này nếu xảy ra xung đột - đây cũng là điều mà thủ lĩnh Hezbollah Hassan Nasrallah đã từng đe doạ. Hải quân Israel gần đây cũng sắm thêm các tàu làm nhiệm vụ bảo vệ cho hệ thống dàn khoan ngoài khơi.

50% điện năng Israel tới từ khí đốt từ Tamar, và chỉ có một đường ống dẫn khí duy nhất nối giữa Tamar với Israel - đây chính là mối đe dọa lớn với an ninh năng lượng nước này.

Trong khi đó, việc mời Nga tham gia vào thị trường khí đốt có thể giúp giải quyết vấn đề một cách nhanh chóng, bởi Hezbollah vẫn là một phần quan trọng trong liên minh người Shitte của Nga và hưởng nhiều lợi ích từ các cuộc không kích của Moscow tại Syria.

Moscow có ảnh hưởng lớn với Hezbollah và nếu muốn, nước này có thể yêu cầu Nasrallah không động tới cơ sở khí đốt của Israel.

Trên thực tế, nếu công dân Nga làm việc trên các giàn khoan ngoài khơi của quốc gia Trung Đông này, thì việc Hezbollah, thậm chí là Iran, tấn công vào đây là điều không tưởng.


Một giàn khoan của Israel tại Địa Trung Hải.

Một giàn khoan của Israel tại Địa Trung Hải.

Putin đương nhiên hiểu rõ điều này.

Trong khi vận động Netanyahyu cho Gazprom trở thành đối tác của Leviathan, Putin đã hứa ngăn chặn các nhóm cực đoan tấn công vào cơ sở hạ tầng khí đốt của Israel như là một "điểm cộng", ngoài các lợi ích về kinh tế.

Đây rõ ràng là đề nghị mà Israel nên cân nhắc.

Israel nên hợp tác với Putin theo kiểu: Chúng tôi giúp ông đạt 1 mục tiêu quan trọng của mình, đổi lại, Nga công nhận lợi ích an ninh của Israel trước Hezbollah và Iran, đảm bảo an ninh cho cơ sở hạ tầng ở Địa Trung Hải.

Khó khăn nào sẽ chờ Israel?

Sự hợp tác về khí đốt của Nga và Israel chưa hoàn hảo và vẫn còn những nguy hiểm, theo ông Cohen. Mỹ chắc chắn không vui khi thấy Gazprom có phần trong trữ lượng khí đốt dồi dào của Israel.

Căng thẳng giữa Washington và Moscow vẫn tiếp tục tồn tại, cả Mỹ và Liên minh châu Âu đều tìm cách giảm ảnh hưởng của Gazprom hơn là gia tăng nó. Vì thế, Israel chắc chắn sẽ chịu áp lực lớn từ Mỹ.

Nga cũng có thể không phải là đối tác kinh tế tốt nhất thế giới với Israel. Nước này chắc chắn muốn tránh việc Gazprom biến trữ lượng khí đốt của Israel trở thành chỗ dựa cho các "trò chơi chính trị" của Kremlin.

Nga chưa phải là một giải pháp hoàn chỉnh cho bài toán xuất khẩu khí đốt hóc búa của Israel.

Cam kết chi hàng chục tỷ USD để phát triển và vận chuyển khí đốt từ Leviathan là điều mà Nga khí có thể đủ khả năng thực hiện khi mà nền kinh tế nước này đang xuống dốc - chuyên gia Cohen đánh giá.

Như vậy, Israel vẫn cần một thỏa thuận với các khách hàng lớn như Thổ Nhĩ Kỳ để tối đa hóa lợi ích của mình.

Dù vậy, trong khi Gazprom có thể chỉ là một phần nhỏ trong kế hoạch trò chơi khí đốt của Israel, sự đảm bảo về an ninh mà Nga mang tới bàn đàm phán sẽ thúc đẩy lợi ích an ninh quốc gia Israel.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại