Ngày 06/10/1973, hơn 800 xe tăng từ 3 sư đoàn bộ binh cơ giới tràn qua biên giới Israel vào Cao nguyên Golan. Cuộc tiến công thiết giáp ồ ạt này đã gây thương vong nặng nề cho các lực lượng phòng vệ Israel, trong đó Lữ đoàn Barak đã phải chứng kiến cảnh đẫm máu khi tất cả các chỉ huy đại đội thiệt mạng.
Mặc dù cuối cùng Israel cũng giành thắng lợi nhưng kinh nghiệm xương máu này buộc các lãnh đạo Quân đội Israel (IDF) phải tìm ra cách ngăn chặn những cuộc tấn công tương tự có thể xảy ra trong tương lai. Cùng với sự hỗ trợ của Tập đoàn Các hệ thống Quốc phòng tiên tiến Rafael (Rafael Advanced Defense Systems), họ đã chế tạo ra tên lửa Tamuz.
Bên ngoài Israel, tên lửa này được biết đến với tên gọi: Spike Non-Line-of-Sight (Spike-NLOS) và được xem như loại tên lửa đầu tiên thuộc dòng Spike.
Kể từ đó, tên lửa Spike trở thành một trong những vũ khí chống tăng có điều khiển thượng hạng trên thế giới và gặt hái được những thành công ngoại mục về xuất khẩu. Tên lửa này đang phục vụ ở rất nhiều cường quốc quân sự như Anh, Đức, Hàn Quốc và Ấn Độ, và hiện cũng được rất nhiều quốc gia Đông Nam Á đặc biệt quan tâm.
Spike hoạt động như thế nào và tại sao nó lại thành công đến vậy?
Tên lửa Spike MR của Israel. Ảnh: Times of India
Dòng tên lửa chống tăng siêu đẳng
Spike-NLOS là một vũ khí tiên phong trong lĩnh vực chống tăng, là tên lửa dẫn đường quang điện với liên kết dữ liệu không dây thời gian thực, có thể tiến công các mục tiêu ở vị trí bị che khuất hoàn toàn nhờ hệ thống ống phóng thẳng đứng.
Các tên lửa Spike NLOS có 2 chế độ tiến công gồm tiến công trực tiếp (đối với mục tiêu trong tầm nhìn thấy) hoặc tiến công mục tiêu nhờ xác định vị trí tọa độ sau khi đã được phóng lên (đối với mục tiêu bị che khuất hoặc ở xa).
Spike NLOS còn được trang bị hệ thống dẫn đường quang - hồng ngoại với hệ thống cảm biến đa kênh nên nó dễ dàng phát hiện mục tiêu. Hệ thống dẫn đường này cũng giúp Spike NLOS tiến công chính xác các mục tiêu cả ngày lẫn đêm trong mọi điều kiện thời tiết.
Tên lửa cũng có khả năng liên kết với mạng chỉ huy và điều khiển của Israel. Vì vậy, dữ liệu từ các nguồn khác như radar chống pháo binh và máy bay không người lái có thể giúp dẫn Spike-NLOS tới mục tiêu của mình.
Xét về khả năng thực chiến, Spike-NLOS đã gặt hái nhiều thành công vang dội. Nó từng giữ vai trò quan trọng trong các phong trào intifada gần đây và trong cuộc chiến tranh Lebanon lần thứ hai như một công cụ vô hiệu hóa các chốt điểm pháo binh.
Độ chính xác cao của Spike-NLOS tỏ ra đặc biệt hữu ích ở những khu vực có nhiều thường dân. Nhờ ưu thế này, Spike-NLOS liên tục giành được các hợp đồng xuất khẩu. Nước Anh mua nó dưới tên gọi Exactor và đã triển khai rất thành công tại Afghanistan và Iraq.
Hệ thống tên lửa Spike trong lần thử nghiệm cho Lục quân Anh. Ảnh: Army Technology
Spike-NLOS cũng đã được Hàn Quốc quyết định mua sau vụ tấn công ở Yeonpyeong năm 2010 như một giải pháp hữu hiệu để đối phó với pháo binh Triều Tiên.
Thành công của dòng Spike không chỉ dừng lại ở tên lửa NLOS. Những năm 1990, nhiều cuộc thử nghiệm đã được tiến hành để chuyển đổi công nghệ tên lửa Spike thành những loại vũ khí nhỏ hơn vì IDF cần một loại tên lửa dẫn đường chống tăng (ATGM) mới để thay thế cho M47 Dragon của Mỹ đã quá tuổi.
Theo Chương trình Vũ khí Bộ binh của Jane’s, vụ bắn thử đầu tiên hệ thống này diễn ra vào năm 1992. Loại được triển khai đầu tiên là tên lửa Gill, vẫn được biết tới với tên gọi Spike-MR trên thị trường quốc tế.
Đây là tên lửa "bắn và quên", không có điều khiển dẫn đường như ở Spike-NLOS nhưng bù lại, bệ phóng và tên lửa nhẹ hơn. Phiên bản này cũng đã rất thành công khi xuất khẩu, giành được chiến thắng trong các cuộc thử nghiệm ATGM của Phần Lan với một hợp đồng năm 2000. Sau đó, nó cũng nhanh chóng được Singapore và Hà Lan mua sắm.
Spike-MR được xem là đối thủ cạnh tranh với hệ thống Javelin của Mỹ do cả hai đều có các cấu phần và công nghệ tương tự. Cả hai đều có thiết bị chỉ huy phóng (CLU), với một ống kính ảnh nhiệt tích hợp trên bệ phóng và đều dùng cảm biến quang điện tử để định vị mục tiêu. Spike-MR gần đây còn đánh bật Javelin trong một cuộc cạnh tranh giành hợp đồng với Ấn Độ.
Phiên bản Spike-LR tái sử dụng một số tính năng của Spike-NLOS cho những tên lửa Spike nhỏ hơn, với cùng công nghệ truyền dữ liệu sợi quang cho phép người điều khiển nhìn rõ những gì mà tên lửa quan sát thấy.
Phiên bản này gia nhập IDF cùng khoảng thời gian với Spike-MR và cũng đã có nhiều hợp đồng xuất khẩu thành công ở châu Âu, trong đó có Đức và Ba Lan.
Spike-MR là một ATGM thông dụng gắn trên xe, thay thế Milan của Đức như một ATGW cơ bản cho dòng xe chiến đấu bộ binh của nước này. Ngoài ra, tên lửa còn có các tùy chọn khác để tích hợp trên trực thăng.
Gần đây, IDF đã đặt hàng các phiên bản Spike-LR2 mới được nâng cấp. Tên lửa mới này mang các đầu đạn sát thương hơn và khả năng cho CLU tiếp nhận dữ liệu từ nhiều nguồn khác.
Tiếp tục phát triển, năm 2012 Rafael cho ra đời Spike-SR, phiên bản nhỏ dùng cho cấp khẩu đội. Không giống Spike-MR, nơi các binh sĩ sử dụng CLU để xác định mục tiêu, sau đó chuyển dữ liệu cho tên lửa. Với Spike-SR, người điều khiển sử dụng chính đầu dò tên lửa để tìm mục tiêu. Spike-SR cũng đã rất thành công trong xuất khẩu năm 2016.
Thành viên cuối cùng thuộc dòng Spike là Spike-ER, tương tự như Spike-LR nhưng tầm bắn xa hơn và có thêm một số tính năng khác. Nó đã được Israel sử dụng trên các trực thăng Apache cũng như được Phần Lan bố trí trên các đồi cao để phòng thủ bờ biển.
Hàn Quốc phóng thử một tên lửa Spike. Ảnh: Korea Herald
Đông Nam Á đặc biệt quan tâm
Điều gì đã khiến Spike xuất khẩu thành công đến vậy? Đương nhiên, khả năng vượt trội trong các cuộc thử nghiệm và những đặc tính "bắn và nhìn" tiên tiến chắc chắn là một phần lý do. Thế nhưng, yếu tố lớn nhất, có lẽ là việc Israel sẵn sàng chuyển giao công nghệ chế tạo Spike cho các quốc gia muốn sở hữu nó.
Khi Ba Lan mua Spike-LR, các động cơ rocket, đầu đạn và ống phóng của Spike đều được ZM Mesko, một công ty của Phần Lan chế tạo. Những cấp phép tương tự cũng được thực hiện với Ấn Độ khi nước này mua Spike-MR.
Spike SR của Rafael trong một triển lãm ở Singapore. Ảnh: Jane's
Tháng 8/2017, trong buổi lễ thành lập liên doanh với Tập đoàn Kalyani của Ấn Độ, Thiếu tướng (đã nghỉ hưu) Yoav Har-Even, Chủ tịch kiêm CEO của Rafael từng phát biểu: "Chúng tôi đã cung cấp cho Ấn Độ những hệ thống phòng thủ tiên tiến nhất của mình và sẵn sàng chuyển giao công nghệ".
Baba Kalyani - Chủ tịch của Kalyani cũng cho biết: "Chúng tôi sẽ đề nghị chính phủ cho phép xuất khẩu sang các nước Đông Nam Á như Myanmar, Việt Nam, Philippines, Indonesia. Đây là những thị trường tiềm năng của chúng tôi".
Trước đó, tháng 6/2017, Tạp chí quân sự Anh Jane’s từng đưa tin, ngoài Singapore, một số khách hàng khác ở ĐNA cũng đang bày tỏ sự quan tâm đặc biệt đến dòng tên lửa Spike do Israel sản xuất.
Đánh giá một cách tổng quan, Spike là một minh chứng về khả năng tìm ra giải pháp đột phá của các tổ hợp quốc phòng Israel nhằm đối phó với nhiều mối đe dọa khác nhau. Cho tới nay, Spike vẫn là một trong những câu chuyện thành công nhất về xuất khẩu các tên lửa dẫn đường chống tăng, với hàng nghìn chiếc Spike đang được cấp phép sản xuất trên toàn cầu.