Trong khi triển khai các máy bay không người lái tới những khu vực như Afghanistan, Mỹ hiện đang hướng đến việc thiết lập một sự hiện diện tương tự trong lòng các đại dương thế giới, bằng cách sử dụng các phương tiện không người lái hoạt động dưới nước (UUV).
Thiết bị mới có tên Slocum Glider, điểm đặc biệt là nó không cần đến nhiên liệu để duy trì hoạt động như các UAV mà tích hợp năng lượng từ chính đại dương, bí mật thăm dò các khu vực xung quanh và gửi thông tin trở lại tàu chiến.
Glider lợi dụng một tầng nước đặc biệt dưới biển gọi là tầng dị biệt nhiệt hoặc tầng giữa. Ở tầng này, nhiệt độ của nước thay đổi theo độ sâu nhanh hơn và lớn hơn so với các tầng khác, dẫn đến biến động áp suất cũng lớn hơn. Lợi dụng điểm đó, Glider đo nhiệt độ nước để nắm được thay đổi của áp suất giữa lớp nước ấm nằm gần bề mặt và lớp nước lạnh bên dưới rồi tự thay đổi độ lặn của chính mình cho phù hợp với áp suất.
Glider liên tục di chuyển lên xuống theo quỹ đạo dạng sóng và dùng phần cánh ngắn để điều khiển hướng tới trước với tốc độ khoảng 1,6 km/giờ. Nhờ vậy, nó sẽ có thể hoạt động trong thời gian rất dài mà không cần trồi lên.
Một hợp đồng mới trị giá hơn 200.000 USD đã được trao cho hãng nghiên cứu Teledyne Webb Research để phát triển thêm tiềm năng của những cỗ máy dưới biển này. Glider sẽ có thể phát hiện hiệu quả thủy lôi và tàu ngầm của đối phương trong trường hợp có chiến tranh.
Theo thông tin được đăng tải trên website của Teledyne thì Glider "mang nhiều loại cảm biến đa dạng, chúng có thể được lập trình để tuần tra liên tiếp trong nhiều tuần, sau đó nổi lên trên bề mặt biển để chuyển dữ liệu về bờ, cùng lúc đó thu nhận nhiệm vụ mới trong từng thời điểm nghỉ”, hoạt động của các thiết bị này đã tiết kiệm chi phí đáng kể so với các tàu mặt nước thông thường.
Trong tương lai, Glider có thể được sử dụng để chống thủy lôi và tham gia các hoạt động viễn chinh, giúp giảm nguy hiểm cho các thủy thủ và lính thủy đánh bộ phải xâm nhập các vùng nước nông gần bờ để rò gỡ thủy lôi.
Năm ngoái, một bản báo cáo của NATO cho biết Glider có thể sẽ được phóng trực tiếp từ tàu ngầm thay vì tàu chiến mặt nước.
“Việc triển khai từ tàu ngầm đã tạo ra một bước tiến trong việc tích hợp công nghệ này vào hoạt động tác chiến hải quân. Không giống như những tàu chiến mặt nước, tàu ngầm là hệ thống tàng hình có thể cơ động qua những khu vực bị phong tỏa để triển khai một phi đội Glider” - Báo cáo viết.
Không chỉ mở rộng khả năng trinh sát dưới biển, Hải quân Mỹ cũng đang sử dụng năng lực tác chiến ở đại dương để hỗ trợ các phi đội UAV. Hồi đầu tháng này, Hải quân Mỹ đã phóng thành công một thiết bị bay không người lái từ tàu ngầm đang lặn sâu dưới biển.
Bộ Quốc phòng Mỹ đã thông qua chương trình trị giá 56 triệu USD để chế tạo 150 chiếc UUV, dự kiến giao hàng năm 2014 và sẽ tiếp tục đẩy mạnh đầu tư vào lĩnh vực này.