Đây được xem là thỏa thuận có tầm cỡ chỉ kém thỏa thuận 1999-2001 của OPEC với các nước ngoài tổ chức này để vực dậy giá dầu.
Tuy nhiên, khác với thỏa thuận 1999-2001 khi sự hợp tác giữa OPEC cùng Mexico và Nga diễn ra khá ổn thỏa, thì ở thời điểm hiện tại Nga lại đang là người yếu thế hơn và đang dần bị Ả Rập Saudi chi phối thông qua thỏa thuận Doha.
Tính đến thời điểm hiện tại, những thông tin về thỏa thuận đóng băng sản lượng tại Doha, Qatar đã diễn ra được ít nhất là hai tuần, dù các nước có liên quan như Nga và Ả Rập Saudi vẫn chưa ký kết thỏa thuận chính thức nhưng một sự hợp tác giữa hai cường quốc xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới này đã được xem là điều chắc chắn sẽ xảy ra.
Tuy nhiên, nó cũng vẫn không giúp cho giá dầu tăng trở lại được bao nhiêu. Quả thực tầm ảnh hưởng của thỏa thuận Doha vẫn còn là một dấu hỏi, vì hai lý do chính: thứ nhất là Iran vẫn chưa quyết định có tham gia thỏa thuận hay không và hai là Ả Rập Saudi cần bằng chứng cho thấy Nga sẽ tôn trọng thỏa thuận đóng băng sản lượng.
Việc Iran tính đến thời điểm hiện tại vẫn bỏ ngỏ khả năng sẽ gia nhập thỏa thuận Doha về cắt giảm sản lượng quả thực đang là một yếu tố có thể khiến thỏa thuận này bị chết yểu ngay từ khi mới chào đời.
Bộ trưởng Dầu mỏ Iran Bijan Zanganeh công khai tuyên bố việc Iran có thể cắt giảm sản lượng khai thác là một điều "nực cười", nhất là khi nước này đang lên kế hoạch để đạt được sản lượng khai thác trước thời điểm bị cấm vận.
Theo tính toán của Tehran, sản lượng khai thác của Iran có thể tăng thêm 700.000 thùng/ngày để đạt công suất 3,5 triệu thùng/ngày vào tháng tới.
Nếu điều này xảy ra, thỏa thuận Doha có thể sẽ trở thành vô giá trị khi mà theo ước tính thỏa thuận đóng băng sản lượng này chỉ có thể khiến lượng dầu dư thừa trên thị trường thế giới giảm từ 1,8 triệu thùng/ngày xuống còn 900.000 thùng/ngày mà thôi.
Và với sản lượng lên đến 3,5 triệu thùng/ngày của Iran thì có thể đủ để xóa sạch mức giảm 900.000 thùng/ngày mà thỏa thuận Doha đạt được.
Nhưng quan trọng hơn là việc Ả Rập Saudi đang nghi ngờ Nga trong vấn đề tuân thủ các quy định đóng băng sản lượng trong thỏa thuận Doha.
Trong lần thỏa thuận cắt giảm sản lượng trước giữa OPEC và Nga vào năm 2001, Nga có vẻ như đã không hoàn toàn tuân thủ việc cắt giảm sản lượng khai thác của mình, và khiến cho Bộ trưởng Dầu mỏ Ali al-Naimi vốn là người chủ trì thiết lập thỏa thuận hết sức giận dữ.
Và có vẻ như đến tận bây giờ, ông al-Naimi cũng vẫn chưa quên được vụ việc đó khi ông này công khai tuyên bố trước báo giới vào tuần trước: “Ngay cả khi họ nói rằng sẽ cắt giảm sản lượng thì họ cũng sẽ không sẵn sàng thực hiện điều đó.
Và chúng tôi không việc gì phải lãng phí thời gian để tìm kiếm một giải pháp cắt giảm sản lượng trong thỏa thuận Doha cả”.
Phát biểu của này của ông al-Naimi được hiểu theo nghĩa, nếu Nga thực sự muốn Ả Rập Saudi thực hiện một quyết định cắt giảm sản lượng trong các nước thành viên OPEC tại cuộc họp của tổ chức này vào tháng 6 tới, thì Nga không chỉ cần tuân thủ nghiêm ngặt thỏa thuận đóng băng sản lượng.
Vì chỉ một thỏa thuận đóng băng sản lượng không thôi là chưa đủ để vực dậy giá dầu, và cũng không phải cái đích mà Nga cũng như Ả Rập Saudi hướng tới.
Về lâu dài, thỏa thuận đóng băng sản lượng tại Doha chỉ là bước đệm cho một thỏa thuận cắt giảm sản lượng giữa OPEC và Nga giống như thỏa thuận hồi 1999-2001. Ngoài ra, Nga còn có nhiệm vụ phải thuyết phục Iran tham gia thỏa thuận Doha này bằng mọi giá.
Theo Reuters, Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak đã lên kế hoạch sẽ tới Iran trong tháng 3 để thuyết phục quốc gia được xem là đồng minh thân cận của Moscow chấp thuận gia nhập thỏa thuận Doha để đóng băng sản lượng khai thác trong vòng ít nhất là 1 năm.
Ngoài ra, việc Nga lãnh trách nhiệm đứng ra làm người thuyết phục Iran còn do Tehran đang rơi vào một mối quan hệ khá xấu với Ả Rập Saudi bắt nguồn từ những rắc rối về ngoại giao, và vì thế Nga đang thích hợp hơn Ả Rập Saudi trong việc trở thành người thuyết phục Iran.
Sự yếu thế của Nga đối với Ả Rập Saudi trong thỏa thuận Doha không phải là việc đáng ngạc nhiên.
Nga là người đứng ra đề xuất một sự hợp tác cắt giảm sản lượng với OPEC trước, thông qua một tuyên bố của tập đoàn Transneft rằng Nga sẽ cắt giảm hơn 6% sản lượng khai thác dầu trong năm 2016.
Ngoài ra, Nga cũng được xem là bên không tuân thủ đúng cam kết cắt giảm sản lượng trong thỏa thuận với OPEC hồi 2001, và giờ đây Ả Rập Saudi có lý do chính đáng để buộc Nga phải chứng minh cho sự tuân thủ đóng băng sản lượng của thỏa thuận Doha.
Tuy nhiên, theo một số nhà phân tích, dù Nga có thuyết phục được Iran gia nhập thỏa thuận Doha cùng các nước thành viên OPEC khác, thì khả năng OPEC có thể đi tới một thỏa thuận cắt giảm sản lượng trong cuộc họp định kỳ vào tháng 6 tới cũng là rất mong manh.
Ít nhất cũng sẽ phải đến cuộc họp kế tiếp của OPEC vào cuối tháng 11 thì điều này mới có thể xảy ra. Và khi đó thì giá dầu mới có thể được vực dậy một cách mạnh mẽ.
Tuy nhiên, nếu Iran chấp nhận gia nhập thỏa thuận Doha và đóng băng sản lượng, thì giá dầu trên thị trường thế giới dù chưa tăng vọt trở lại, thì có lẽ cũng sẽ không đến nỗi ảm đạm như hiện nay.