Hoàn Cầu vu cáo VN 'lợi dụng lỗ hổng của UNCLOS để chơi khó TQ'

Hồng Anh |

(Soha.vn) - Hoàn Cầu mới đây đã đăng tải bài viết cho rằng, việc các quốc gia phản đối lệnh cấm đánh cá của Trung Quốc ở biển Đông là bởi "có động cơ ẩn bên trong".

Việc đơn phương ban hành lệnh cấm đánh cá mới ở biển Đông mà Trung Quốc gọi là "sửa đổi Luật Thủy Sản" mới đây đã vấp phải sự phản đối của nhiều quốc gia trong khu vực có liên quan cũng như cộng đồng quốc tế.

Để bảo vệ cho lệnh cấm vô nghĩa của mình, tờ Thời báo Hoàn Cầu đã gọi những động thái phản đối, lên án này là thổi phòng vấn đề ở biển Đông, nhằm tối đa hóa lợi ích quốc gia tại vùng biển giàu tài nguyên và đạt được thêm các lợi thế cạnh tranh về kinh tế cũng như chính trị và chiến lược.

Tờ này tuyên bố, các quốc gia có tranh chấp cũng như không có tranh chấp chủ quyền trên biển Đông "đang kêu gọi chống lại mọi hành động của Trung Quốc ngày càng hung hăng hơn, đó là bởi khả năng thực thi luật pháp của Trung Quốc ngày càng tăng lên".

Hoàn Cầu ngang nhiên khoe khoang: "Những năm trước đây, tỉnh Hải Nam chỉ có thể dựa vào những chiếc thuyền tồi tàn để tuần tra quanh các hòn đảo thuộc chủ quyền của mình. Nhưng điều đó đã qua. Giờ đây, Trung Quốc đã có thể bảo vệ ngư dân của mình tốt hơn bằng cách hộ tống các tàu với các trang thiết bị, cơ sở vật chất được cải thiện".

Đưa ra nhận định rằng những tranh chấp tại biển Đông vẫn sẽ bế tắc trong tương lai gần, Hoàn Cầu lớn tiếng tuyên bố rằng, để giảm bớt căng thẳng, tránh leo thang thành một cuộc khủng hoảng toàn diện, thì "đạt được sự lắng dịu ở biển Đông" là sự lựa chọn tốt nhất cho Hà Nội, cũng như Philippines trong thời điểm này. "Họ nên thừa nhận mục đích của lệnh cấm mà Hải Nam đưa ra là nhằm bảo vệ nguồn tài nguyên biển, đặc biệt là thủy sản, thông qua các hoạt động đánh bắt cá bền vững và cải thiện môi trường sinh thái biển đang xấu đi".

Về phần mình, tờ này đang hối thúc tỉnh Hải Nam "làm rõ thẩm quyền của mình đối với nguồn tài nguyên biển, điều này sẽ có thêm sự liên kết về pháp lý đối với đường chín đoạn, điều này sẽ tăng thêm sự liên kết một cách hợp pháp với đường chín đoạn trong việc thực thi pháp luật. Nó sẽ mang lại cơ sở pháp lý mạnh mẽ cho chính quyền để thực hiện các biện pháp, bao gồm tịch thu thiết bị đánh cá, phạt những người không tuân thủ luật, bất kể là người Trung Quốc hay người nước ngoài".

Cũng liên quan tới đường chín đoạn, Hoàn Cầu đã thừa nhận: "Đúng là chính quyền Trung Quốc vẫn chưa vạch rõ được đường cơ sở lãnh hải đối với quần đảo Nam Sa (thực tế là Hoàng Sa của Việt Nam), và vì thế mà gây ra sự tranh cãi".

Mặc dù vậy, tờ này vẫn khăng khăng luận điệu sai trái rằng "quyền lợi theo lịch sử của Trung Quốc là không thể chối cãi, bởi đường chín đoạn đã xuất hiện trong bản đồ chính thức của Trung Quốc từ năm 1947".

Không những thế, Hoàn Cầu còn ngang nhiên vu cáo Việt Nam "lợi dụng các lỗ hổng trong Công ước LHQ về luật Biển (UNCLOS) để chơi khó Trung Quốc, lên án đường chín đoạn từ lâu đời của Trung Quốc trên biển Đông", đồng thời lớn tiếng cảnh báo các quyền được đưa ra trong UNCLOS không thể nào thay thế hoặc chồng lên các quyền đã có từ lâu đời và "các bên liên quan cần kiềm chế, không coi UNCLOS là "Kinh thánh" trong hàng nghìn các quy định và luật pháp về hàng hải".

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại