Ba thách thức có thể khiến tham vọng của Tập Cận Bình sụp đổ

Thành Long |

(Soha.vn) - Việc Tập Cận Bình có đủ cương quyết với Chu Vĩnh Khang hay không, và tác động của nó tới chính trường Trung Quốc là một thách thức lớn của ông này năm 2014.

Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng đã đăng tải bài viết của ông Minxin Pei, giáo sư tại Đại học Claremont McKenna, thành viên cao cấp của Quỹ German Marshall (Mỹ), phân tích ba thách thức lớn mà ông Tập Cận Bình sẽ phải đối mặt trong năm 2014.

Thách thức thứ nhất mà ông Pei đưa ra là việc thực hiện gói cải cách mà ông công bố vào giữa tháng 11 - vốn được đón nhận bằng cả thái độ hoan nghênh cũng như hoài nghi. Trong khi những người lạc quan coi các mục tiêu đầy tham vọng của gói cải cách thể hiện quyết tâm của ông Tập, thì một số người lại thận trọng chỉ ra rằng kế hoạch trên còn có nhiều điểm mơ hồ và thiếu một thời gian biểu cụ thể.

Theo ông Pei, để xóa tan các hoài nghi, ông Tập cần phải biến lời nói thành chính sách và biến chính sách thành các kết quả cụ thể có thể đo đếm được. Điều này đồng nghĩa với hàng loạt các biện pháp cải cách hành chính chẳng hạn như cho phép thành lập các ngân hàng tư nhân, nâng cao cạnh tranh bằng cách loại bỏ các rào cản trong vấn đề nhập cảnh của các công ty tư nhân, tự do hoá lãi suất và tỷ giá ngoại tệ, mở rộng quyền cư trú cho lao động nhập cư tại các thị trấn và thành phố nhỏ.

Thách thức thứ hai mà Chủ tịch Trung Quốc phải đối mặt, theo vị giáo sư này, là phải liên tục "giương cao ngọn cờ" chống tham nhũng.

Tuy nhiên, ông Pei nhận định, chiến lược này sẽ gặp khó khăn, không chỉ vì quy mô rộng lớn của nó mà còn vì mức độ ảnh hưởng của nó đến quyền lợi của các phe phái và nhóm lợi ích trong chính phủ Trung Quốc. Chiến dịch "Đả hổ diệt ruồi" nhằm mạnh tay với nạn tham nhũng trong giới quan chức có thể sẽ dẫn đến sự bất mãn và chia rẽ trong nội bộ giới lãnh đạo.

Cụ thể, giáo sư Pei cho rằng phép thử đầu tiên đối với ông Tập Cận Bình sẽ là việc liệu chính phủ của ông có truy tố Chu Vĩnh Khang, cựu Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị hay không. Thòng lọng chống tham nhũng đã thắt chặt xung quanh ông Khang sau nhiều vụ bắt giữ các nhân vật thân cận với ông này.

Việc truy tố một thành viên, dù đã nghỉ hưu của Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị có thể phá vỡ một điều cấm kị tại Trung Quốc từ thời Đặng Tiểu Bình. Ông Tập rõ ràng là đang ở trong một tình thế vô cùng khó xử. Nếu ông tiếp tục tuân theo luật lệ bất thành văn này thì uy tín của ông và chiến dịch chống tham nhũng có nguy cơ phá sản. Nhưng nếu ông Tập bỏ tù Chu Vĩnh Khang thì sự gắn kết giữa các nhà lãnh đạo cấp cao của Trung Quốc sẽ bị suy yếu.

Thách thức thứ ba đối với ông Tập là tránh các mâu thuẫn không cần thiết với Nhật Bản. Việc Trung Quốc tuyên bố thiết lập vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên biển Hoa Đông, bao trùm lên quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư, cũng như các tranh cãi xung quanh việc Thủ tướng Nhật Shinzo Abe tới thăm đền Yasukuni cho thấy rằng, quan hệ giữa 2 nước, vốn đang ở mức xấu nhất trong vòng 40 năm, sẽ còn tiếp tục xấu đi.

Chủ tịch Tập Cận Bình và các cố vấn của mình không nên ảo tưởng rằng một cuộc xung đột với Nhật Bản sẽ nâng cao vị thế của ông trong mắt công chúng Trung Quốc bởi Nhật Bản, với sự hỗ trợ của Mỹ, sẽ khiến Trung Quốc thất bại nhục nhã.

Cuối bài, ông Pei nhận định rằng, tương lai chính trị của ông Tập phụ thuộc vào khả năng hiện thực hóa các lời hứa mà mình đã đưa ra.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại