Vấn đề nan giải trong kế hoạch hòa bình của Mỹ
Dù đóng vai trò trung gian trong quá trình đạt thỏa thuận ngừng bắn, song Ngoại trưởng Mỹ John Kerry , trong cuộc điều trần trước Quốc hội, lại thừa nhận sau đó rằng, khả năng thất bại là rất cao.
"Tôi sẽ không nói quá trình này sẽ hiệu quả, bởi tôi không biết điều đó. Nhưng tôi biết đây là cách tốt nhất khi cố gắng chấm dứt chiến tranh, đó là lựa chọn duy nhất còn lại đối với chúng ta nếu thực sự chúng ta muốn có một giải pháp chính trị".
Trong khi đó, chuyên gia Syria tại Viện Chính sách Cận Đông ở Washington Andrew Tabler cho rằng, vấn đề nan giải cốt lõi là, yếu tố nào sẽ là thước đo đánh giá thành công của kế hoạch của ông Kerry - "ít người thiệt mạng hơn, hay nhiều người chống khủng bố hơn?".
Hãy xem những gì đã diễn ra một tuần trước khi thỏa thuận ngừng bắn do Nga - Mỹ đề xuất có hiệu lực.
Theo phóng viên Mike Giglio của tờ BuzzFeed News, lữ đoàn Furqa al-Sultan Murad thuộc Quân đội Syria tự do (FSA) được Mỹ hậu thuẫn đã bị Đơn vị bảo vệ nhân dân người Kurd (YPG) ở Syria tấn công.
Tại sao? Bởi ngoài việc chiến đấu chống nổi dậy người Sunni, người Kurd không hề che giấu động cơ khác của mình: xây dựng nhà nước tự trị trải dọc bắc Syria, kéo từ Aleppo tới Hasakah, trong đó bao gồm nhiều làng mạc và thị trấn vốn đông người Ả Rập sinh sống.
Do đó, người Kurd cảm thấy cần phải tước vũ khí, trục xuất, hoặc thậm chí là tiêu diệt bất cứ ai cản đường mình.
Việc tiến hành một chiến dịch quân sự với quy mô tương tự cuộc chiến chống IS nhằm vào các lực lượng mang tư tưởng bè phái đã gây ra những tác dụng phụ, và chỉ khiến kẻ thù của họ mạnh thêm.
Ví như, hồi cuối tháng Hai, rất nhiều người ngỡ ngàng khi IS vội vàng rút lui khỏi Shaddahi, một trong những thành trì duy nhất còn lại của chúng ở Hasakah, giúp YPG đã nhanh chóng tiến vào và giải phóng thị trấn này.
Song, đây chỉ là hành động rút lui chiến thuật của IS, để mở đường cho một cuộc phản công quân sự và sau đó là một chiến thắng nhanh gọn, khiếp 30.000 người dân Sunni không chỉ chạy tới Aleppo hay Thổ Nhĩ Kỳ, mà thậm chí là chạy vào thành trì Deir Ezzor của IS.
Chiến dịch mở rộng vùng đất của người Kurd sang phía bắc Syria được thực hiện với sự yểm trợ của F-18 từ trên không và biệt kích Delta Force ở trên bộ.
Nhà bình luận chính trị người Mỹ Michael Weiss cho rằng: “Nói cho đúng ra thì Syria đã không còn tồn tại". Theo ông, quốc gia này hiện đã bị chia tách thành các vùng đất nằm dưới sự "cai trị" của các tổ chức khủng bố, phe đối lập và lực lượng của Tổng thống Assad.
Sau thỏa thuận ngừng bắn, Mỹ muốn chia Syria thành 4 phần?
Việc người dân Syria bỏ chạy từ nơi này sang nơi khác, ngay cả sau những chiến dịch của người Kurd, không hề khiến Mỹ bận tâm, theo ông Weiss.
"Ở bất cứ quốc gia nào, thay đổi nhân khẩu học cũng là điều tiên quyết cần thiết, nếu không muốn nói là bắt buộc, để phân vùng lãnh thổ. Nói cách khác, kế hoạch B của Nhà Trắng ở Syria thực chất chính là kế hoạch A đang được tiến hành.
Câu hỏi duy nhất là, liệu nó sẽ diễn ra một cách ngẫu nhiên, hay được sắp đặt".
Ông Tony Badran từ Quỹ Bảo vệ Dân chủ (FDD) cũng có chung quan điểm trên.
Ông là một trong số ít các nhà phân tích về Syria lập luận, hoàn toàn không công bằng khi phủ nhận thực tế rằng chính quyền Obama đã cư xử một cách kém cỏi trong cuộc nội chiến ở Syria suốt 5 năm qua.
"Hình mẫu mà Obama muốn Syria hướng tới, về cốt lõi, là một bản sao của một hình mẫu mà ông đã áp dụng cho Iraq: Mỹ công nhận khu vực của người Iran, khu vực của người Kurd và khu vực của người Ả Rập theo dòng Sunni nằm ở giữa".
Theo ông Weiss, có nhiều bằng chứng cho thấy lập luận của ông Badran là hoàn toàn có lý.
Đó là: Obama không thể duy trì ranh giới đỏ đối với việc sử dụng vũ khí hóa học của Damascus, vũ khí viện trợ cho FSA thiếu thốn và gián đoạn, Mỹ để Nga không kích ở Syria và không yêu cầu "Assad ra đi" là điều kiện tiên quyết cho đàm phán chính trị.
Trong một bản báo cáo của Viện Nghiên cứu chính sách của Chính phủ Mỹ RAND, ông Phil Gordon, cựu điều phối viên Nhà Trắng ở Trung Đông, Nam Phi và vùng Vịnh đã phác thảo chiến lược của Mỹ bằng cách hệ thống hóa những thực tế đang diễn ra trên bộ ở Syria.
Tài liệu này tiếp tục là chứng minh cho những nhận định của chuyên gia Badran.
Theo ông Gordon và 2 đồng nghiệp của mình là James Dobbins và Jeffrey Martini, giai đoạn đầu tiên sẽ là một thỏa thuận ngừng bắn đa phương được Mỹ, Nga, Iran giám sát và thực hiện chủ yếu.
Giai đoạn tiếp theo là thiết lập "các khu vực được thỏa thuận" - một cách gọi lịch sự của vùng thuộc địa, hoặc lãnh thổ ủy trị bên trong Syria.
Ba trong số đó sẽ là các khu vực tiếp giáp lãnh hải, một khu vực sẽ giống như Dải Gaza và Bờ Tây tại Palestine - tách biệt với nhau về địa lý song lại có sự thống nhất nhất định về chính trị.
Theo đó, lãnh thổ do chính phủ trung ương kiểm soát sẽ nằm dọc bờ biển Địa Trung Hải, trải từ biên giới phía nam Thổ Nhĩ Kỳ xuyên qua Damascus và Homs.
Lãnh thổ của người Kurd sẽ là ở Rojava.
Phe đối lập chính ở Syria, cùng với al-Nusra và một số lực lượng thánh chiến Salafi, sẽ chiếm đóng khu vực không tiếp giáp lãnh hải - đầu tiên Idlib, Aleppo, các tỉnh Hama ở phía bắc và trung tâm Syria, tiếp sau là Deraa ở phía nam.
Khu vực thứ tư và cũng là cuối cùng sẽ là vùng đất do IS kiểm soát - một vùng cao nguyên rộng lớn, đa phần là sa mạc ít dân cư sinh sống, cùng với các thành phố Deir Ezzzor, Raqqa và Palmyra.
Theo báo cáo của ông Gordon, IS sẽ bị dần đẩy lùi những lực lượng kiểm soát 3 khu vực trên đẩy lùi và sau đó, sẽ nằm dưới quyền giám sát quốc tế. Các đơn vị đồn trú nước ngoài sẽ được đưa tới đây để gìn giữ hòa bình.
Về phần mình, chuyên gia quân sự Chris Harmer từ Viện Nghiên cứu Chiến tranh đã lên tiếng cảnh báo, việc phân vùng lãnh thổ Syria sẽ gây ra những hậu quả không thể lường trước được.