Tổng thống Mỹ Barack Obama ngày 29/1 đã đọc Thông điệp liên bang năm 2014 trước phiên họp toàn thể của Quốc hội khóa 113.
Đây là bản Thông điệp liên bang thứ 6 của ông Obama kể từ khi lên làm Tổng thống năm 2009 và kéo dài hơn một tiếng đồng hồ, trong đó dành tới 95% thời gian nói về các vấn đề đối nội (mặc dù cũng đề cập đến tất cả các nơi trên thế giới) và thường tập trung nhiều hơn vào các vấn đề trong nước.
Như chuyên gia Dan Lamothe nhận định trên Tạp chí Chính sách Đối ngoại: "Bài phát biểu của ông Obama năm nay đã dành quá ít thời gian để nói về chính sách đối ngoại và những điều mới". Rõ ràng, như các chuyên gia dự đoán, Thông điệp của ông Obama chủ yếu tập trung vào việc sẽ tiếp tục áp dụng các biện pháp nhằm phục hồi sự phát triển của nền kinh tế Mỹ.
Ông đã dành phần lớn thời gian để nói về các cam kết tạo nhiều cơ hội hơn cho người dân Mỹ, nhất là tầng lớp trung lưu. Thông điệp kêu gọi Quốc hội Mỹ tăng lương tối thiểu cho đội ngũ nhân viên liên bang từ mức 7,25 USD/giờ hiện nay lên 10,10 USD/giờ nhằm giải quyết tình trạng bất bình đẳng thu nhập; đồng thời hối thúc Quốc hội hợp tác thúc đẩy các chủ trương chính sách bị bế tắc trong năm 2013 như cải cách chế độ nhập cư để tạo điều kiện cho 11 triệu người nhập cư có thể trở thành công dân Mỹ; siết chặt kiểm soát súng đạn để giảm thiểu các vụ thảm sát; cải cách chế độ chăm sóc y tế để có thêm hàng chục triệu người được hưởng chế độ bảo hiểm; cắt giảm chi tiêu công để giảm thâm hụt ngân sách và khuyến khích phát triển các nguồn năng lượng sạch. Bên cạnh đó, đẩy mạnh giáo dục và đào tạo ngành nghề nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế và hàng hóa Mỹ cũng là chủ đề được nhấn mạnh trong Thông điệp liên bang năm 2014. Ngoài ra, ông Obama cũng đề xuất giáo dục miễn phí cho toàn bộ trẻ em dưới 4 tuổi và giảm bớt gánh nặng nợ nần cho sinh viên…
Khi đề cập đến Trung Quốc, ông Obama nói rằng, cùng với châu Âu, Trung Quốc là một đối thủ cạnh tranh mà có thể thúc đẩy Mỹ thực hiện những cải cách cần thiết. Tuy nhiên, tờ Bưu Điện Hoa Nam Buổi sáng của Trung Quốc đã nhấn mạnh một tuyên bố của ông Obama rằng "lần đầu tiên trong hơn một thập kỷ, nhiều nhà lãnh đạo kinh kinh tế trên toàn cầu đã tuyên bố rằng Trung Quốc không còn là số một thế giới về địa điểm đầu tư mà là Mỹ".
Về đối ngoại, Tổng thống Obama đã tập trung nhiều hơn vào Trung Đông và nhắc lại cam kết rút quân khỏi Afghanistan: “Chúng ta sẽ hoàn thành nhiệm vụ ở đó (Afghanistan) vào cuối năm nay và cuộc chiến tranh dài nhất của nước Mỹ cuối cùng cũng kết thúc”, đồng thời kêu gọi Tổng thống Hamid Karzai, vì lợi ích an ninh lâu dài của cả Mỹ và Afghanistan, hãy sớm ký Hiệp định an ninh song phương (BSA) cho phép Mỹ duy trì một lượng binh lính ở lại làm nhiệm vụ huấn luyện đào tạo và ngăn chặn sự trở lại của chủ nghĩa khủng bố.
Ông Obama một lần nữa khẳng định thỏa thuận tạm thời với Iran là bước đi tích cực đầu tiên trong nhiều thập kỷ qua hướng tới việc chấm dứt chương trình chế tạo vũ khí hạt nhân của Tehran. Với Syria, Tổng thống Obama tái khẳng định sẽ cùng với các nước tìm cách chấm dứt cuộc nội chiến kéo dài hơn hai năm qua tại nước này. Thông điệp liên bang 2014 của ông Obama cũng đề cập tới tiến trình hòa bình Israel-Palestine, được nối lại từ tháng 7/2013 nhưng đến nay vẫn chưa có sự khai thông.
Một điểm đáng chú ý khác là trong Thông điệp liên bang 2014, ông Obama đặc biệt nhấn mạnh mối quan hệ với châu Phi. Trước đó, Nhà Trắng thông báo ông Obama sẽ đăng cai Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-châu Phi đầu tiên tại thủ đô Washington vào tháng 8 năm nay.
Trong khi đó, châu Âu và châu Á-Thái Bình Dương chỉ được nhắc đến một cách hời hợt. Với việc lờ đi những vấn đề đang diễn ra trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương như những căng thẳng giữa Trung Quốc và Nhật Bản và lo ngại ngày càng lớn về tranh chấp hàng hải khả năng dẫn đến một cuộc chạy đua vũ trang, Obama đã gửi đi một tín hiệu rằng châu Á- Thái Bình Dương không phải là khu vực được ưu tiên trong chính sách đối ngoại của chính quyền Obama trong năm 2014.
Cho dù có mục đích khác hay không thì việc thông điệp liên bang của Tổng thống Mỹ không nhắc đến chiến lược tái cân bằng tới châu Á (hoặc nhắc tới nhưng quá ít) cũng khiến nhiều người nghi ngờ về những cam kết của Mỹ tại khu vực này, đặc biệt trong bối cảnh Washington đang cắt giảm ngân sách quốc phòng. Bài phát biểu của ông Obama tập trung nhiều vào chính sách đối ngoại tại các khu vực Trung Đông, Iran, Afghanistan và châu Phi chỉ chứng minh thêm một điều rằng Mỹ sẽ tập trung nguồn lực có hạn của mình ở những khu vực khác, không phải châu Á.
Trước đó, chuyên gia Pollack và Bader tại Viện Brookings , một tổ chức tư vấn/cố vấn có uy tín tại Washington đã đưa ra các khuyến nghị cho chính quyền Mỹ về chính sách đối với châu Á nhằm bảo đảm rằng việc cắt giảm ngân sách vẫn không ảnh hưởng đến chiến lược xoay trục của nước này tới châu Á, trong đó có việc sớm hoàn thành các cuộc đàm phán về Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP), khuyến khích cải cách kinh tế của Trung Quốc và thuyết phục các đồng minh của Mỹ (đặc biệt là Nhật Bản và Hàn Quốc) để thực hiện các bước thúc đẩy an ninh khu vực.
Pollack và Bader kết luận rằng "tăng cường cam kết của chính quyền Mỹ tới khu vực châu Á - Thái Bình Dương là một hành động đáng hoan nghênh và cần thiết". Rõ ràng, chính quyền Obama đã không để ý đến những sáng kiến trên. Thông qua những gì ông Obama đã nói và không nói trong Thông điệp Liên bang năm 2014 càng khiến cho người ta tin rằng chính sách xoay trục của Mỹ tới châu Á đã chết yểu.