Báo cáo với tựa đề “Triều Tiên: Quan hệ với Mỹ, ngoại giao hạt nhân và tình hình nội bộ" do Cơ quan nghiên cứu Quốc hội Mỹ (CRS) công bố ngày 26/1 cho thấy người Mỹ đang rất lo ngại về tương lai khó đoán định ở quốc gia khép kín nhất thế giới sau vụ thanh trừng chú dượng nhà lãnh đạo Kim Jong Un, ông Jang Song Thaek.
Bản báo cáo cho rằng, vụ thanh trừng chóng vánh ông chú dượng hồi tháng 12 năm ngoái cho thấy sự liều lĩnh, “bạo tay” của Kim Jong Un. Với cá tính như vậy, rất có thể nhân vật này sẽ còn có những hành động mang tính khiêu khích và khó dự đoán hơn nữa trong tương lai.
Cũng theo bản báo cáo, chính quyền của Kim Jong Un đã trở nên bất ổn trên nhiều phương diện kể từ sau vụ hành quyết Jang Song Thaek. Nhiều lãnh đạo cao cấp lo sợ cho sự an toàn của chính mình nên tìm cách đối phó. Như vậy, nội bộ chính quyền Bình Nhưỡng ít nhiều đã bị lung lay.
Vụ thanh trừng Jang Song Thaek được coi là một hành động bất thường ở Triều Tiên, vì ông này có địa vị rất cao và quan hệ rất mật thiết với lãnh tụ tối cao. Nó đã hoàn tất “việc quét sạch hoàn toàn những cựu thần xung quanh nhà lãnh đạo quá cố Kim Jong Il, cho thấy Kim Jong Un đã củng cố được quyền lực ở Bình Nhưỡng”, báo cáo của CRS nhận định.
Vụ việc cũng khiến đường dây kết nối đầu tư của Trung Quốc vào Triều Tiên bị cắt đứt, nên có nhiều khả năng mối quan hệ giao dịch giữa hai bên cũng sẽ bị gián đoạn trong thời gian ngắn.
Báo cáo cho thấy, người Mỹ có đôi chút vỡ mộng về Kim Jong Un, người vốn đã du học khá lâu ở châu Âu, và được kỳ vọng sẽ thực hiện các cải cách và cởi mở hơn các thế hệ cha, ông.
Báo cáo của CRS thừa nhận, Washington gần đây hầu như không nắm được thông tin nào về nhà lãnh đạo Kim Jong Un hay những quyết định trong nội bộ chính quyền Bình Nhưỡng. Vì vậy, các nghị sĩ Mỹ rất lúng túng khi phải đưa ra các quyết sách liên quan đến Triều Tiên, đặc biệt là về vấn đề hạt nhân.
Người Mỹ lo ngại rằng, nếu chính quyền Kim Jong Un gặp bất ổn thì có thể làm nảy sinh rất nhiều rắc rối như tranh chấp về việc kiểm soát vũ khí hạt nhân, người tỵ nạn…