Theo nguồn tin quốc phòng Israel ngày 18/12, đây là thỏa thuận cực kỳ quan trọng về tương lai của hệ thống phòng thủ này.
Theo đó, hãng sản xuất Rafael (Israel) và Raytheon (Mỹ) sẽ cùng tiếp thị hệ thống tên lửa đánh chặn này ở Mỹ và một số nước khác vốn đã bày tỏ sự quan tâm, trong đó có Ba Lan, Ukraine và Hàn Quốc.
Thỏa thuận này cũng cho phép Israel có ngân sách để trang bị thêm các khẩu đội tên lửa Irone Dome (Vòm sắt) thông qua khoản viện trợ quân sự hàng năm của Mỹ cho Israel vào khoảng 3 tỷ USD, vốn chỉ được chi tiêu cho các hệ thống vũ khí và đạn dược do Mỹ sản xuất.
Đại diện Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết, thỏa thuận này có tầm quan trọng chiến lược đối với cả hai nước.
Nhờ thỏa thuận trên, Israel có thêm nguồn lực cho quốc phòng trong khi ngành công nghiệp Mỹ sẽ có cơ hội hợp tác sản xuất các bộ phận của Iron Dome.
Đổ tiền cho Vòm sắt
Trước khi Rafael và Raytheon đạt được thỏa thuận lần này, hồi tháng 8/2014, hãng tin Reuters cho biết, Quốc hội Mỹ đã phê duyệt khoản viện trợ khẩn cấp trị giá 225 triệu USD cho chương trình phát triển hệ thống đánh chặn tên lửa Vòm sắt.
Số tiền 225 triệu USD được coi là khoản chi tiêu khẩn cấp, tương tự như khoản chi tiêu được Quốc hội Mỹ sử dụng để chi cho các cuộc chiến tranh và cứu trợ thiên tai, nên gói viện trợ 225 triệu USD này có thể được bổ sung vào khoản thâm hụt ngân sách của Mỹ, mà không cần phải bù bằng các khoản tiết kiệm khác theo luật ngân sách của Quốc hội Mỹ.
“Vòm sắt và các tổ hợp tên lửa đánh chặn khác đang ngày ngày cứu sống rất nhiều người và ngăn chặn việc leo thang xung đột theo đúng nghĩa”, Nghị sĩ Doug Lamborn tuyên bố, khi bình luận về việc Mỹ viện trợ khẩn cho việc phát triển lá chắn Iron Dome.
Theo thỏa thuận tài trợ được Israel và Mỹ ký năm 2007, trong 10 năm tới, Israel sẽ nhận được khoản viện trợ quân sự trị giá khoảng 30 tỷ USD từ Mỹ.
Vòm sắt được Mỹ và Israel ca ngợi là hệ thống đánh chặn tuyệt vời trong chiến tranh hiện đại.
Nhiệm vụ chính của Iron Dome là tiêu diệt các loại đạn rocket, đạn pháo, cối do các tổ chức Hồi giáo vũ trang phóng vào các thành phố nằm ở phía Nam Israel.
Vòm sắt trở thành chiếc lá chắn quan trọng để bảo vệ Tel Aviv và các thành phố khác ở Israel trong việc đánh chặn các tên lửa từ Dải Gaza.
Với khả năng bao quát vùng lãnh thổ rộng tới 150km2, mỗi khẩu đội Vòm sắt được trang bị bao gồm một trạm radar đa nhiệm (phát hiện, theo dõi và dẫn bắn), trung tâm chỉ huy hỏa lực và 3 bệ phóng với 20 đạn tên lửa đánh chặn Tamir cho mỗi bệ.