Chuyên gia Mỹ: Những điểm bất thường trong tuyên bố tên lửa Nga bắn trúng F-35 Israel

Linh Lâm |

F-35 đã trở thành "biểu tượng" của trình độ công nghệ Mỹ nhưng là một biểu tượng tai tiếng tới mức bất cứ tin đồn nào như F-35 hư hại hay bị bắn hạ đều thu hút sự chú ý.

Tên lửa phòng không Nga đã bắn trúng một trong những chiếc tiêm kích tàng hình F-35 mới của Israel?

Đây có lẽ là câu hỏi đang nhận được nhiều sự quan tâm.

Trong bài viết trên tạp chí National Interest, nhà phân tích Michael Peck đã nêu ra các điểm nghi vấn giữa luồng thông tin nhiều phía đưa ra.

Cụ thể như sau:

Bằng chứng mơ hồ

Theo cánh truyền thông thân Nga, một tiêm kích F-35I của Israel đã hư hại sau khi bị tên lửa đất-đối-không S-200 (do Nga sản xuất) bắn trúng trong cuộc không kích của Israel nhằm vào Syria hồi giữa tháng này.

Trong khi đó, phía Israel thừa nhận đúng là một chiếc F-35 của họ đã bị hư hại nhưng do… va chạm với chim.

Chuyên gia Mỹ: Những điểm bất thường trong tuyên bố tên lửa Nga bắn trúng F-35 Israel - Ảnh 1.

Tiêm kích tàng hình F-35 của Không quân Israel. Ảnh: Aviation Voice

Mọi chuyện bắt đầu vào ngày 16/10, khi Israel tuyên bố máy bay của họ đã tấn công một tổ hợp tên lửa đất-đối-không (SAM) của Syria gần thủ đô Damascus.

Lý do là vì hai tiếng trước đó, tổ hợp tên lửa của Syria đã bắn phá các máy bay trinh sát của Israel bay trên bầu trời Lebanon.

Phía Israel tuyên bố, cuộc tấn công của họ đã khiến tổ hợp tên lửa của Syria hư hại, trong khi các máy bay của Israel không hề hấn gì.

Không rõ tình cờ hay không nhưng vụ việc lại diễn ra đúng ngày Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu tới Israel để gặp người đồng cấp Avigdor Lieberman và Thủ tướng Benjamin Netanyahu.

Hai bên đã thảo luận về tình hình khu vực, bao gồm cả vấn đề Syria, cuộc chiến chống khủng bố cũng như các lĩnh vực hợp tác kỹ thuật quân sự.

Tuy nhiên, Southfront.org, website thường xuyên đưa tin về chiến dịch quân sự của Nga tại Syria, lại đăng tải một câu chuyện khác.

"Theo thông tin hiện có, Lực lượng phòng vệ Syria đã sử dụng tên lửa S-200 chống lại máy bay quân sự Israel" – Southfront viết.

Cũng theo trang này, một tiêm kích tàng hình đắt đỏ F-35 của Israel đã trúng đòn của tổ hợp tên lửa có từ những năm 1960.

"Hệ thống tên lửa đó (S-200) do Liên Xô sản xuất, là hệ thống phòng không tầm xa tiên tiến nhất mà quân đội Syria vận hành. Dù vậy, trong môi trường tác chiến hiện đại, đây là hệ thống đã lỗi thời".

Tuy nhiên, bằng chứng mà Southfront đưa ra lại khá mơ hồ: Vài giờ sau khi quân đội Israel tuyên bố tấn công tổ hợp tên lửa của Syria, truyền thông Israel đưa tin một chiếc F-35 của nước này đã hư hại sau khi va vào chim cách đó 2 tuần.

Chiếc máy bay đã hạ cánh an toàn nhưng Không quân Israel thừa nhận, họ không rõ liệu nó có thể trở lại hoạt động sớm hay không.

Cho tới nay, Israel mới nhận được 7 chiếc F-35I trong tổng số 50 chiếc đặt hàng.

"Vụ tai nạn xảy ra ‘cách đây 2 tuần’ nhưng tới ngày 16/10 mới được thông báo rộng rãi", Southfront viết, "song, các nguồn tin Israel không đưa ra được hình ảnh nào về chiếc F-35 bị hư hại sau khi ‘va vào chim’".

Tuy nhiên, lý do để Không quân Israel cảm thấy họ cần phải công bố hình ảnh chiếc máy bay gặp nạn ra là gì? Southfront không giải thích được.

Chuyên gia Mỹ: Những điểm bất thường trong tuyên bố tên lửa Nga bắn trúng F-35 Israel - Ảnh 2.

Tên lửa phòng không S-200. Ảnh: AP

Đôi lúc, đừng phức tạp hóa vấn đề!

Trong khi đó, theo trang mạng quốc phòng The Drive (Mỹ), tiêm kích F-35 mới được đưa vào biên chế Israel nên nhiều khả năng sẽ không tham gia vào các nhiệm vụ ở Syria, trừ trường hợp có tình huống khẩn cấp bởi Israel hiện có rất nhiều máy bay chiến đấu F-15 và F-16 có thể đảm đương các nhiệm vụ đó.

F-35 cũng không được tối ưu hóa để thực hiện các sứ mệnh trinh sát hình ảnh mà Israel tiến hành trên bầu trời Lebanon.

The Drive kết luận rằng: "Mặc dù chúng ta không thể loại trừ hoàn toàn khả năng trên (F-35 trúng tên lửa) nhưng đôi lúc, đừng nên phức tạp hóa vấn đề".

Theo nhà phân tích Michael Peck, trong bất cứ trường hợp nào thì điều thú vị nhất trong câu chuyện không phải là liệu F-35 có trúng tên lửa Nga hay không.

Cũng giống như sự tồn tại của UFO, câu chuyện này có thể đúng hoặc không đúng sự thực. Chúng ta cần có nhiều bằng chứng cụ thể hơn để có thể kết luận.

Phần thú vị nhất trong câu chuyện có lẽ là, F-35 đã trở thành "biểu tượng" của trình độ công nghệ Mỹ, nhưng là một biểu tượng tai tiếng tới mức bất cứ tin đồn nào có nội dung như F-35 hư hại hay bị bắn hạ trong chiến đấu đều thu hút sự chú ý.

Tất nhiên, Nga và phe thân Nga sẽ "vồ vập" lấy bất cứ thông tin nào cho rằng F-35 đã trúng tên lửa. Ngược lại, phe ủng hộ F-35 chắc chắn sẽ phản bác kịch liệt những tin đồn này.

Trước đó, đã có những báo cáo (một lần nữa, lại là những báo cáo chung chung) rằng F-35 của Israel đã được triển khai chiến đấu.

Thực tế, Không quân Mỹ và Israel nằm trong số những lực lượng không quân tích cực nhất trên thế giới, vì vậy sớm muộn gì F-35 cũng sẽ chính thức tác chiến. Tuy nhiên, khi chưa có thông tin chính thức nào thì những tin đồn đã đầy rẫy ngoài kia.

Mọi sự giờ đây mới chỉ là khởi đầu mà thôi.

*** Bài viết là quan điểm riêng của nhà phân tích Michael Peck, một cây viết đóng góp tích cực cho tạp chí National Interest.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại