Gót chân Achilles khiến F-22 khó có thể hạ Su-35 bằng 1 phát bắn

Nhật Huy |

Chiến đấu cơ Mỹ là những máy bay nhanh nhất, cơ động nhất trên thế giới. Tuy nhiên, những vũ khí của chúng đang ngày càng trở nên lỗi thời. Điều này khiến không quân Mỹ lo sợ.

Gót chân Achilles của chiến đấu cơ Mỹ

Tờ The Daily Beast (Mỹ) đăng bài viết cho hay:

Với khả năng bay cao và nhanh, tiêm kích tàng hình F-22 Raptor cho tới nay vẫn là máy bay chiến đấu đáng gờm nhất mà Mỹ từng chế tạo.

Tuy nhiên, theo nhiều cựu quan chức và quan chức đương nhiệm của Không quân Mỹ, Raptor, hay nói chung là tất cả các loại máy bay chiến đấu của Mỹ, đều có một gót chân Achilles.

Các tên lửa không đối không tầm xa của F-22 có nguy cơ không thể bắn trúng máy bay đối phương vì công nghệ gây nhiễu mới.

Vấn đề này trở nên quan trọng khi căng thẳng giữa Mỹ và và phương Tây với Nga đang tiếp tục gia tăng và một cuộc xung đột tiềm năng giữa các cường quốc lại một lần nữa có thể xảy ra, dù khá xa vời.

F-35A phóng tên lửa AIM-120 AMRAAM. Ảnh: Lockheed Martin

F-35A phóng tên lửa AIM-120 AMRAAM. Ảnh: Lockheed Martin

Một quan chức cấp cao của Không quân Mỹ dày dặn kinh nghiệm với F-22 đánh giá:

“Chúng ta (Bộ Quốc phòng Mỹ) đã không theo đuổi những phương pháp thích hợp để đối phó với các hình thức tác chiến điện tử trong nhiều năm qua".

"Vì vậy, tuy chiến đấu cơ của chúng ta có thể tàng hình, chúng sẽ gặp nhiều khó khăn khi muốn khai hỏa và bắn trúng một mục tiêu được bảo vệ bởi các biện pháp tác chiến điện tử, như những chiếc Su-35S của Nga”, quan chức này nói.

Máy bay chiến đấu Su-35S

Máy bay chiến đấu Su-35S. Ảnh: airliners.net

Thách thức lớn nhất là hiện nay là những nước như Nga, Trung Quốc đang bắt đầu ứng dụng một công nghệ gây nhiễu mới gọi là công nghệ ghi nhớ tín hiệu vô tuyến kỹ thuật số (DRFM).

Về cơ bản, công nghệ này thu nhận, xử lý và ghi nhớ tín hiệu radar của đối phương và sau đó có thể tái tạo lại và phát đi tín hiệu này.

Radar đối phương sẽ khó có thể phân biệt được tín hiệu "thật", phản xạ lại từ mục tiêu, và tín hiệu "giả" do DRFM tạo ra.

Tệ hơn nữa, công nghệ gây nhiễu này có thể làm mù những radar nhỏ lắp đặt trên các tên lửa không đối không như AIM-120 AMRAAM của hãng Raytheon.

Trong khi đó, đây là loại vũ khí chủ lực cho tất cả các máy bay chiến đấu của Mỹ và phần lớn chiến đấu cơ của đồng minh.

Điều này đồng nghĩa với việc có thể phải sử dụng nhiều tên lửa để tiêu diệt 1 mục tiêu.

“Con số về tỷ lệ này là thông tin mật, nhưng tôi có thể nói rằng cần nhiều hơn 1 tên lửa”, quan chức không quân Mỹ trên cho biết. Những chiến đấu cơ khác như F-15, F-16, F-18 cũng có chung vấn đề này.

Một quan chức khác, có liên quan đến dự án F-35 JSF, bổ sung thêm:

“AMRAAM đã được nâng cấp lớn nhiều lần trong thời gian qua. Nhưng về cơ bản thì công nghệ nền tảng của nó đã cũ và thiết kế ban đầu không tính đến sự xuất hiện của những công nghệ tác chiến điện tử tân tiến hiện nay”.

Mỗi tên lửa có một tầm bắn riêng, hạn chế khoảng cách mà nó có thể tấn công mục tiêu.

Trong tương lai không quá xa, tầm bắn AMRAAM có thể sẽ bị những loại vũ khí mới đang được phát triển trên khắp thế giới vượt xa.

Đặc biệt, Nga được cho là đang phát triển một loại vũ khí tầm xa mang tên K-100, có tầm bắn xa hơn bất cứ loại vũ khí hiện hành nào.

Vấn đề này không phải mới xảy ra lần đầu. Lầu Năm Góc có truyền thống ưu tiên phát triển chiến đấu cơ trước vũ khí.

Một chiếc F-15A Eagle tại bảo tàng quốc gia Không quân Mỹ.

Một chiếc F-15A Eagle. Ảnh: Bảo tàng quốc gia Không quân Mỹ.

Trong những năm 1970, F-15A Eagle mặc dù là loại tiêm kích mới nhưng lại mang những vũ khí lỗi thời như các máy bay chiến đấu F-4 Phantom II từ thời chiến tranh Việt Nam.

Phải đến những năm 1990, F-15A mới được trang bị AMRAAM để có thể phát huy hết khả năng của mình.

Vấn đề tương tự cũng xảy ra với các loại vũ khí tầm ngắn.

Phải đến đầu những năm 2000, với sự ra đời của tên lửa AIM-9X Sidewinder, Mỹ mới có vũ khí không chiến có thể ngang ngửa hoặc vượt trội tên lửa R-73 Archer của Nga.

Hai lính Mỹ chuẩn bị lắp quả đạn tên lửa không đối không tầm ngắn AIM-9 lên tiêm kích F-22.

Hai lính Mỹ chuẩn bị lắp quả đạn tên lửa không đối không tầm ngắn AIM-9 lên tiêm kích F-22. Ảnh: Không quân Mỹ

Một vấn đề nữa là sức tải vũ khí của chiến đấu cơ chỉ có hạn. F-22 có thể mang theo 6 tên lửa AMRAAM và 2 tên lửa Sidewinder bên trong khoang kín.

F-35 hiện có thể mang 4 AMRAAM trong khoang kín, mặc dù trong tương lai con số này có thể tăng lên 6.

Những máy bay thế hệ cũ như F-15 có thể mang theo tối đa 8 AMRAAM, còn F-16 thường mang tối đa 6 tên lửa.

Đâu là giải pháp?

Theo lời tướng Dave Deptula, cựu trưởng ban tình báo không quân Mỹ, giải pháp triệt để cho vấn đề này là đầu tư phát triển những loại tên lửa mới, có thể đối phó với những quốc gia có năng lực tác chiến điện tử mạnh.

Một hướng phát triển mới có thể là sử dụng dải tần số khác so với dải tần hiện đang được sử dụng phổ biến.

Radar trên những chiến đấu cơ và tên lửa chủ động hiện nay dùng dải cao tần được gọi là X-band. Sử dụng những dải tần số khác có thể là một giải pháp hợp lý.

Ngoài ra, kết hợp nhiều loại cảm biến, như radar và hồng ngoại, trên cùng một tên lửa, cũng là một hướng đi được tính đến và đã từng được thử nghiệm trong quá khứ nhưng không thành công.

Hiện nay, Hải quân Mỹ đang thực hiện dự án nâng tầm bắn cho AIM-9X Sidewinder lên 60% như một biện pháp khi phải tác chiến trong môi trường bị gây nhiễu nặng.

Tuy nhiên, ngay cả với tầm bắn được nâng lên thì nó vẫn kém nhiều so với tên lửa như AMRAAM.

Mô hình tên lửa Cuda

Mô hình tên lửa Cuda. Ảnh: Flight Global

Một cách tiếp cận khác là giảm kích thước tên lửa để một chiến đấu cơ có thể mang theo nhiều vũ khí hơn.

Lockheed Martin hiện đang phát triển Cuda, một loại tên lửa không đối không nhỏ, có thể giúp tăng cơ số tên lửa mà F-22 hay F-35 mang theo lên gấp 2 hoặc 3 lần, qua đó hóa giải lợi thế về số lượng của đối phương.

Tuy nhỏ hơn những tên lửa hiện nay nhưng tên lửa thế hệ mới như Cuda vẫn đảm bảo tầm bắn lớn vì dùng cơ chế tiêu diệt bằng va chạm trực tiếp thay vì dùng đầu đạn chứa thuốc nổ, nhờ đó giảm trọng lượng và tăng không gian chứa nhiên liệu đẩy.

Vẫn còn có những hoài nghi về khả năng có thể giải quyết cả vấn đề tầm bắn và số lượng vũ khí cùng lúc.

Dù vậy, xu hướng trong tương lai khi mà tên lửa ngày càng thông minh và hiệu quả hơn thì những tính năng của chiến đấu cơ có thể trở nên kém quan trọng hơn.

Đây rõ ràng là một tin không vui đối với những chương trình phát triển chiến đấu cơ hàng tỷ USD.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại