Trả lời phỏng vấn của hãng thông tấn RIA Novosti vào hôm qua (20/4), ông Praveen Pathak - phát ngôn viên tập đoàn BrahMos Aerospace cho biết:
Tập đoàn này sẽ ký hợp đầu đồng tiên xuất khẩu tên lửa hành trình BrahMos vào cuối năm 2016. Khách hàng là một quốc gia trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
"Còn quá sớm để nói cụ thể vì các cuộc đàm phán vẫn đang tiếp diễn, nhưng chúng tôi dự kiến rằng vào cuối năm nay, sẽ có một hợp đồng chính thức được ký kết" - ông Pathak nói.
Ông Pathak bật mí rằng khách hàng châu Á-Thái Bình Dương sẽ là quốc gia "thân thiện", không hề có bất cứ xung đột nào với Nga hay Ấn Độ.
Tên lửa hành trình siêu thanh BrahMos.
Theo hãng tin Sputnik, một số nước trong khu vực Đông Nam Á, bao gồm Thái Lan, Việt Nam và Indonesia đang quan tâm đến tên lửa BrahMos.
Tại triển lãm Defense & Security-2015, đại diện BrahMos Aerospace đặc biệt nhấn mạnh rằng:
"Đông Nam Á là khu vực đầy hứa hẹn của chúng tôi. Tại triển lãm này, một số đại diện cao cấp của Bộ Quốc phòng Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Việt Nam và Philippines đã đến thăm khu vực trưng bày của chúng tôi.
Đàm phán chính thức vẫn chưa được thực hiện, nhưng có khả năng cao là họ sẽ trở thành khách hàng của chúng tôi trong tương lai".
Khi đó, vị đại diện cho biết Brahmos Aerospace đang chờ đợi đề nghị đặt mua chính thức từ các quốc gia châu Á - Thái Bình Dương.
Tên lửa hành trình siêu thanh BrahMos rời bệ phóng thẳng đứng trên tàu hộ vệ INS Tarkash (F50) của Ấn Độ
Tên lửa Brahmos do liên doanh Brahmos Aerospace giữa Ấn Độ và Nga chế tạo từ năm 1998, tên gọi "BrahMos" được ghép từ tên 2 con sông Brahmaputra và Moskva.
Đây là loại tên lửa hành trình siêu âm với tầm bắn tối đa lên đến 290km, độ cao bay tối đa 15km, tối thiểu 10m, mang được đầu đạn nặng 200 - 300kg.
Hiện nay, Brahmos có nhiều biến thể khác nhau như phóng từ tàu chiến, bệ phóng trên mặt đất, tàu ngầm và phóng từ máy bay.
Trả lời RIA Novosti, ông Pathak cho biết thêm rằng, các cuộc thử nghiệm đầu tiên đối với phiên bản BrahMos phóng từ máy bay chiến đấu đa nhiệm Su-30 Flanker C sẽ được tiến hành trong 1 hoặc 2 tháng tới và kết thúc vào tháng 11 hoặc 12 năm 2016.
"Các cuộc thử nghiệm mặt đất đối với phiên bản phóng từ trên không đã kết thúc, hiện giờ chúng tôi đang lên kế hoạch để lắp tên lửa lên máy bay Su-30 và trong 1-2 tháng tới sẽ thử nghiệm phóng".
Ông Pathak cho hay, một mô hình tên lửa với kích cỡ như thật sẽ được sử dụng trong các cuộc thử nghiệm ban đầu, sau đó mới thay thế bằng tên lửa BrahMos thật.
"Chúng tôi hy vọng sẽ hoàn thành tất cả các thử nghiệm vào tháng 11-12" - ông Pathak nói.