Tình trạng lạm dụng kháng sinh đang dần tạo ra những "siêu khuẩn kháng thuốc " đe dọa loài người, khiến ngành y tế thế giới đau đầu. Các nhà khoa học Úc vừa tìm thấy chìa khóa trong một dược liệu quen thuộc: Quế.
Nhóm tác giả của Đại học Công nghệ Swinburne đã thử nghiệm hợp chất vốn là thành phần chính của quế, gọi là cinnamaldehyde (CAD), trên Pseudomonas aeruginosa – nguyên nhân phổ biến nhất gây nhiễm trùng ở các bệnh nhân suy giảm miễn dịch.
Pseudomonas aeruginosa ngày nay đã trở thành một "siêu khuẩn" với lớp màng sinh học bao quanh, như tấm lá chắn vững chắc chống lại nhiều kháng sinh mạnh và hiện đại nhất.
Nhưng CAD trong quế lại dễ dàng xuyên thủng lá chắn này. Một khi vi khuẩn mất đi lớp bảo vệ, ngay cả những kháng sinh thông thường nhất cũng dễ dàng tiêu diệt chúng.
Dược liệu quý này cũng ngăn ngừa sự hình thành các màng sinh bảo vệ vi khuẩn đồng thời hạn chế sự sinh sôi của những dòng siêu khuẩn được "mặc áo giáp" ngay từ khi mới chào đời. Tiến sĩ Sanjida Topa, người đứng đầu nghiên cứu, cho biết phát hiện này chắc chắn góp phần vào công cuộc tìm kiếm những biện pháp thay thế kháng sinh.
Trong những năm qua, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và ngành y tế nhiều quốc gia đã chi tiền khủng để nghiên cứu kháng sinh mới, cũng như các phương án thay thế kháng sinh. Lý do là ngày càng có nhiều "siêu bệnh" mà mọi kháng sinh hầu như đều bó tay. Nguyên nhân là sự lạm dụng, dùng sai cách các kháng sinh. Năm 2016, người đại diện của WHO thậm chí ví von rằng thảm họa mà các siêu khuẩn kháng thuốc gây ra sẽ "nguy hiểm như khủng bố".