Nguồn tin của Kyodo cho hay, ông Junichi Ihara, Vụ trưởng Vụ châu Á và châu Đại Dương cùng trưởng phòng Đông Bắc Á Keiichi Ono đã tới Hà Nội (Việt Nam) hồi cuối tháng 1 vừa qua. Cùng lúc đó, một quan chức Triều Tiên cũng có mặt ở đây. Trong cuộc hội đàm này, nhiều khả năng Nhật Bản sẽ thăm dò phía Bình Nhưỡng về số phận của các công dân Nhật Bản từng bị điệp viên Triều Tiên bắt cóc trước đây.
Phát ngôn viên chính phủ Nhật Bản Yoshihide Suga đã lên tiếng phủ nhận thông tin về cuộc gặp: "Chúng tôi có nghe nói về các tin tức trên truyền thông, nhưng thực tế không phải vậy". Dù vậy, ông Suga vẫn khẳng định: "Chính phủ của chúng tôi muốn giải quyết vấn đề về vụ bắt cóc... Chúng tôi đang xem xét tới mọi cách thức có thể khi Thủ tướng Shinzo Abe kiên quyết giải quyết vấn đề này".
Tờ Japan Times dẫn lời Đặc sứ Mỹ về chính sách Triều Tiên Glyn Davies trả lời phóng viên tại Bắc Kinh cho hay, ông không biết gì về cuộc gặp gỡ này. Ông Davies đang có các cuộc hội đàm với người đồng cấp Wu Dawei tại Bắc Kinh về tình hình ở Bình Nhưỡng sau khi ông Jang Song Thaek, chú của Triều Tiên Kim Jong Un, bị xử tử. Hai bên cũng bàn thảo về cách đối phó với tham vong hạt nhân của quốc gia này.
Năm 2012, tại Ulan Bator, Nhật Bản đã đồng ý đàm phán với Triều Tiên về vấn đề này. Tuy nhiên, cuộc đàm phán dự kiến diễn ra ngày 5 - 6/12 tại Bắc Kinh đã bị huỷ bỏ sau khi Triều Tiên tuyên bố sẽ phóng tên lửa mang vệ tinh quan sát Trái Đất lên quỹ đạo.
Tuy vậy, nhiều chuyên gia về các vấn đề quốc tế nhận định, trên thực tế, Triều Tiên có thể đang chuẩn bị để có thể ngồi vào bàn đám phán với Nhật Bản.