Nguyên nhân Ả Rập Saudi không phải là đối thủ của Iran

Hải Võ |

Căng thẳng giữa các thế lực Hồi giáo dòng Shiite và Sunni - Iran và Ả Rập Saudi - đã leo thang nhanh chóng sau vụ Riyadh chặt đầu giáo sĩ Nimr al-Nimr hôm 1/1.

Tuy nhiên, Tổ chức phân tích tình báo phi chính phủ Stratfor của Mỹ tin rằng Ả Rập Saudi gần như không có khả năng đối đầu với Iran, bất kể mục tiêu họ theo đuổi là gì.

"Bằng sức mạnh của mình, Riyadh không thể so sánh được với Iran, quốc gia rộng lớn với mật độ dân số dày đặc hơn. Đồng thời, việc phương Tây chấm dứt trừng phạt Tehran sẽ khiến quốc gia này trở nên mạnh mẽ hơn," Stratfor đánh giá.

Ngành công nghiệp dầu khí chiếm phần lớn tỉ trọng nền kinh tế của Ả Rập Saudi, trong khi dân số của nước này ít hơn và trình độ giáo dục thấp hơn của Iran. Điều đó có nghĩa là Riyadh phải "vật lộn" để giảm bớt sự phụ thuộc vào lĩnh vực dầu khí.

Thêm vào đó, quy mô lực lượng quân sự của "vương quốc dầu mỏ" là gần 230.000 lính, còn Iran sở hữu 520.000 binh sĩ đang phục vụ.

Theo Stratfor, Riyadh đã cố gắng bù đắp lại những bất lợi của mình bằng cách xây dựng mạng lưới đồng minh thông qua hợp tác quân sự và kinh tế với các quốc gia theo dòng Hồi giáo Sunni khác trong khu vực.

Chiến thuật "tấn công quyến rũ" trong khu vực của nước này hiện đang tỏ ra khá hiệu quả.

Stratfor phân tích: "Về mặt quân sự, Ả Rập Saudi đã khởi động một liên minh 'chống khủng bố' gồm 34 quốc gia, không bao gồm Iran, Iraq và Syria.

Liên minh này 'chống lưng' cho lợi ích của các nước Hồi giáo Sunni trên tất cả các 'đấu trường' xung đột Sunni-Shiite, cụ thể là ở Syria, Iraq, Yemen và Lebanon."

Vụ Ả Rập Saudi hành quyết giáo sĩ nổi tiếng Sheikh Nimr al-Nimr đã thổi bùng ngọn lửa giận dữ của những tín đồ Hồi giáo Shiite.

Tại Iran, người biểu tình hôm 3/1 đã tấn công, đốt phá Đại sứ quán Saudi. Nước này trả đũa bằng việc cắt đứt quan hệ ngoại giao với Tehran và kéo theo các đồng minh Bahrain, Kuwaith, Qatar, Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE), Sudan... hành động tương tự.

Đến ngày 7/1, Tehran tố cáo Ả Rập Saudi cố ý tiến hành không kích nhằm vào Đại sứ quán Iran ở Yemen.

Vụ hành quyết al-Nimr, theo Stratfor đánh giá, là động thái nhằm gửi thông điệp tới Tehran rằng Riyadh "sẵn sàng dùng những biện pháp cực đoan nhất để chống lại ảnh hưởng của Iran".

"Ả Rập Saudi sẽ tiếp tục phát triển liên minh Hồi giáo Sunni ở khu vực Trung Đông để đối đầu với Iran, song nước này vẫn phải đau đầu trong việc ổn định cộng đồng Sunni trong lãnh thổ của họ.

Nỗ lực này nếu thất bại sẽ chỉ khiến những căng thẳng sắc tộc trở nên tồi tệ hơn," Stratfor nhận định.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại