Nếu nguồn tin trên là đúng thì đây là lần đầu tiên Trung Quốc chính thức điều tra tham nhũng đối với một quan chức đã từng giữ chức vụ cao như vậy. Nếu đúng như vậy thì ông Tập Cận Bình được cho là đã phá vỡ một quy luật bất thành văn ở Trung Quốc là các Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị sẽ không bị điều tra sau khi nghỉ hưu.
Những cáo buộc đối với ông Chu bắt đầu xuất hiện sau khi Trung Quốc tiến hành điều tra các quan chức và giám đốc điều hành của công ty dầu mỏ liên quan đến ông Chu về những cáo buộc lạm dụng quyền lực và tham nhũng. Con trai của ông là Chu Bân (Zhou Bin) và nhiều thành viên khác trong gia đình Chu Vĩnh Khang cũng bị điều tra.
Các nguồn tin của NYT cho biết, hồi đầu tháng này, ông Tập Cận Bình và nhiều nhà lãnh đạo cấp cao khác đã nhất trí thành lập một ủy ban điều tra trực tiếp ông Chu về tội tham nhũng và lạm dụng quyền lực. Một quan chức cấp cao đã tới nhà ông Chu tại Bắc Kinh để thông báo việc này; ông Chu và vợ, bà Giả Hiểu Diệp (Jia Xiaoye) đã bị quản thúc tại gia kể từ đó.
Chu Vĩnh Khang có nhiều năm làm trong ngành dầu khí quốc gia và có ảnh hưởng lớn trong lĩnh vực này. Đây cũng là lĩnh vực phát triển nhanh chóng cả ở trong và ngoài nước khi nhu cầu năng lượng của Trung Quốc đang ngày càng bùng nổ cùng với sự phát triển của nền kinh tế.
Sau đó, khi trở thành một thành viên của Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị, ông chịu trách nhiệm giám sát bộ máy an ninh, kiểm soát cảnh sát, công tố viên, tòa án và các cơ quan tình báo và được xem là ‘ông trùm’ an ninh của Trung Quốc. Chu Vĩnh Khang luôn nhấn mạnh “việc duy trì ổn định" có vai trò vô cùng quan trọng và ngân sách dành cho an ninh nội địa lớn hơn cả ngân sách quốc phòng.
Cho đến nay, những chính trị gia bị điều tra tham nhũng có cấp bậc cao nhất là thành viên của Bộ Chính trị, cấp thấp hơn so với Ủy ban Thường vụ trong hệ thống Đảng Cộng sản Trung Quốc, bao gồm Bạc Hy Lai, một đồng minh của ông Chu, người đã bị kết án tù chung thân hồi tháng Chín vừa qua vì tội nhận hối lộ, tham ô và lạm dụng quyền lực.
Theo NYT, hiện vẫn chưa rõ liệu ông Chu sẽ bị truy tố hay bị kỉ luật trong nội bộ đảng. Những cuộc điều tra trong nội bộ đảng không nhất thiết phải dẫn đến một sự truy tố hình sự công khai ngay cả khi phát hiện ra hành vi phạm tội. Chính phủ Trung Quốc chưa có bất kì một thông báo công khai nào về trường hợp của ông Chu Vĩnh Khang. Thông tin ông Tập Cận Bình quyết định điều tra ông Chu lần đầu tiên được đưa trên các trang tin Trung Quốc ở nước ngoài, bao gồm Mingjing News và Boxun, sau đó là đến hãng tin Reuters.
Ngay sau khi trở thành Chủ tịch Trung Quốc, ông Tập Cận Bình đã tuyên bố sẽ dẹp tham nhũng ở trong tất cả các hàng ngũ đảng, bao gồm cả những ‘con hổ’ (cấp cao) và những ‘con ruồi’ (cấp thấp). Và Chu Vĩnh Khang không còn nghi ngờ gì nữa là một ‘con hổ’.
Các thanh tra chống tham nhũng của Đảng Cộng sản Trung Quốc cũng đã bắt đầu điều tra một loạt các quan chức và giám đốc công ty có mối liên hệ công việc với ông Chu. Vị quan chức đầu tiên trong số này bị điều tra là Phó bí thư tỉnh ủy Tứ Xuyên, Li Chuncheng.
Giáo sư Dali Yang của Đại học Chicago cho rằng ông Tập đang khẳng định sự kiểm soát của mình đối với mọi cấp bậc, nhưng động thái này sẽ dẫn đến nguy cơ chia rẽ ở những tầng lớp cao nhất trong nội bộ Đảng Cộng sản Trung Quốc. Ông nói: “Quyết định điều tra này có nghĩa là những người đã từng nắm giữ vị trí thành viên Ủy ban Thường trực không còn được miễn trừ điều tra nữa. Những thành viên cũ sẽ luôn lo sợ bị các nhà lãnh đạo Trung Quốc điều tra”.
Theo BBC, các cuộc điều tra tham nhũng ở Trung Quốc đều có chọn lọc. Ông Chu Vĩnh Khang là người đã bảo trợ cho cựu Bí thư Thành ủy Trùng Khánh Bạc Hy Lai.
Hãng tin Reuters trích dẫn nhiều nguồn cho rằng các nhà lãnh đạo mới của Trung Quốc đã rất giận dữ khi ông Chu phản đối việc thanh trừng ông Bạc Hy Lai.
Reuters dẫn lời một nguồn nói: "Chu Vĩnh Khang là một con hổ không răng và tương đương với một con hổ đã chết. Câu hỏi đặt ra là: Ông Tập có ‘lột da’ con hổ này hay không?".