Đáng tiếc, kẻ đó là Trung Quốc và người Mỹ đã được dạy một bài học đích đáng vì thói nhút nhát của mình”, tờ The Diplomat bình luận.
Trong bài viết bình luận về sự cố hai tàu chiến của Trung Quốc và Mỹ suýt nữa “đấu đầu” trên Biển Đông hôm 5/12 vừa qua, tờ The Diplomat cho rằng trong hiệp đấu này, phía Trung Quốc đã giành thắng lợi hoàn toàn và họ tỏ ra rất thỏa mãn với kết quả đó.
Hãy nghĩ thêm một chút. Một chiếc tàu đổ bộ đang đi theo hộ tống chiếc hàng không mẫu hạm Liêu Ninh của Trung Quốc trên Biển Đông đã ngang nhiên chạy cắt mặt chiếc chiến hạm hiện đại nhất của hải quân Mỹ mà không thèm nói gì. Rốt cuộc, để tránh một cuộc va chạm, tàu chiến Mỹ buộc phải bẻ lái gấp gáp và sau đó hai viên thuyền trưởng mới trao đổi với nhau bằng điện đàm. Phía Trung Quốc khẳng định, họ đang trong phạm vi của “vùng phòng vệ bên trong” để bảo vệ cho chiếc Liêu Ninh. Điều đáng nói là “vùng phòng vệ” này có bán kính lên tới 60 dặm hay một vùng biển có diện tích lên tới 2.800 dặm vuông, lớn gấp đôi diện tích tiểu bang Rhode của Mỹ. Sau vụ “hôn gió” này, tàu Cowpens của Mỹ lặng lẽ rời khỏi khu vực.
Truyền thông Trung Quốc tất nhiên sẽ coi đây là một chiến thắng đáng để ca tụng. Hãng thông tấn Tân Hoa Xã sau đó đã rêu rao: “Chiếc tuần dương hạm mang tên lửa USS Cowpen của Mỹ đã cố tình đi vào khu vực hải quân Trung Quốc đang tập trận trên Biển Đông, bất chấp lời cảnh báo của các tàu chiến hộ tống và đã suýt nữa đụng độ với một tàu chiến của Trung Quốc”.
Thông điệp mà Tân Hoa Xã đưa ra nghe có vẻ rất bình thường nhưng nó lại hàm chứa khá nhiều sự hả hê: “tàu Mỹ đột nhập vào vùng tập trận”; “tàu Mỹ bị cảnh cáo và bị buộc phải rời đi”; “tàu Mỹ lặng lẽ rời đi”… Tất cả những điều này đang được các quan chức hải quân Trung Quốc hiểu rằng, hải quân Trung Quốc có thể (và có quyền) bao quát và kiểm soát một vùng biển rộng lớn hơn rất nhiều so với khu vực mà các chiến hạm của họ đang lập đội hình, họ có quyền cấm đoán những “kẻ lạ mặt” đi vào đó và có thể đuổi bất cứ kẻ nào cố tình xâm nhập.
Theo tờ The Diplomat, đây là một thất bại đau đớn của hải quân Mỹ, của cả nước Mỹ và là một tiền lệ nguy hiểm đến sự tự do hàng hải nói chung. Thất bại này, khi đi cùng với những sự kém thế của hệ thống liên minh do Mỹ đứng đầu ở châu Á sẽ trở thành điểm khởi phát cho một kỷ nguyên “lãnh đạo châu Á” của Trung Quốc.
Có một số người sẽ bảo: Làm thế nào để biết kẻ thắng người thua khi mà chưa có viên đạn nào rời khỏi nòng hay chưa có quả tên lửa nào được phóng đi? Thực tế là điều này hoàn toàn có thể. Trong thời kỳ chiến tranh lạnh, các vụ “suýt đối đầu” giữa Mỹ và Liên Xô xảy ra như cơm bữa, phần thua thuộc về kẻ nào buộc phải bẻ lái trước và điều đó cho thấy đối phương có tiềm lực hay khả năng chiến đấu cao hơn.
Thêm vào đó, điều này đã từng có tiền lệ. Người Mỹ không thể nào không biết vụ cố Tổng thống Teddy Roosevelt đã cho triển khai toàn bộ lực lượng hải quân của mình ở xung quanh khu vực Venezuela hồi năm 1902 để ngăn chặn các hạm đội của châu Âu đánh chiếm vùng đất này. Đây cũng chính là cách mà Trung Quốc đang làm để ngăn chặn Mỹ tiến vào Đông Nam Á.
Chưa hết, việc chịu thua, phải bẻ lái và rời đi lần này của tàu chiến Mỹ sẽ là một tiền lệ để những lần khác các tàu Trung Quốc được dịp vin vào và đẩy hải quân Mỹ ngày càng rời xa Biển Đông. Đó mới chính là bài học cay đắng cho người Mỹ.
Sau hai thập niên “nghỉ ngơi” (kể từ khi chiến tranh lạnh kết thúc), đây có thể coi là phép thử mạnh nhất của hải quân Mỹ và chắc chắn những phép thử kiểu này sẽ còn diễn ra nhiều hơn trong tương lai. Thất bại lần này, người Mỹ phải chấp nhận và chuẩn bị cho các trận chiến căng thẳng hơn.
“Có điều, Trung Quốc “đương nhiên thắng” nếu như quân đội Mỹ vẫn tiếp tục lảng tránh đối đầu như hiện nay”, The Diplomat kết thúc bài viết.